Công khai tài sản “người giàu nhất Việt Nam” có phạm luật?
Việc báo Đại Đoàn Kết đưa tin về những người sở hữu lượng cổ phiếu trị giá hàng ngàn tỷ đồng đã khiến dư luận “nóng” lên suốt mấy ngày qua. Riêng những người “được xếp hạng” lại tỏ ý phản đối. Vậy, việc công bố thông tin trên có được coi là hợp pháp tại Việt Nam?
>> Ai là người giàu nhất Việt Nam?
TS. Lê Thu Hà, Trưởng bộ môn Dân sự, Khoa đào tạo Chấp hành viên, Học viện Tư pháp đã có cuộc trò chuyện về tình huống thú vị này.
Quyền sở hữu tài sản là bí mật đời tư
Thưa bà, báo chí có quyền thu thập, đưa tin và chịu trách nhiệm về tính chính xác của thông tin do mình đưa ra. Trong việc đưa tin về tài sản của một số người được cho là giàu nhất Việt Nam, họ cũng thu thập dữ liệu một cách hợp pháp, như vậy có thể hiểu việc công bố những thông tin đó là hợp pháp?
Luật Báo chí cho phép công bố đưa tin, trừ các nội dung không được tiết lộ như bí mật của Nhà nước, an ninh, kinh tế và những bí mật khác.
Tại Điều 38, Khoản 2, Bộ luật Dân sự quy định việc thu thập, công bố thông tin, tư liệu về đời tư cá nhân phải được người đó đồng ý. Đây là một điều kiện bắt buộc.
Bà nghĩ sao khi có nhiều ý kiến cho rằng, thông tin về việc sở hữu cổ phiếu trong các doanh nghiệp không phải là thông tin bí mật, bởi lẽ ngân hàng và các công ty chứng khoán đều biết, thưa bà?
Vấn đề đặt ra là ở đây là những thông tin đó có phải là bí mật đời tư hay không? Hiện nay ở Việt Nam chưa có định nghĩa về bí mật đời tư, nhưng cũng có thể hiểu tất cả những điều thuộc về cá nhân người đó như nhân thân, tài sản, kể cả tài sản riêng tư của người ta có được bởi hoạt động hợp pháp, pháp luật không bắt buộc họ phải công khai thì đó được xác định là bí mật đời tư của họ.
Vì vậy, nếu muốn đưa tin thì phải được sự đồng ý của chủ sở hữu tài sản đó, trừ trường hợp có yêu cầu của cơ quan điều tra.
Nếu kiện họ sẽ thắng?
Có nghĩa, việc công ty chứng khoán để lộ thông tin về tài sản của các cổ đông là vi phạm?
Một ông A có bao nhiêu cổ phiếu thì đó là bí mật riêng của ông ta, công ty chứng khoán phải có trách nhiệm giữ bí mật.
Dưới góc độ pháp luật, việc tiết lộ thông tin này có thể dẫn đến tranh chấp giữa người được nêu tên với cơ quan báo chí, hoặc với công ty chứng khoán nếu họ có đủ căn cứ cho thấy công ty chứng khoán đó đã làm lộ thông tin của khách hàng.
Ở nước ngoài, việc xếp hạng người giàu có do các tạp chí bình chọn là rất phổ biến, thậm chí, nơi bình chọn cũng không cần hỏi ý kiến chủ sở hữu. Tại sao Việt Nam lại coi đó là vi phạm, thưa bà?
Bởi theo pháp luật của họ thì tài sản của những người đó được công khai. Chẳng hạn trước khi tranh cử vào một vị trí nào đó, người ứng cử phải công khai tài sản.
Còn ở Việt Nam, việc công khai tài sản chỉ áp dụng đối với một số người và trên thực tế cũng chưa làm được. Do vậy những thông tin về tài sản cá nhân vẫn được coi là thông tin cá nhân, và họ có quyền không cho phép tiết lộ.
Kể cả trong trường hợp thông tin đó không có dụng ý xấu, thưa bà?
Đúng thế. Bởi vì điều này có thể gây bất lợi cho người ta, vì khi được dư luận biết rằng mình giàu có thì họ sẽ phải đối mặt với những bất lợi, ví như sự soi mói, rồi sự an toàn tính mạng của họ và người thân...
Nếu những cá nhân bị nêu tên như vậy khiếu kiện, khả năng thắng thuộc về ai, thưa bà?
Trong trường hợp này, giả sử người được đưa vào danh sách giàu nhất Việt Nam mà kiện thì khả năng thắng kiện là rất cao.
Theo Vneconomy/VTC