Công ty chứng khoán “đuổi” khách hàng!
Để “đuổi” bớt khách hàng, một số công ty chứng khoán đưa ra “chiêu” mới: ai có nhiều tiền xin mời vào, ít tiền vui lòng đi chỗ khác. Mới đây, Công ty cổ phần chứng khoán Sài Gòn (SSI) <a href="http://www1.dantri.com.vn/kinhdoanh/2007/3/169410.vip"> đã áp dụng “chiêu” này</a>.
Sân chơi cho người nhiều tiền
Đến sàn SSI để đăng ký mở tài khoản sáng 5/3, chị Minh - một giáo viên - ngỡ ngàng khi cô nhân viên yêu cầu chị phải đến quầy nộp 100 triệu đồng rồi mới được ký hợp đồng mở tài khoản.
Nhiều nhà đầu tư (NĐT) mới đã khựng lại khi đọc thông báo của SSI: “Khi mở tài khoản, khách hàng phải ký quĩ bắt buộc tối thiểu là 100 triệu đồng”. “Giống như họ cho chúng tôi vào cái sàng, ai có nhiều tiền thì lọt xuống” - anh Quyết, nhân viên công ty bánh kẹo, không giấu được vẻ thất vọng.
Ông Nguyễn Hồng Nam, phó tổng giám đốc SSI, cho biết kể từ 1/3 khi SSI áp dụng qui định mới, số lượng NĐT ký hợp đồng giảm đi nhiều. “Chúng tôi làm như vậy cũng để phục vụ NĐT được tốt hơn. Nếu đón nhiều người quá thì lệnh vào sẽ chuyển đi không kịp, NĐT chắc chắn sẽ bị thiệt hại” - ông Nam giải thích!?
Trước đó, Công ty chứng khoán Đông Á cũng đưa ra qui định NĐT khi mở tài khoản giao dịch phải có số dư ít nhất 5 triệu đồng. Nhưng công ty này đã có thông báo ngưng nhận NĐT mở tài khoản mới cho đến hết cuối tháng này do... quá tải!
Theo một luật sư, các công ty chứng khoán có thể đưa ra qui định về số dư tối thiểu khi mở tài khoản vì luật không cấm. “Hợp đồng được ký kết trên cơ sở thuận mua vừa bán. NĐT có thể chọn công ty chứng khoán phù hợp với điều kiện của mình” - ông nói.
Tuy nhiên, vị luật sư này cũng cho rằng đây là hành vi phân biệt đối xử khách hàng, đặc biệt nhạy cảm trong thời điểm thị trường chứng khoán còn non trẻ và NĐT còn nhỏ lẻ. “Lúc trước, Chính phủ quyết định chia nhỏ mệnh giá cổ phiếu từ 100.000 đồng/cổ phiếu xuống còn 10.000 đồng/cổ phiếu cũng là để tạo cơ hội cho đại đa số người dân được tham gia thị trường. Vì vậy, việc các công ty đưa ra qui định nhằm hạn chế NĐT nhỏ lẻ có thể làm ảnh hưởng đến hình ảnh công ty trên thị trường.
Kẹt trên sàn
Sau nhiều ngày không thể nào giao dịch được, từ 7h ngày 6/3, anh H. - một NĐT - đã có mặt tại Công ty chứng khoán ACB (ACBS) để đặt mua cổ phiếu... Mặc dù đã đi sớm nhưng lệnh của anh vẫn “rớt”. “Hết đợt khớp lệnh đầu tiên, nhân viên ACBS thông báo chưa được, phải chuyển sang đợt kế tiếp, rồi lại nhận được thông báo chờ phiên ba, cuối cùng cũng chẳng mua được...” - anh H. nói.
Ông T., một NĐT kỳ cựu, cho rằng có thể do NĐT quá đông nhưng cũng không loại trừ có hiện tượng tiêu cực của nhân viên nhập lệnh. Từ sau Tết Đinh Hợi đến nay phiên giao dịch nào cũng xảy ra quá tải tại sàn ACBS. Chỉ mới khoảng 8h40, khi đợt giao dịch đầu tiên chưa khớp lệnh, sàn này đã treo bảng không nhận lệnh nữa...
Ông G. - NĐT tại sàn SSI - cho biết từ nhiều ngày nay ông không thể giao dịch được. Hôm thì không chen vào được do quá đông, hôm khác thì sàn ngưng nhận lệnh sớm, có hôm nộp được lệnh nhưng lại không nhập được vào trung tâm.
Chưa hết, tình trạng quá tải đã nảy sinh nhiều tệ nạn trên sàn chứng khoán. Ngày nào cũng xảy ra chuyện NĐT bị móc túi, mất điện thoại, có NĐT bị mất đến 150 triệu đồng!
Vì chất lượng dịch vụ hay vì...?
Một số chuyên gia chứng khoán cho rằng việc hạn chế NĐT nhỏ với “khẩu hiệu” phục vụ tốt hơn những NĐT cũ chỉ là hình thức, thực chất là những đơn vị này chỉ muốn thực hiện các giao dịch lớn để hưởng phí dịch vụ nhiều hơn.
“Cũng thực hiện bấy nhiêu lệnh, nhưng với những giao dịch có khối lượng lớn cho những NĐT có nhiều tiền, công ty chứng khoán sẽ thu được nhiều phí hơn. Đây mới là mục tiêu chính của những qui định này...” - một chuyên gia nói.
Trao đổi với tuổi trẻ, ông Bùi Nguyên Hoàn - vụ trưởng phụ trách phía Nam của Ủy ban chứng khoán nhà nước (SSC) cho biết SSC đã khuyến cáo các công ty chứng khoán phải nhanh chóng mở rộng sàn để hạn chế tình trạng NĐT chen chúc nhau trong một diện tích chật hẹp.
“Nhưng dù quá tải, các công ty chứng khoán cũng không thể tự đưa ra những qui định làm ảnh hưởng đến NĐT, thị trường được xây dựng để mọi NĐT được tham gia chứ không chỉ dành riêng cho một số người nhiều tiền...” - ông Hoàn nhấn mạnh.
Theo N.Hằng - H.Đăng
Báo Tuổi trẻ