1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Tăng giờ làm thêm tối đa từ 200 giờ/năm lên 360 giờ/năm:

Công nhân sẽ sớm cạn kiệt sức lao động?

Chiều 4/11, hai dự án luật quan trọng liên quan mật thiết đến quyền lợi, nghĩa vụ người lao động và hoạt động công đoàn đã được trình ra kỳ họp Quốc hội.

Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Phạm Thị Hải Chuyền thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày tờ trình về dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) và Chủ nhiệm Uỷ ban các Vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai trình bày báo cáo thẩm tra dự án luật. Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Đặng Ngọc Tùng trình bày tờ trình về dự án Luật Công đoàn (sửa đổi) và Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý trình bày báo cáo thẩm tra dự án luật.  

 

Công nhân không thể quanh năm tối mặt, tối mũi làm việc!

 

Khẳng định chức năng đại diện cho người lao động của công đoàn

 

“Xuất phát từ vai trò, vị trí, tính chất của CĐVN là tổ chức chính trị- xã hội rộng lớn của giai cấp công nhân - giai cấp lãnh đạo sự nghiệp cách mạng thông qua đội tiền phong là Đảng CSVN, công đoàn không chỉ là tổ chức có chức năng đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, mà còn phải đồng thời cùng với cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, đóng góp quan trọng vào quá trình xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam XHCN ...”.

(Trích phát biểu của Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Đặng Ngọc Tùng trước Quốc hội chiều 4/11)

Bố cục của dự án BLLĐ (sửa đổi) trình QH lần này gồm 17 chương, 273 điều (bổ sung mới 64 điều, sửa đổi 157 điều và giữ nguyên 52 điều), quy định về các nội dung chính: Phạm vi điều chỉnh, tiền lương và tiền lương tối thiểu, hợp đồng lao động, thương lượng tập thể và TƯLĐTT, giải quyết tranh chấp LĐ và đình công, quyền nghỉ hưu...

 

Các điểm mới đáng chú ý trong quy định của dự án BLLĐ (sửa đổi) là LĐ nữ làm việc trong điều kiện lao động bình thường được nâng thời gian nghỉ thai sản từ 4 tháng lên 5 tháng, các trường hợp lao động nặng nhọc, độc hại thì tăng lên 6 tháng; bỏ quy định DN phải đăng ký thang - bảng lương với cơ quan nhà nước; quy định tiền lương tối thiểu; quy định vai trò CĐCS trong tham gia xác định mức lương tối thiểu, thang - bảng lương, chế độ phụ cấp và tiền thưởng áp dụng trong DN; quy định về TƯLĐTT ngành; về bình đẳng giới và tuổi nghỉ hưu; quy định về phòng ngừa tranh chấp LĐ.

 

Dự thảo BLLĐ (sửa đổi) quy định chỉ cần trên 50% số người được lấy ý kiến đồng ý đình công (không phụ thuộc vào số lượng người lao động ở DN) và cũng bỏ hội đồng hòa giải cơ sở, vì trong thực tế không thể hòa giải được.

 

Tuy vậy, một trong các vấn đề nổi lên của dự thảo BLLĐ (sửa đổi) còn nhiều ý kiến khác nhau là quy định tăng giờ làm thêm tối đa với tất cả các nhóm ngành nghề lên 360 giờ/năm (BLLĐ hiện hành quy định thời gian làm thêm tối đa không quá 200 giờ/năm, trong một số trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định thì người sử dụng LĐ mới được huy động không quá 300 giờ/năm).

 

Đây là điều khoản liên quan trực tiếp đến quyền lợi của hàng triệu NLĐ, nhất là nữ CN trong các ngành dệt - may, da - giày, chế biến thủy sản... Nếu so sánh với thời giờ làm việc của cán bộ công chức, thì một tháng người CN đã phải làm việc nhiều hơn ít nhất 32 giờ.
 
Công nhân sẽ sớm cạn kiệt sức lao động?  - 1
Công nhân không thể quanh năm tối mắt, tối mũi làm việc.

 

Nay nếu cho phép giờ làm thêm tối đa tăng lên 30 giờ/tháng (tức 360 giờ/năm- tương đương 45 ngày làm việc) với tất cả các ngành nghề thì NLĐ quanh năm chỉ biết có làm việc, còn đâu thời gian để học tập nâng cao trình độ, vui chơi giải trí, chăm lo gia đình (?!). Mặc dù dự thảo còn đưa thêm điều khoản về làm thêm phải có sự đồng ý của NLĐ và sau một thời gian phải cho NLĐ nghỉ bù, nhưng trên thực tế các điều đó rất dễ trở nên hình thức.

 

Trong quá trình góp ý xây dựng dự thảo BLLĐ (sửa đổi), tổ chức CĐ đã không đồng tình với chủ trương cho phép DN được tăng giờ làm thêm và đề nghị giữ nguyên quy định hiện hành. Vì với thể chất của NLĐ VN và điều kiện làm việc ở các DN còn chưa được đảm bảo, thì việc tăng giờ làm thêm sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe CN và an toàn LĐ, đặc biệt là đối với LĐ nữ. Theo ý kiến của nhiều cán bộ CĐ, việc tăng thời giờ làm thêm là đi ngược lại với xu hướng tiến bộ, khi trình độ, công nghệ sản xuất ngày càng phát triển.

