1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV
  4. TPHCM "khát" cây xanh

Quảng Nam:

Công trình thuỷ điện nhiều... không

(Dân trí) - Công trình thuỷ điện Sông Tranh 2 (Quảng Nam) được người dân nơi đây gọi là “công trình mơ ước” song kể từ ngày công trình khởi công (tháng 3/2006), những người dân thuộc diện di dời đang phải chịu cảnh sống không hề đáng ước mơ.

Không nhà, không nước, không đất sản xuất,...

 

Công trình thuỷ điện Sông Tranh 2 có công suất thiết kế 190 MW, vốn đầu tư hơn 4.000 tỷ đồng, do Ban quản lý dự án thủy điện 3 làm chủ đầu tư. Theo kế hoạch, để có mặt bằng xây dựng và hồ chứa nước, tỉnh Quảng Nam và chủ dự án công trình phải di dời 991 hộ với trên 5.000 nhân khẩu thuộc hai huyện Bắc Trà My và Nam Trà My đến nơi ở mới.

 

134 hộ dân huyện Bắc Trà My thuộc diện di dời đợt 1 từ hơn 7 tháng nay đang phải lập lại cuộc sống ở một nơi mới quá thiếu thốn.

 

Ông Hồ Văn Xay, cán bộ Mặt trận thôn 1, xã Trà Đốc, cho biết: Tại tổ 4 của thôn, hiện có 32 hộ gia đình, tất cả đều là đồng bào dân tộc Cà Dong sinh sống, nằm trong vùng bị di dời giải toả nhưng đến nay vẫn chưa được đi đến nơi ở mới. Hiện nay cuộc sống của đồng bào gặp rất nhiều khó khăn, không nước sinh hoạt, không nương rẫy sản xuất, không có nhà ở ổn định và môi trường bị ô nhiễm nặng. Trong khi đồng bào chỉ biết làm nương rẫy, ngoài ra không có công việc phụ để kiếm thêm tiền tăng thu nhập, mất đất sản xuất đồng bào đã khó khăn lại càng khó khăn hơn.

 

Ông Nguyễn Minh Tuấn ở thôn 3 xã Trà Đốc cho chúng tôi biết: Thôn ông có 89 hộ nằm trong diện di dời, nhưng đến nay còn 36 hộ vẫn chưa được kiểm kê hết đất dẫn đến không có tiền đền bù và cũng không được chỉ tiêu tái định cư. Trong khi công trình hàng ngày vẫn tiến hành thi công trên những diện tích đất của họ, vì vậy đồng bào không có đất sản xuất. Mặt khác một số hộ dân nhận được tiền đến bù không biết làm gì khi không có ruộng, rẫy. Có sẵn tiền trong tay, họ đã ăn tiêu hết.

 

Hàng ngày các hộ dân vẫn ngóng chờ về nơi ở mới để có đất sản xuất ổn định cuộc sống. Trong thôn có một số hộ gia đình như anh Hồ Văn Trung, Hồ Văn Đen, Hồ Văn Phương trước đây cuộc sống ổn định, sau khi nhường đất để xây dựng nhà máy thủy điện, các hộ này bỗng lâm vào cảnh thiếu ăn triền miên. Sau cơn bão số 6 vừa qua, nhà của các hộ này cũng đã bị chìm trong nước do san ủi làm đường giao thông.

 

Chính quyền xã Trà Đốc đã phải hỗ trợ 1 tạ gạo để cứu đói khẩn cấp cho các hộ gia đình, nhưng chỉ như muối bỏ bể. Ngoài thiếu lương thực, các hộ dân vùng lòng hồ thủy điện Sông Tranh 2 còn thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Trước đây, các công trình nước tự chảy do Nhà nước hỗ trợ xây dựng được đưa về tận thôn, nhưng hệ thống này đã bị phá bỏ khi công trình thuỷ điện khởi công, đồng bào hàng ngày phải đi lấy nước tận trên núi cao, mất vệ sinh, khiến nhiều người bị các bệnh ngoài da và đau mắt.

 

Môi trường sống của đồng bào nơi đây cũng đang bị đe dọa nghiêm trọng. Anh Hồ Văn Đen ở thôn 1, xã Trà Đốc cho biết: Gia đình anh sống trong vùng công trình đang thi công. Mùa nắng, bụi phủ kín đặc quánh không khí, không thở nổi. Trời mưa, bùn lầy vây quanh khiến việc đi lại rất khó khăn.

 

Chưa hết, việc nổ mìn của công trình cũng đe dọa đến tính mạng người dân. Mỗi ngày, các đơn vị thi công thực hiện 3 lần nổ mìn vào các buổi sáng, trưa, chiều, đúng lúc đồng bào đi làm và về nhà nên rất nguy hiểm đến tính mạng.

 

Chờ dài cổ đất tái định cư

 

Trao đổi với chúng tôi, ông Hồ Cao Quý, Chủ tịch UBND xã Trà Đốc, huyện Bắc Trà My cho biết: Chính quyền xã đã nhiều lần làm đơn kiến nghị lên huyện Bắc Trà My và Ban quản lý dự án thuỷ điện 3 về tình trạng kéo dài thời gian tái định cư cho đồng bào, gây ảnh hưởng đến đời sống nhân dân. Ba bên cũng đã họp bàn nhiều lần nhưng vẫn chưa có thống nhất chung.

 

Trong khi đó, Hội đồng đền bù huyện đã thống nhất với xã để hỗ trợ gạo, lương thực cho đồng bào trong thời gian chờ đợi nơi ở mới nhưng đến nay vẫn chưa được triển khai. 

 

Xã mong muốn các cấp, các ngành liên quan cần sớm cho đồng bào vào sống tạm thời tại khu tái định cư đã được quy hoạch nhằm đảm bảo cuộc sống. Đồng thời, Nhà nước và chính quyền cần hỗ trợ lương thực, thực phẩm cho đồng bào sinh sống trong thời gian chờ đợi và thanh toán nốt tiền đền bù còn lại cho bà con (hiện mới trả 70% tiền đền bù).

 

Ông Huỳnh Ngọc Thiệu, Phó chủ tịch Hội đồng bồi thường hỗ trợ công trình thuỷ điện Sông Tranh 2, cho biết: Có nhiều nguyên nhân khiến công tác tái định cư vùng lòng hồ thuỷ điện Sông Tranh 2 chậm trễ. Trong đó, đặc thù của công trình thuỷ điện này là vừa giải phóng mặt bằng, vừa thi công công trình nên việc tái định cư cho dân không thể tiến hành kịp trong thời gian sớm nhất.

 

Đến nay, huyện mới lập hồ sơ thiết kế cơ sở hạ tầng cho 134 hộ dân đến định cư tại thôn 2 của xã Trà Đốc nhưng chưa triển khai xây dựng. Công tác kiểm kê cũng gặp khó khăn do mặt bằng rộng, sự chồng chéo trong việc sở hữu đất của các hộ gia đình rất phức tạp, khó xác định... Hội đồng bồi thường dự kiến từ nay đế cuối năm 2006 sẽ di dời 39 hộ đồng bào khó khăn nhất đến nơi ở mới, đồng thời có hỗ trợ về lương thực.

 

Liên Hương