1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Công chức kê khai tài sản: Bây giờ hoặc... không bao giờ?

(Dân trí) - Chủ trương kê khai tài sản đối với cán bộ công chức của TP. Hà Nội được đông đảo nhân dân đón đợi và hy vọng vào cách làm mới của lãnh đạo thành phố trong cuộc chiến chống tham nhũng. Thế nhưng, nêu ra mà làm không đến nơi đến chốn thì hậu quả sẽ không nhỏ.

Dân trí xin trích đăng một số ý kiến của công dân Hà Nội xung quanh vấn đề này.

 

Chủ tịch UBMTTQVN TP Hà Nội Phạm Lợi: “Kê khai rồi cất đi thì vô nghĩa”

 

Theo tôi, đây là một chủ trương đúng. Đối với việc kê khai tài sản, chúng ta đã làm trong vài năm gần đây, nhất là trong các kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân, đề bạt cán bộ, các chức danh lãnh đạo. Đây là điều rất cần thiết trong quản lý cán bộ cũng như giữ gìn cán bộ có cuộc sống lành mạnh hiện nay.

 

Lâu nay chúng ta có nhiều ý kiến khác nhau về kê khai và công khai, nếu kê khai thì có phải công khai hay không và công khai ở mức độ nào?

 

Theo tôi, đã kê khai thì tất nhiên phải công khai. Nếu công khai rồi cất đi thì không có ý nghĩa gì. Nhưng nếu công khai rồi đưa cho tất cả mọi người biết ở mọi nơi, ở mọi chỗ thì chắc chắn người kê khai cũng không thoải mái gì, thậm chí có thể thấy quyền tự do của mình bị ảnh hưởng. Vì vậy, tôi cho rằng phải có cơ quan, tổ chức nhất định theo dõi, giám sát.

 

Nếu chỉ kê khai tài sản đối với cán bộ, công chức mà không nói đến những tài sản liên quan đến vợ con, gia đình cán bộ công chức thì liệu có chính xác và có hiệu quả?

 

Đây đúng là việc khó vì trong thực tế hiện nay, rất khó phân biệt rõ ràng tài sản của từng người trong khi việc chi tiêu của chúng ta vẫn chủ yếu là tiền mặt. Cho nên, tôi nghĩ rằng chúng ta cần cân nhắc thật kỹ về đối tượng phải kê khai tài sản. Cần phải làm rõ được đâu là tài sản trực tiếp do họ quản lý và đâu là tài sản của con cái, gia đình họ.

 

UB MTTQ là nơi thường xuyên tiếp dân, tiếp xức cử tri, ông thấy dư luận nhìn nhận về việc kê khai tài sản của cán bộ công chức như thế nào?

 

Qua các kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND, MTTQ thường đứng ra tổ chức các cuộc tiếp xúc giữa đại biểu cử tri với những người được giới thiệu ra ứng cử, mong muốn của cử tri, người dân nói chung là phải công khai minh bạch tài sản của người được ứng cử. Tuy nhiên, tôi cũng thấy rằng trong việc kê khai và công khai tài sản, ta chưa có cơ chế rõ ràng. UB MTTQ cũng có cái khó là chưa có quy định chung về việc công khai tài sản của người được ứng cử. Đây là một dấu hỏi mà chúng ta đang đi tìm lời giải.

 

 

Công chức kê khai tài sản: Bây giờ hoặc... không bao giờ? - 1
 

Ông Nguyễn Mạnh Cường.

Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Cường: Không phải công khai mọi lúc, mọi nơi!

 

Được biết là hiện nay thành phố mới đưa ra kế hoạch thô, còn đi đến những quy định cụ thể thì còn phải bàn bạc, nghiên cứu. Tuy nhiên, tôi cho rằng những vấn đề liên quan đến kê khai tài sản như đối tượng nào, công khai như thế nào đã được luật quy định khá rõ.

 

Quốc hội đã lấy ý kiến rất kỹ và thống nhất đưa ra 3 loại đối tượng. Thứ nhất là những người ứng cử đại biểu Quốc hội, HĐND. Thứ hai là cán bộ cấp phó, trưởng phòng cấp quận, huyện trở lên hoặc tương đương. Thứ ba là một số chức danh cán bộ công chức cấp xã phường thị trấn, cán bộ công chức viên chức làm công tác quản lý tài sản nhà nước hoặc trực tiếp giải quyết công việc của cơ quan.

 

Về mức độ công khai, đó là: Thứ nhất  khi bầu cử, bổ nhiệm, cách chức, miễn nhiệm hoặc kỷ luật đối với người có nghĩa vụ kê khai nếu xét thấy cần thiết. Thứ hai là khi có tố cáo kê khai không trung thực. Thứ ba là theo yêu cầu của hội đồng bầu cử và cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

 

Luật còn quy định rất rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức người quản lý việc kê khai tài sản. Như vậy tôi cho rằng đã bảo đảm được công khai minh bạch rồi. Chứ không phải công bố mọi lúc, mọi nơi như ý kiến một số người hiện nay.

 

Quan điểm của tôi trong việc này là chúng ta hãy làm thôi, bởi luật có rồi, quyết tâm của Đảng có rồi, bức xúc của dân đã đến đỉnh rồi. Bây giờ không làm thì không có lúc nào làm nữa.

 

Ông Nguyễn Minh Đức - Cán bộ ngân hàng quận Thanh Xuân: Phát hiện tài sản bất minh, liệu có tịch thu?

 

Nếu đã làm thì những người đứng đầu phải kê khai trước. Còn cấp trên, lãnh đạo mà không kê khai thì sẽ rất khó. Trong lúc kê khai nếu phát hiện nguồn tài sản bất minh, liệu có ra một sắc lệnh để tịch thu nguồn tài sản ấy, hay có những biện pháp điều tra làm rõ nguồn gốc, nguyên nhân tài sản ấy không? Còn nếu kê khai rồi đóng dấu tài liệu mật thì không nên làm. Tôi muốn nhắc lại một điều là trong kỳ bầu cử HĐND vừa rồi, chúng ta cũng đã thực hiện kê khai nhưng không có một tiêu chí nào cả và thực hiện một cách vội vã.

 

SV Trung Kiên (ĐHKHXH&NVHN): Kê khai sẽ chỉ là hình thức, nếu...!

 

Mặc dù đây là thực hiện quy định của Luật nhưng tôi cho rằng nó rất khó khả thi. Hiện nay, chúng ta chưa kiểm soát được tài sản một cách rõ ràng, chỉ mới kiểm soát được tiền trong tài khoản, còn tiền trong túi thì không thể kiểm soát được, dĩ nhiên là không kê khai được.

 

Nếu chúng ta không kiểm soát được thu nhập, hoặc chưa có những cơ chế kiểm soát được thu nhập thì không thể làm được cái gì cả. Như vậy kê khai tài sản chỉ là hình thức.

 

Nhóm PV thực hiện