1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Công điện của Thủ tướng Chính phủ về khắc phục hậu quả bão số 1

(Dân trí) - Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa có Công điện số 1315/CĐ-TTg về việc tập trung khắc phục hậu quả bão số 1 năm 2016.


Toàn bộ tỉnh Thái Bình đã bị mất điện kéo dài. Nhiều trạm biến áp, cột điện cao thế đổ gãy (Ảnh: Trọng Trinh).

Toàn bộ tỉnh Thái Bình đã bị mất điện kéo dài. Nhiều trạm biến áp, cột điện cao thế đổ gãy (Ảnh: Trọng Trinh).

Nội dung công điện như sau: Bão số 1 khi đổ bộ vào đất liền với sức gió giật mạnh cấp 11, cấp 12, duy trì trong thời gian dài, kèm theo mưa lớn đã gây thiệt hại nặng về cơ sở hạ tầng, ảnh hưởng đến sản xuất tại các địa phương ven biển và đồng bằng Bắc Bộ. Theo tổng hợp sơ bộ của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, bão số 1 đã gây thiệt hại nặng nề đối với hệ thống lưới điện, thông tin truyền thông, nhiều diện tích lúa mới cấy và hoa màu đang bị ngập úng nghiêm trọng, đặc biệt là tại các tỉnh Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình và Hà Nam.

Để khắc phục nhanh hậu quả thiên tai, bảo vệ sản xuất nông nghiệp, giúp nhân dân sớm ổn định cuộc sống, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục theo dõi tình hình ngập úng tại các địa phương bị ảnh hưởng của bão số 1, chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương triển khai ngay các biện pháp tiêu thoát nước chống ngập úng bảo vệ diện tích lúa mới cấy và rau màu; chỉ đạo khôi phục sản xuất đối với những diện tích bị thiệt hại. Theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, chỉ đạo vận hành an toàn các hồ chứa thủy lợi và triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn đê điều, hồ đập theo quy định.

Bộ Công Thương chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các đơn vị có liên quan hỗ trợ các địa phương khẩn trương khắc phục ngay sự cố lưới điện tại các khu vực bị ảnh hưởng, nhất là tại các tỉnh Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Hà Nam và thành phố Hải Phòng, bảo đảm nguồn điện vận hành các trạm bơm tiêu nước chống ngập úng, đồng thời phục vụ sản xuất, sinh hoạt của nhân dân.

Bão số 1 đang quật đổ gần 700 cây xanh trên địa bàn Hà Nội (Ảnh: Nguyễn Dương).
Bão số 1 đang quật đổ gần 700 cây xanh trên địa bàn Hà Nội (Ảnh: Nguyễn Dương).

Bộ Thông tin và Truyền thông kiểm tra, rà soát hệ thống thông tin liên lạc tại các địa phương bị ảnh hưởng của bão số 1, kịp thời chỉ đạo các đơn vị cung cấp dịch vụ viễn thông khắc phục nhanh các sự cố.

Bộ Giao thông vận tải phối hợp chặt chẽ với các địa phương đảm bảo giao thông thông suốt trên các tuyến giao thông chính và bảo đảm trật tự an toàn giao thông.

Các tỉnh ven biển và đồng bằng Bắc Bộ chỉ đạo cơ quan chức năng tổ chức kiểm tra, đánh giá thiệt hại do bão, kịp thời hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả theo các quy định hiện hành.

Các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc, đặc biệt là các tỉnh khu vực Tây Bắc, Việt Bắc tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ, triển khai thực hiện nghiêm túc Công điện số 1314/CĐ-TTg ngày 27/7 của Thủ tướng Chính phủ và các chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai - Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn.

Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai rà soát, tổng hợp kiến nghị của các địa phương, báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo quy định.

Hàng nghìn ha lúa ở Thái Bình, Nam Định ngập úng

Sau khi bão số 1 quét qua tỉnh Thái Bình và Nam Định, nhiều diện tích lúa mới gieo cấy của người dân bị ngập úng nặng nề. Trong khi đó, một số gia đình nuối trong thủy hải sản ở Nam Định cũng có nguy cơ trắng tay sau bão.

Tại Nam Định, theo thông tin ban đầu từ Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Nam Định cho biết, do ảnh hưởng của cơn bão số 1, trên địa bàn tỉnh Nam Định có 74.100 ha lúa mùa ở 220 xã bị ngập úng, hơn 8.500 ha hoa màu khác bị dập nát.

