1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

“Công chức mách nhau khai vống tài sản để lúc tăng thêm là… vừa!”

(Dân trí) - “Chưa thấy ai bị xử lý khi kê khai sai nên công chức còn mách nhau khai vống lên đến lúc tài sản gia tăng thêm là vừa. Chỉ tài sản tăng thêm mới có vấn đề, chưa ai đề cập gì khi tài sản bị giảm đi”, đại biểu Bùi Sỹ Cương nói.

Tiếp tục phiên thảo luận về dự thảo luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi chiều ngày 9/11, đại biểu Lê Thị Nguyệt (Vĩnh Phúc) cho rằng, hướng quy định mở rộng về việc kê khai tài sản vẫn không thể “yên tâm” được. Bà Nguyệt quan ngại, các quy định dù là luật hiện hành hay mở rộng đối tượng như dự thảo luật cũng chỉ mang tính hình thức, thiếu hiệu quả.

Bà Nguyệt phân tích, không phải cán bộ, nhân viên trong cơ quan đơn vị không biết ai trong cơ quan, không biết ai là người lãnh đạo, ai là người có chức vụ, tham nhũng hay không và thông qua kê khai tài sản có thể trả lời được những câu hỏi đó mà vấn đề quan trọng là nhân viên không muốn và không dám tố cáo hành vi tham nhũng.

Mặt khác, người tham nhũng rất tinh vi, che chắn kín kẽ được cả hành vi tham nhũng thì việc kê khai tài sản, minh bạch tài sản (nhất là với những người l ãnh đạo chủ chốt trong cơ quan) còn dễ che chắn hơn. Như vậy, việc kê khai minh bạch tài sản thu nhập cũng không có tác dụng.

“Thực tế, trong thời gian thực hiện quy định kê khai này suốt 7 năm qua nhưng rõ ràng chưa có một vụ án tham nhũng nào được phát hiện từ việc này” – đại biểu đề nghị tập trung cho các giải pháp khác như quản lý thu nhập qua tài khoản, kiểm soát thanh toán qua thẻ tín dụng, kiểm soát vốn góp…
 
Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương: Chưa thấy ai bị xử lý khi kê khai sai tài sản
Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương: Chưa thấy ai bị xử lý khi kê khai sai tài sản

Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) hưởng ứng ngay phân tích này. Ông Cương cũng  lập luận, chưa thấy ai bị xử lý khi kê khai sai nên anh em công chức thậm chí còn mách nhau một “chiêu” là cứ khai vống lên đến lúc tài sản gia tăng thêm là vừa. Nhiều cơ quan đơn vị, cán bộ công chức cũng đắc thắng chỉ ra kẽ hở của quy định vì chỉ khi tài sản tăng thêm mới bị dị nghị, mới là có vấn đề còn chưa ai đề cập vấn đề khi tài sản bị giảm đi.

Ông Cương cũng đề xuất xử lý cán bộ công chức tham nhũng không cần căn cứ vào mức độ để có các hình thức xử lý khác nhau như luật nêu ra, cũng không cần xây dựng 4 mức kỷ luật khác nhau, từ hạ bậc lương, giảm thu nhập, hạ chức vụ…. mà đã phát hiện tham nhũng là buộc thôi việc. “Trớ trêu là có trường hợp công chức bị phát hiện tham nhũng, bị xử tội, đi tù về vẫn được tiếp nhận vào cơ quan làm lại” – đại biểu bức xúc.
 
Đại biểu Trần Văn Độ (An Giang) lại nêu quan điểm khác về đường lối xử lý tham nhũng. Ông Độ không tán thành nhóm ý kiến cho rằng đối với các tội phạm tham nhũng phải xử lý nghiêm khắc, không cho hưởng án treo, không giảm án, không tha tù… 

Ông Độ cho rằng, tính nghiêm khắc của pháp luật đối với tội tham nhũng đã thể hiện rất rõ trong BLHS khi trong tất cả các tội chiếm đoạt tài sản, chỉ nhóm tội tham ô, nhận hối lộ là có hình phạt tử hình. Tội tham ô còn quy định nặng hơn là tội cướp tài sản, tương đương với tội giết người.

Vấn đề quan trọng ở đây là tính nghiêm minh của pháp luật chứ không phải là tính nghiêm khắc. Nghiêm minh nghĩa là tất cả các vụ việc tham nhũng cần có biện pháp để phát hiện và đưa ra xử lý. Có xử nặng nhưng 100 vụ mà chỉ đưa ra được 2 vụ để xử thì không công bằng, không bình đẳng với người được phát hiện, còn những người khác vẫn ở trong bóng tối.
 
Đại biểu Lê Thị Nguyệt: “Việc quy định theo hướng tăng cường các cơ quan chuyên trách về phòng, chống tham nhũng là cần thiết, nhưng các cơ quan đó cũng chỉ là các cơ quan của nhà nước thuộc khu vực công. Việc các cơ quan nhà nước chống tham nhũng có thể được ví von như "một người tự tắm cho mình". Điều này không có gì đặc biệt đối với mọi quốc gia, thậm chí không cần phải cổ vũ vì không có bất kỳ Chính phủ nào trên thế giới lại không muốn xây dựng một bộ máy liêm chính. Tuy nhiên nếu công chức và bộ máy của anh ta không chịu tắm, không muốn tắm và sợ tắm thì người dân, xã hội, tất cả với tư cách đương nhiên của mình sẽ phải tắm cho họ và bắt buộc họ chữa các căn bệnh nan y phát sinh ra khiến họ không chịu tắm rửa”.

P.Thảo