 

Hơn nữa, tăng giờ làm thêm trong điều kiện chưa xây dựng cơ chế giám sát, chế tài xử lý vi phạm sẽ dẫn đến tình trạng DN lợi dụng quy định thời giờ làm thêm để hạn chế tuyển LĐ mới, điều chỉnh giảm bớt tiền lương của NLĐ trên thực tế; giảm bớt chi phí đóng BHXH, BHYT bắt buộc và tạo cơ hội cho chủ sử dụng LĐ khai thác triệt để sức LĐ của người CN. Hậu quả khó lường là CNLĐ có thể bị cạn kiệt sức lao động sớm hơn so với độ tuổi LĐ.

 

Tạo hành lang pháp lý cho hoạt động công đoàn

 

Trình bày tờ trình trước Quốc hội về dự án Luật CĐ (sửa đổi), Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Đặng Ngọc Tùng khẳng định: Xuất phát từ yêu cầu khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật CĐ năm 1990, việc sửa đổi, bổ sung là rất cần thiết cho phù hợp với sự phát triển của đất nước và tổ chức CĐ trong thời kỳ CNH-HĐH đất nước và hội nhập quốc tế.
 
Công nhân sẽ sớm cạn kiệt sức lao động?  - 2
Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Đặng Ngọc Tùng trả lời phỏng vấn về dự án Luật Công đoàn (sửa đổi).

 

Theo Chủ tịch Đặng Ngọc Tùng, trên cơ sở nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn 20 năm thi hành Luật CĐ, việc sửa luật kế thừa những nội dung tiến bộ, phù hợp của pháp luật CĐ hiện hành, đồng thời đưa vào luật các quy định về CĐ trong một số văn bản pháp luật đã được khẳng định tính hợp lý, ổn định vững chắc trong quá trình thi hành.

 

Trong quá trình xây dựng dự án luật cũng đã tham khảo và tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế trong xây dựng pháp luật CĐ. Dự án Luật CĐ (sửa đổi) được kết cấu 6 chương, 33 điều, bao gồm quy định về các nội dung: Những quy định chung; quyền và trách nhiệm của CĐ; trách nhiệm của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp đối với CĐ; những đảm bảo hoạt động của CĐ; giải quyết tranh chấp, xử lý vi phạm pháp luật CĐ và các điều khoản thi hành.

 

Điểm đáng chú ý trong dự thảo Luật CĐ (sửa đổi) là quy định CĐ cấp trên trực tiếp cơ sở được tham gia và hỗ trợ CĐCS thương lượng và ký kết TƯLĐTT; xây dựng thang, bảng lương; quy chế trả lương, trả thưởng. Khi được CĐCS và NLĐ uỷ quyền thì CĐ cấp trên trực tiếp cơ sở được đại diện khởi kiện trước tòa án LĐ đối với các hành vi vi phạm pháp luật LĐ và CĐ của người sử dụng LĐ. CĐ cấp trên trực tiếp cơ sở được hướng dẫn, hỗ trợ CĐCS tổ chức và lãnh đạo đình công.
 

Tuy vậy, dự thảo Luật CĐ trình QH lần này vẫn còn 9 vấn đề có ý kiến khác nhau, là: Về địa vị pháp lý của CĐ; vấn đề đại diện cho NLĐ ở cơ quan, tổ chức, DN chưa có tổ chức CĐ; quyền gia nhập và hoạt động CĐ của NLĐ nước ngoài làm việc tại VN; số lượng LĐ đủ điều kiện thành lập tổ chức CĐCS; cơ chế bảo vệ cán bộ CĐ; bố trí cán bộ CĐ chuyên trách trong DN; vai trò CĐ cấp trên trực tiếp đối với CĐCS và vấn đề tài chính CĐ.

Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Đặng Ngọc Tùng đã phân tích và nêu lên quan điểm của cơ quan soạn thảo về giải quyết 9 vấn đề kể trên để QH xem xét trong những ngày tới.  

  

Cần cân nhắc kỹ quy định thời giờ làm thêm

 

“Việc tăng thời gian làm thêm cần được tính toán, cân nhắc hợp lý, cần giới hạn ngành, nghề và độ tuổi được làm thêm giờ; quy định tiền lương làm thêm giờ phải cao hơn và có sự phân biệt giữa làm thêm ban ngày, ban đêm và ngày nghỉ. Quy định theo hướng này một mặt phù hợp với sức khỏe, đảm bảo thu nhập của người lao động, mặt khác người sử dụng lao động phải cân nhắc giữa chi phí tài chính và hiệu quả của việc sử dụng người lao động làm thêm giờ. Có như vậy mới khắc phục được tình trạng vi phạm pháp luật về thời giờ làm thêm”.

 

(Trích phát biểu của Chủ nhiệm Ủy ban các Vấn đề xã hội của QH Trương Thị Mai về thẩm tra dự án BLLĐ (sửa đổi) trước Quốc hội chiều 4/11)

 

Theo Quang Chính

Lao Động