Nhiều hộ gia đình nuôi trồng thủy hải sản có nguy cơ trắng tay sau bão số 1, cụ thể tại xã Giao Thiện, huyện Giao Thủy, có 80 ha nuôi trồng thủy sản bị mất trắng, ở xã Xuân Hòa, huyện Xuân Trường có 50 ha nuôi trồng thủy sản bị ngập; 445 lều chòi bị tốc mái và 75 thùng mảng hư hỏng, 75 bè mảng bị chìm.

Cảnh tượng tan hoang của khu triển lãm hội chợ ở Nam Định
Cảnh tượng tan hoang của khu triển lãm hội chợ ở Nam Định

Bão số 1 cũng làm 7 tàu thuyền đã bị chìm, trong đó 6 tàu của ngư dân và 1 tàu của Cảnh sát đường thủy. Hiện nay, có 1 tàu vẫn đang bị mất tích và 4 tàu giao thông bị hư hỏng.

Cũng liên quan đến thiệt hại do bão số 1 gây ra, tại Nam Định đã có 14 trạm BTS bị đổ, trong đó VinaPhone bị đổ 7 trạm, Viettel bị đổ 6 trạm, MobiFone bị đổ 1 trạm. Cùng với đó, do cây cối đổ gãy, nên nhiều cáp viễn thông bị đứt. Riêng huyện Xuân Trường đã có hơn 100km cáp bị đứt.

Một cột sóng khác tại xã Trực Trung, Trực Ninh bị bão quật đổ (Ảnh do bạn đọc Trung Kiên cung cấp)
Một cột sóng khác tại xã Trực Trung, Trực Ninh bị bão quật đổ (Ảnh do bạn đọc Trung Kiên cung cấp)

Bão số 1 cũng làm đê điều tại 6 huyện là Mỹ Lộc, Nam Trực, Trực Ninh, Xuân Trường, Giao Thủy và Nghĩa Hưng bị thiệt hại ở nhiều vị trí. Cũng theo thống kê nhanh, bão số 1 làm hơn 10.000 cột điện bị gẫy đổ ở Nam Định.

Nhiều diện tích lúa ở Nam Định bị ngập úng
Nhiều diện tích lúa ở Nam Định bị ngập úng

Trên địa bàn các huyện, thành phố, nhiều cây cối bị đổ gãy, nhà cửa bị tốc mái, hư hỏng. Hiện nay các địa phương đang tích cực thống kê số liệu thiệt hại cụ thể do cơn bão số 1 gây ra.

Tại Thái Bình, theo báo cáo nhanh của Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, đến thời điểm này đã có 2 người bị thương do bão, nhiều diện tích lúa bị ngập úng và mất điện trên diện rộng.

Do ảnh hưởng của bão số 1, khiến lượng mưa lớn và kéo dài đã khiến 39.300 ha diện tích lúa bị ngập úng, nhiều nhất tại huyện Kiến Xương 10.000 ha, Tiền Hải 9.000 ha, Vũ Thư 7.500 ha. Khoảng 1.900 ha diện tích hoa màu bị dập nát tập trung tại huyện Vũ Thư với 1.600 ha, Thành phố Thái Bình 300 ha.

Cây cối đổ ngổn ngang ở huyện Hưng Hà
Cây cối đổ ngổn ngang ở huyện Hưng Hà

Có 2 người bị thương là ông Nguyễn Cường, trú tại xã Bình Định, huyện Kiến Xương và ông Tưởng Công Thái, trú tại xã Dũng Nghĩa, huyện Vũ Thư. Gây ra sạt lở tại cống Láng Quai dài 4m ở hai bên mang cống, 25 phòng học tại huyện Vũ Thư và 2 nhà máy gạch tại huyện Thái Thụy bị tốc mái, 2 phòng học tại huyện Vũ Thư bị đổ.

Bão số 1 làm 36 cột điện bị đổ trên toàn tỉnh, tại thành phố Thái Bình có 9.000 cây đổ.

Để cứu diện tích lúa đang bị ngập úng, phía Công ty khai thác thủy lợi Bắc và Nam Thái Bình đang tiến hành mở các cống tiêu nước thoát nước. Các địa phương vẫn tích cực khắc phục hậu quả và thống kê thiệt hại.

Đức Văn

Nguyễn Dương