Công viên động vật hoang dã hơn 7.000 tỷ đồng chưa làm xong đã... xuống cấp
(Dân trí) - Sau 8 năm thi công, dự án công viên động vật hoang dã rộng gần 1.500ha, với tổng mức đầu tư hơn 7.000 tỷ đồng ở Ninh Bình đang bị bỏ hoang, dang dở do thiếu vốn.
Năm 2015, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt dự án công viên động vật hoang dã quốc gia tại Ninh Bình.
Dự án có tổng mức đầu tư hơn 7.000 tỷ đồng (diện tích hơn 1.000ha), trong đó vốn xã hội hóa khoảng gần 5.200 tỷ đồng, và vốn Ngân sách Nhà nước khoảng hơn 2.000 tỷ đồng.
Đây là khu bảo tồn động vật hoang dã quốc gia đầu tiên tại Việt Nam, hoạt động theo tiêu chuẩn quốc tế. Dự án nhằm bảo tồn và phát triển nguồn gen các loài động, thực vật đặc hữu, quý hiếm, các hệ sinh thái đặc thù, bảo tồn quỹ gen, bảo tồn sự đa dạng sinh học, cứu hộ động vật hoang dã, phục vụ cho các yêu cầu phát triển của đất nước trong giai đoạn hiện tại và tương lai.
Bắt tay triển khai dự án, Ban quản lý Công viên động vật hoang dã quốc gia tỉnh Ninh Bình đã công bố quy hoạch xây dựng công viên; nhanh chóng hoàn thành công tác cắm mốc giới theo quy hoạch; tiến hành rà soát xử lý bom, mìn…
Sau 8 năm thi công, Ban quản lý Công viên động vật hoang dã quốc gia tỉnh Ninh Bình cho biết đến nay đã cơ bản hoàn thiện việc đầu tư xây dựng giai đoạn 1 tuyến đường giao thông công viên (nối với quốc lộ 45 và tỉnh lộ 479D với tổng chiều dài 7,6km). Đơn vị này cũng đã thực hiện xong công tác kiểm đếm, giải phóng mặt bằng hàng chục ha, xây dựng khu nhà làm việc của ban quản lý…
Theo ghi nhận, sau thời gian dài xây dựng, dự án công viên vẫn chưa thể hoàn thành do thiếu vốn, không có nhà đầu tư. Vì thế, nhiều hạng mục của dự án dù đã hoàn thành nhưng hiện đang bị bỏ hoang, dang dở, xuống cấp nghiêm trọng.
Từ năm 2017 đến nay, dự án không được Nhà nước cấp vốn nên dừng thi công. Sau 8 năm thi công, phần đất thực hiện dự án được thu hồi, giải phóng mặt bằng đến nay vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất…
Lãnh đạo Ban quản lý Công viên động vật hoang dã quốc gia tỉnh Ninh Bình cho biết, nguyên nhân chậm tiến độ dự án do thiếu nguồn vốn Ngân sách nhà nước. Bên cạnh đó, nguồn vốn xã hội hóa thực hiện dự án cũng rất ít do không có nhà đầu tư "rót" vốn vào xây dựng công viên.
Trước thực trạng dự án chậm tiến độ, thiếu vốn và gặp nhiều vướng mắc trong quá trình triển khai, UBND tỉnh Ninh Bình đã 2 lần có văn bản trình Thủ tướng Chính phủ cho phép điều chỉnh dự án từ danh mục đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước sang đầu tư bằng vốn xã hội hóa.
Tuy nhiên, do chưa có quy định cụ thể về trình tự thủ tục chuyển đổi nên các Bộ, ngành có liên quan đang gặp khó khăn trong việc hướng dẫn thủ tục pháp lý cho UBND tỉnh Ninh Bình.
Mới đây, tại hội nghị giải quyết các vấn đề liên quan đến dự án, ông Trần Song Tùng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình - nhấn mạnh, dự án không chỉ mang giá trị về kinh tế mà còn có ý nghĩa cao đẹp trong việc gìn giữ, bảo vệ thiên nhiên; giáo dục, gieo mầm ý thức bảo vệ môi trường cho thế hệ trẻ và là động lực giúp cho Ninh Bình đa dạng sản phẩm, nâng tầm về du lịch.
"Tỉnh Ninh Bình cam kết, quyết tâm đồng hành cùng với các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ dự án. Tỉnh Ninh Bình sẽ sớm có cuộc khảo sát thực địa và tổ chức một hội nghị riêng để bàn bạc, thống nhất xử lý các vấn đề khó khăn, vướng mắc" - ông Tùng cho hay.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn chủ đầu tư về trình tự, thủ tục nhằm sớm được phê duyệt chủ trương đầu tư điều chỉnh để có cơ sở triển khai bước tiếp theo; Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện Nho Quan tiến hành rà soát lại ranh giới, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất... để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho chủ đầu tư.