1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Công trình kế cận cao ốc Pacific có nguy cơ bị sập

Viện Khoa học xã hội phía Nam đổ nát vẫn chưa xử lý xong, tòa nhà Sở Ngoại vụ nằm ở mặt sau công trình Pacific lại lún nứt. Theo chuyên gia xây dựng, địa chất khu vực này đã bị chấn động và biến dạng, cần theo dõi liên tục để tránh sập liên hoàn.

>> Toà nhà Viện khoa học xã hội vùng Nam Bộ đổ sập

Báo cáo của Công ty Kiểm định Xây dựng Sài Gòn (SCQC), kết quả khảo sát hiện trạng các tòa nhà kế cận công trình xây dựng cao ốc Pacific cho thấy tòa nhà Sở Ngoại vụ tiếp giáp với Pacific đã bị ảnh hưởng nặng.

 

Cụ thể, khối nhà Trung tâm dịch vụ đối ngoại (Bộ Ngoại giao) và khối nhà khách và Tổ chức Quốc tế IOM có hiện tượng nứt tường, dầm sàn lầu một có xu hướng lún sang phía công trình cao ốc Pacific. Ngoài ra, nền tầng trệt ở khu vực tiếp giáp với Viện Khoa học xã hội cũng bị lún sụt, có nguy cơ sập đổ.

 

Riêng đối với cao ốc Yoko, kế cận cao ốc Pacific, đại diện Công ty SCQC cho biết đã tiến hành quan trắc, theo dõi từ ngày 9/10, đến nay chưa thấy có dấu hiệu bất thường.

 

Giám đốc Công ty SCQC, kỹ sư Hoàng Đôn Dũng, nhận định: “Phần còn lại của Viện Khoa học xã hội đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng buộc phải tháo dỡ để đảm bảo an toàn. Còn Sở Ngoại vụ, chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi diễn biến lún nứt để có hướng xử lý cụ thể hơn”.

 

“Phải kiểm tra chặt công trình Pacific”

 

Chiều 15/10, Cục trưởng Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng, ông Trần Chủng, cho biết: “Xây cao ốc chen giữa đô thị đã đầy nhà cửa rất phức tạp. Địa chất xung quanh công trình Pacific đã biến dạng, mọi dấu hiệu lún, nứt cần được kiểm tra chặt chẽ để tránh sập liên hoàn”.

 

Công việc xây chen khó gấp nhiều lần xây nhà trên đất trống. Bởi lẽ, tất cả công trình hiện hữu đều có mối tương quan về địa chất với tòa nhà sắp xây. Chính vì thế, những công trình sinh sau đẻ muộn này đòi hỏi phải được đầu tư đúng mức, có đội ngũ thiết kế giỏi, giàu kinh nghiệm, đơn vị thi công chuyên nghiệp và cần có nhiều phương án lựa chọn để giải quyết khâu nền, móng.

 

Ông Chủng phân tích, xây 3 hay 6 tầng hầm chỉ là tính toán về mặt kỹ thuật của đơn vị thiết kế và thi công, hoàn toàn có thể linh hoạt xử lý. Lỗi lố tầng hầm chỉ là vấn đề xin phép và cấp phép.

 

Tuy nhiên, chuyên gia này đặc biệt nhấn mạnh khâu xây dựng tường vây xung quanh tòa nhà Pacific chưa ổn, cần có mức đầu tư nghiêm túc để không làm tổn hại đến những tòa nhà lân cận. Cụ thể, phải tiến hành điều tra nghiên cứu về những biến động địa chất như: độ sụt, lún, mức tác động đến khu vực liền kề... tránh xảy ra những sự cố đáng tiếc.

 

“Có những thiệt hại bồi thường và đền bù dễ dàng bằng tiền bạc hay vật chất. Song, cũng có thiệt hại không thể cứu vãn được. Vì thế, chính quyền và cơ quan chuyên môn phải giám sát chặt công trình Pacific để đảm bảo an toàn cho cộng đồng”, ông Chủng nhấn mạnh.

 

Ngày 15/10, đoàn kiểm tra liên ngành đã tiến hành thị sát hiện trường, các tầng hầm đang thi công của Pacific. Đại diện chủ đầu tư, tư vấn thiết kế của cao ốc Pacific đã cung cấp thêm một số tài liệu, hồ sơ liên quan đến thiết kế, thi công công trình này.

 

Phó giám đốc Sở Xây dựng TPHCM Nguyễn Văn Hiệp cho hay, nhiều khả năng ngày 17/10 sẽ có kết luận của đoàn thanh tra. Theo đó, Sở sẽ đưa ra các quyết định xử phạt về vi phạm trong xây dựng đối với công trình Pacific.

 

Trước đó, Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Hồng Quân sau khi chỉ đạo cuộc họp của Ủy ban điều tra sự cố sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ cũng đã tới hiện trường Pacific để khảo sát và chỉ đạo các lực lượng chuyên môn khẩn trương tìm hiểu nguyên nhân vụ việc.

 

Theo Quang Trần - Vũ Lê

VnExpress