1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Công chứng tư “gây sức ép” với công chứng Nhà nước

Việc 7 văn phòng công chứng tư sắp đi vào hoạt động sẽ gây áp lực cạnh tranh rất lớn đối với phòng công chứng của Nhà nước và buộc các phòng công chứng phải nâng cao hơn nữa hiệu quả phục vụ của mình.

Đó là khẳng định của ông Phạm Thanh Cao - Trưởng phòng Bổ trợ tư pháp (Sở Tư pháp Hà Nội) - khi trao đổi với phóng viên cuối tuần qua xung quanh sự kiện Hà Nội sắp có tới 7 văn phòng công chứng (còn gọi là công chứng tư), bên cạnh các phòng công chứng của Nhà nước để phục vụ người dân.

 

Theo ông Phạm Thanh Cao, số văn phòng công chứng tư chắc chắn sẽ không dừng lại ở con số 7 bởi nhu cầu công chứng giao dịch của người dân vẫn đang ngày càng gia tăng và đơn xin thành lập văn phòng công chứng vẫn liên tục được gửi đến Sở Tư pháp.

 

Như vậy, cái cảnh đủng đỉnh ở một số phòng công chứng Nhà nước, hẹn đi hẹn lại người đến công chứng; việc dành trọn cả một buổi mỗi tuần (trong giờ hành chính) để họp hành khiến người dân lỡ đến lại phải ấm ức quay về… có thể sẽ được chấm dứt do áp lực cạnh tranh để tồn tại và phát triển.

 

Hà Nội hiện có 6 phòng công chứng của Nhà nước đang hoạt động với 26 công chứng viên và hơn 110 cán bộ, nhân viên giúp việc. Thống kê của Sở Tư pháp Hà Nội cho biết, sau khi chuyển việc chứng thực về cho UBND xã, phường, thị trấn, lượng khách đến các phòng công chứng đã giảm 75%, nhưng lượng khách đến làm thủ tục công chứng hợp đồng, giao dịch lại tăng gấp đôi, gấp ba khiến tình hình tại các phòng công chứng vẫn quá tải.

 

Mới đây, Hà Nội đã có 21 công chứng viên tư được bổ nhiệm, trong đó có 16 công chứng viên đã làm đơn xin phép lập văn phòng công chứng, đã được Sở Tư pháp thẩm tra điều kiện về trụ sở và gửi hồ sơ để UBND TP quyết định cấp phép.

 

Lợi cho người dân

 

Việc 7 văn phòng công chứng sắp đi vào hoạt động (và con số các văn phòng công chứng chắc chắn sẽ không chỉ dừng ở đó) sẽ gây áp lực cạnh tranh rất lớn đối với phòng công chứng của Nhà nước và buộc các phòng công chứng phải nâng cao hơn nữa hiệu quả phục vụ của mình, đặc biệt khi công chứng tư và công chứng Nhà nước có thể cùng treo biển phục vụ người dân ở cùng một khu vực, thuận lợi cho người dân cân đo lựa chọn mô hình phục vụ.

 

Được biết, đã có một số công chứng viên bỏ ra tiền tỉ để thuê những văn phòng tại vị trí đắc địa, “thửa” tiện nghi cao cấp như máy lạnh, tivi tinh thể lỏng, truyền hình cáp... và xây dựng phong cách ấn tượng để làm hài lòng cả những “thượng đế” khó tính nhất.

 

Ông Phạm Thanh Cao cho biết, thời gian qua các phòng công chứng thuộc Sở cũng đã có nhiều đổi mới trong việc nâng cao hiệu quả hoạt động, nhưng rõ ràng từ nay họ sẽ phải đổi mới mạnh hơn nữa. Trong trường hợp nếu các phòng công chứng không có đổi mới phù hợp thì Sở Tư pháp cũng sẽ có điều chỉnh để đáp ứng yêu cầu.

 

Hiện nay, trung bình 120 ngàn người dân trên địa bàn TP Hà Nội mới có một công chứng viên. Theo đề án phát triển tổ chức hành nghề công chứng của Hà Nội, giai đoạn 2008-2010, số lượng công chứng viên có khả năng sẽ tăng gấp đôi, đạt tỷ lệ 60.000 dân/công chứng viên. Giai đoạn 2010-2015, phấn đấu đạt tỷ lệ 10.000 dân/công chứng viên.

 

Lợi ích của mô hình công chứng tư đã được thấy rõ và đang được triển khai ở nhiều đô thị lớn như TP Hồ Chí Minh, TP Cần Thơ...

 

Văn phòng công chứng phải có ít nhất bảy người, gồm công chứng viên, chuyên viên pháp lý, nhân viên văn thư lưu trữ, kế toán, thủ quỹ, nhân viên bảo vệ...; có trụ sở riêng với địa chỉ cụ thể, bảo đảm diện tích làm việc cho công chứng viên, nơi tiếp người yêu cầu công chứng, lưu trữ hồ sơ; trường hợp trụ sở là nhà thuê, mượn thì phải có hợp đồng thuê, mượn nhà có thời gian tối thiểu là ba năm kể từ ngày làm thủ tục đăng ký hoạt động - (theo Đề án phát triển tổ chức hành nghề công chứng của Hà Nội vừa được phê duyệt)

 

Theo Bá Tuấn

Công an Nhân dân