1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Công chức đánh bạc - Chuyện thường ngày ở huyện

Một công chức thuộc hàng "say" cờ bạc tiết lộ: Đánh bài trong giờ làm việc chẳng qua là để... giết thời gian. Tệ cờ bạc trong giới công chức rất phổ biến và tràn lan, lãnh đạo cũng biết, nhưng tặc lưỡi cho qua bởi "chuyện nhỏ". Hơn nữa, họ đôi khi cũng... thế.

Giới thạo cờ bạc thuộc "đẳng cấp" công chức say nhất là "tá lả" hay còn gọi là "phỏm". Chỉ cần đủ bốn người là có ngay một "sới bạc". Theo chỉ dẫn của Đỗ Vinh H, tôi dần dà tiếp cận được một "sới" bạc công khai ngay trước cửa của một cơ quan bộ. Họ là những "bác tài" chở thủ trưởng đi họp. Thôi thì, trong lúc chờ đợi làm tí cho vui - một bác tài nói như thanh minh khi thấy tôi mỉm cười vẻ rất... ủng hộ.

Mức chơi cho một ván bài thắng thua khởi đầu chỉ là 5 - 10 - 15 ( 5.000 đồng - 10.000 đồng và 15.000 đồng), nhưng không đầy ba ván đã có kẻ "hích", thế là "mệnh giá" đã được tăng lên chóng mặt 20 - 30 và 40. Và chỉ cần "ù" thế là một bác tài ẵm gọn 300.000 đồng trước sự thèm thuồng của gần chục "con bạc" khát nước còn phải chầu rìa.

"Thắng rồi cũng ham, kẻ thua lại càng say máu - anh K ấm ức nói -  Không gỡ lại được thì "móm" nửa tháng à?" Bác tài lớn tuổi nhất còn chỉ đường cho tôi về cơ quan bác mà xem các cán bộ trẻ họp "bộ tứ". Ông kể, họ "họp" vào bất kể lúc nào khi vắng sếp, thậm chí có phòng thì cả sếp cũng chơi. Chơi thâu giờ nghỉ trưa, chơi sau giờ làm việc và sẵn sàng qua cả đêm.

Theo K, "giới doanh nghiệp" chơi "nặng" hơn "giới hành chính", mệnh giá cho ván thắng - thua lên tới cả triệu đồng hay được tính bằng USD, họ không "thèm" chơi ở mức "bèo" (chục nghìn).

Theo "chân" K, tôi tiếp xúc với những người bạn của anh hiện làm việc ở các công ty trách nhiệm hữu hạn, tuyệt nhiên không một ai dám "mở sòng" trong giờ làm việc, ngay tại cơ quan.
Anh Trần Mạnh Hà - Giám đốc Cty TNHH Bình Minh - nói: "Ngay sau Tết, một số anh em trong công ty có vui chơi trong giờ làm việc. Ngay lập tức họ bị phạt tiền, tái phạm sẽ bị tôi đuổi ngay tức khắc". 

K đưa tôi tiếp xúc với người bạn nổi tiếng "say" bài. Theo người bạn của K thì anh ta biện minh với tôi rằng, chơi để giết thời gian. Anh còn chỉ cho tôi đến những quán cà phê ở phố Hàng Hành - nơi hội họp thường xuyên của những con bạc thuộc giới "trí thức", quán cà phê nằm khuất trong những ngõ nhỏ yên tĩnh là địa bàn của những con bạc giới doanh nghiệp có tiền.

Chỉ trong vòng hơn hai tiếng đồng hồ trưa ngày 24/2, chúng tôi ghi nhận có 11 "sòng" của giới công chức tại quán cà phê dọc phố Điện Biên Phủ, Hàng Hành và Ngô Thì Nhậm (Hà Nội).

Còn chuyện đánh "phỏm" ở cơ quan thì quá phổ biến. Bà bán nước ở ngay cạnh cơ quan tôi cũng đã "chỉ điểm" được hai sòng bạc mà theo bà thì chỉ cần họ nháy mắt với nhau là đã hiểu... Quả thật, tôi đã lần tìm được nơi lập sòng của nhóm nhân viên này. Nhưng vì ông giám đốc của họ là người khá khe khắt nên đặt chúng tôi vào tình trạng, nên hay không nên "tố giác" khi họ nói đầy van lơn: "Chúng em vui tí thôi mà".

Ở TPHCM, tình trạng đánh bài tại các cơ quan cũng rất phổ biến, chủ yếu là chơi tiến lên. "Chỉ cần hở thời gian là thành nhóm ngay lập tức. Các "anh hai" Sài Gòn chơi đậm hơn. Mức cho một ván thắng - thua lên tới 60 - 80 - 100 hoặc một chầu nhậu tới bến"- Th - công nhân nhà máy in tiết lộ.

Anh kể: "Thực ra chơi lúc đầu thì chỉ vui là chính, nhưng càng về sau càng mang tính sát phạt. Người thắng thì cũng ham, muốn chơi tiếp vì vận mình đang đỏ. Người thua thì muốn gỡ bù.  Kẻ thắng bỏ cuộc cũng bị chửi là "ăn non" nên "đành phải chơi". Có những cuộc chơi kéo thâu đêm, quên ăn, quên ngủ cũng vì kẻ thua muốn gