1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Nga Putin thăm Việt Nam
  3. Metro số 1 TPHCM

Công nghệ ăn mày

Cùng đường mới phải tính đến chuyện đi ăn mày. Vậy mà trong giới cái bang ấy cũng tồn tại đủ thứ mánh mung, chiêu thức để xin cơm thiên hạ. Cùng với nó là một thứ công nghiệp chăn dắt ăn mày đang chớm hình thành.

Hải "Thọt" người gầy đét như que củi, có thâm niên bám trụ hơn ba năm ở khu vực ga Trần Quý Cáp, Quốc Tử Giám, Hà Nội, vừa săm soi tờ năm nghìn, vừa nói: "Ăn xin cũng phải có bài bản, có mánh mung. Tùy đối tượng mình làm cho người ta thương hại, cảm thông, khó chịu muốn đuổi đi cho nhanh hay thậm chí ghê sợ, mới có thể xin được tiền".

 

Với bộ quần áo tươm tất và cái túi vải xanh đeo trên vai, Hải đóng vai một ông bố đưa con đi chữa bệnh ở Bệnh viện Nhi Thụy Điển cần mổ gấp mà hết tiền. "Mong các cô, các bác cứu thương cho cháu". Đồ nghề kèm theo là một cuốn sổ y bạ nhòe nhoẹt.

 

Hải thọt cho biết, những hôm có lễ hội, Hải chuyển từ ăn mày sạch sang ăn mày ghẻ, tức là ăn mày thật rách rưới, chân tay bôi thuốc đỏ, xanh cho có vẻ lở loét rồi đeo theo khách. "Lúc ấy, ai cũng muốn dúi cho 500 - 1.000 đồng rồi đuổi đi", Hải khoe.

 

Mấy hàng ăn ở trong ngõ ngay đầu phố Tôn Đức Thắng hãi nhất là một gã ăn xin trông như bị hủi. Chủ hàng ra đuổi dính ngay vào bài ăn vạ. "Chúng mày có giỏi đánh ông xem. Ông chỉ cần thọc tay vào bát, đố thằng nào dám đến đây ăn nữa".

 

Hải "Thọt" cho biết, thằng đấy chẳng ghẻ lở gì đâu. Nó lấy thịt ôi xát lên tay, bôi phẩm màu vào ấy mà. Nhưng cái trò này cũng chẳng ngon lành gì, có phen chủ quán thuê đầu gấu đánh cho tuốt xác.

 

Góp mặt trong đội ngũ cái bang còn có những đứa trẻ mới chín, mười tuổi. Một cậu bé bán kẹo cao su kiêm ăn xin ở ven Hồ Tây tổng kết kinh nghiệm: "Giở bài ăn xin với tây không ăn thua, vì họ đâu hiểu mình nói gì, phải lôi kẹo ra bán. Cũng đừng dại xin khách đi lẻ, hoặc đàn ông đi với nhau, dễ bị chửi thậm chí ăn đòn". Đối tượng dễ đột phá nhất là các đôi nam nữ.

 

Chiếc xe máy chở một bà cụ già và ba đứa bé dừng ngay trước đường vào phủ Tây Hồ. Người đàn ông lái xe tấp vào một quán nước, còn mấy người ngồi sau nhanh chóng tỏa vào đám đông. Chốc sau đã thấy một đứa bé dắt bà già lân la ở dãy hàng quán ven đường, còn một đứa lớn bế đứa nhỏ trên tay đi sâu vào trong phủ.

 

Người đàn ông ung dung giở báo ra đọc, chốc chốc lại liếc mắt trông chừng. Khoảng hơn hai tiếng sau, bà già và đứa nhỏ quay về. Thì thầm một lúc, người đàn ông đuổi đứa nhỏ vào trong còn bà cụ ngồi ngay vệ đường. Một lát sau, ba đứa bé cùng quay ra, cả đoàn lên đường.

 

Bà chủ quán nước chép miệng: "Hôm rằm, mồng một nào cũng có ba, bốn tốp như thế này. Cái chú ngồi đây vừa nãy còn hiền, chứ lắm người mắng chửi bọn trẻ khiếp lắm. Bọn trẻ được đồng nào bị giật luôn. Hỏi thì bảo xe ôm, ăn mày thuê chở đến".

 

Bà chủ còn cho biết thêm, ăn mày bây giờ đi lẻ ít lắm, mà nếu có gặp những đám bảo kê như thế này cũng phải tránh xa, ăn đòn như chơi.

 

Cậu bé bán kẹo cao su kể, dưới trướng cô Hòa có đến mười mấy đứa. Đứa nhỏ mới ba, bốn tuổi, đứa lớn khoảng 12-13 tuổi. Hàng ngày, bọn trẻ được phân công đến từng khu vực ăn xin, chiều về phải nộp lại tiền cho cô. Có đứa ăn bớt, cô Hòa rình được đánh thừa sống thiếu chết.

 

Cả lũ tối về được gom vào một căn phòng trọ ở phố Cầu Gỗ. Cuối tháng, tùy theo công đóng góp, cô Hòa phát lương cho mỗi đứa 50.000 - 100.000 đồng ."Thỉnh thoảng cô lại đem bọn em cho người khác mượn. Có lần em được chở đi mãi tận chùa Thầy. Hôm ấy về được thưởng thêm 5.000 đồng", cậu bé nói thêm.

 

Theo Ngôi sao/Công lý