Công trình Cửa Đạt có chịu sức ép tiến độ?
(Dân trí) - Chưa ai khẳng định sự cố Cửa Đạt có phải bắt nguồn từ sức ép tiến độ hay không nhưng theo ông Hoàng Minh Dũng, Tổng giám đốc Công ty tư vấn xây dựng thủy lợi Việt Nam - HEC (đơn vị tư vấn thiết kế), tiến độ của công trình này đã được rút xuống nhiều so với kế hoạch.
Chọn phương án dẫn dòng lớn hơn 5% là không khả thi
Sau khi Dân trí đăng bài “Sự cố Cửa Đạt đã được báo trước”, ngày 15/10, ông Hoàng Minh Dũng, Tổng giám đốc HEC đã có công văn (số 1543) phản hồi một số nội dung bài viết đã đề cập.
Theo ông Dũng, việc chọn tần suất dần dòng 5% trong năm thi công thứ ba đã được đơn vị tư vấn nghiên cứu kỹ càng, lựa chọn trên cơ sở so sánh với các công trình trong và ngoài nước.
Trong công văn, ông Dũng khẳng định đơn vị tư vấn cho rằng khả năng có thể xảy ra sụt sạt khi lũ về trong quá trình thi công, chứ không phải là nguy cơ gặp sự cố trong quá trình thi công được dự báo trước như đã phản ánh.
Tuy nhiên, trong lần đối thoại mới đây nhất, ông Hoàng Minh Dũng cho biết, trong phương án dẫn dòng và các vấn đề liên quan đến bảo vệ đập, tư vấn thiết kế cũng như Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) thấy rằng quá trình thi công cũng sẽ có những vấn đề về sụt sạt.
Những dự định trước như vậy để sau khi kết thúc lũ thì cho sửa chữa. Ông Dũng khẳng định rằng, sụt sạt đó không phải là sự cố, chỉ là những hư hỏng nhỏ, sụt sạt nhỏ trong quá trình thi công. Cái này đã được dự định trước và Bộ NN&PTNT cũng có chỉ đạo như vậy.
50 tỷ đồng là số tiền nhỏ…
Theo ông Dũng, sự cố xảy ra ở công trình Cửa Đạt bước đầu được xác định là do thiên nhiên. Còn những nguyên nhân nào nữa liên quan đến thiết kế, thi công thì sau này hội đồng khoa học sẽ xem xét.
Hỏi về những gì xảy ra ở công trình Cửa Đạt trong cơn bão số 5 vừa qua có thể gọi là nghiêm trọng không? “Như tôi đã nói nếu phương án dẫn dòng mà kiên cố (tức dẫn dòng qua hai đường hầm - PV) thì còn hậu quả hơn, đây mới chỉ bị xói mà không gây ảnh hưởng đến hạ du và không gây chết người.
Đây là điều đáng mừng. Tổn thất cũng có một phần về tiền của thôi nhưng tổn thất này cũng không lớn so với các phương án mà chúng ta suy nghĩ trước đây.
“Trong trường hợp này nghiêm trọng thì phải gây thiệt hại chết người và gây những tổn thất lớn. Tính toán ban đầu thì thiệt hại ở công trình Cửa Đạt khoảng 50 tỷ đồng. 50 tỷ đồng này là lớn nhưng so với tổng thể dự án thì nhỏ, chỉ chiếm 1%” - ông Dũng phân trần.
“Theo dự án khả thi chúng tôi lập là bảy năm và dẫn dòng qua hai tuy-nen nhưng khi được duyệt thì dự án được rút lại còn 5 năm”, ông Dũng nói về sức ép tiến độ của công trình Cửa Đạt cũng được đặt ra ngay từ ban đầu.
Tuy nhiên theo Dũng, vì “chưa có gì trong tay” nên ông chưa dám khẳng định có yếu tố thi công dẫn đến sự cố ở công trình Cửa Đạt.
Việt Dũng - Trần Hưng