1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

TPHCM:

Công ty thuộc da “cực lớn” xả nước thải ô nhiễm ra sông

(Dân trí) - Kiểm tra đột xuất lúc 22h đêm qua, cơ quan chức năng TPHCM đã bắt quả tang Công ty thuộc da Hào Dương xả chất thải trực tiếp ra sông Đồng Điền. Đây là công ty thuộc da có quy mô cực lớn, nhưng là “điển hình” chây lờn gây ô nhiễm môi trường.

>> Vedan “giết” sông Thị Vải

>> Miwon xả nước thải ra sông Hồng
>> Công ty giặt mài xả thẳng nước thải ra sông Đồng Nai

Công ty Hào Dương (Lô A18 Khu công nghiệp Hiệp Phước, huyện Nhà Bè, TPHCM) có công suất sản xuất hàng tháng là 5.000 tấn, lượng nước thải hàng ngày lên đến 3.500 m3, trong khi nhà máy xử lý nước thải của công ty này chỉ có công suất 2.500m3/ngày. 

Do vậy, lượng nước thải xả trực tiếp ra sông mỗi ngày của Hào Dương ít nhất là 1.000 m3/ngày. Nước thải này lại cực kỳ ô nhiễm và hôi thối, bởi trong quy trình sản xuất của công ty có nhiều khâu phát sinh ô nhiễm như: ngâm da trong các loại hóa chất như vôi, axit… Ngoài ra, da và lông thú cũng được công ty này xả trực tiếp ra sông. 

Tại hiện trường đêm qua (10/10), lực lượng kiểm tra liên ngành đã phát hiện nước thải rất hôi thối của công ty này được xả trực tiếp ra sông Đồng Điền qua hệ thống mương nước thải sinh hoạt. Độ pH thể hiện trên đồng hồ đo trong hệ thống sản xuất của công ty là 17 (mức nguy hại cấp 12). 

Theo lời của ông Nguyễn Văn Cường, người trực tiếp điều hành hệ thống xả thải bị bắt quả tang thì ông mới làm việc tại công ty được 24 ngày, mỗi ngày ông đều thực hiện công việc này. Ông Cường khai nhận là hệ thống này vận hành xả thải liên tục, nhiều nhất là vào ca đêm. 

Lực lượng kiểm tra đã cố gắng liên lạc với ban lãnh đạo công ty để điều tra vụ việc, nhưng không người có trách nhiệm nào ra mặt, chỉ để hai công nhân vận hành hệ thống xả thải đứng ra trả lời cơ quan chức năng. Dù vậy, lực lượng kiểm tra cũng lập biên bản hiện trường. 

“Điển hình” chây lờn gây ô nhiễm môi trường

Công ty này còn là một điển hình của doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường nhưng “chây lờn” vì quản lý lỏng lẻo. Từ đầu năm 2008 đến nay, công ty liên tục bị các cơ quan chức năng phát hiện xả thải trực tiếp ra sông, nước thải không đạt tiêu chuẩn hạng B… đến 20 lần. Nhưng tất cả những lần qua chỉ bị phạt hành chính mỗi lần vài triệu đến vài chục triệu đồng. 

Ngày 3/7, Sở Tài nguyên Môi trường buộc Hào Dương ngưng hoạt động công đoạn phát sinh ô nhiễm, chuyển hồ sơ sang cơ quan công an đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự, đồng thời ngưng cung cấp nước, buộc đình chỉ hoạt động cho đến khi hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải đạt yêu cầu. Tuy nhiên, Công ty vẫn tiếp tục sản xuất và đối phó bằng cách khoan giếng ngầm, mua nước từ các xà lan… 

Gần đây nhất, ngày 4/9, Công ty Hào Dương bị phát hiện đang xả thải trực tiếp ra sông, nhân viên công ty còn ngăn cản các nhân viên kiểm tra. Ngày 15/9, Ban quản lý các KCN- KCX buộc Hào Dương phải ngừng ngay việc xả nước thải chưa qua xử lý ra sông, nếu không chấp hành sẽ rút giấy phép đầu tư. 

Tuy nhiên, đến hôm qua (10/10), cơ quan chức năng lại bắt quả tang công ty này đang xả thải trực tiếp ra sông. Điều này thể hiện sự chây lì quá mức của Công ty Hào Dương. Nếu không có biện pháp xử lý nghiêm khắc thì khó mà giải quyết được. 

Dân trí đã liên hệ với Thanh tra Sở Tài nguyên Môi trường TPHCM, cơ quan có chức năng thanh tra, xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường để hỏi hướng giải quyết thế nào, nhưng bà Nguyễn Thị Dụ - Chánh thanh tra Sở, lại cho biết: “Hành vi của họ rõ ràng là cố tình rồi. Chúng tôi đang chờ Cảnh sát môi trường đề xuất thế nào thì Sở sẽ tham mưu UBND TP giải quyết, chứ chúng tôi cũng đã xử phạt hành chính nhiều lần rồi”.

 

Còn ông Nguyễn Minh Hoàng - Trưởng ban Kinh tế Ngân sách Hội đồng Nhân dân TP, thì kiên quyết: “Tôi chưa nhận được báo cáo về việc này. Nhưng nếu đúng thế thì trước hết phải tạm đình chỉ sản xuất công ty này đã, vì ngành thuộc da rất ô nhiễm. Nếu kết luận thanh tra xác thực như vậy thì phải kiên quyết đình chỉ sản xuất”.

 






 

 

 
Sáng nay, Cảnh sát môi trường đang tiếp tục làm việc với ban lãnh đạo Công ty Hào Dương về hệ thống xử lý chất thải của họ. 

Tùng Nguyên - Đoàn Quý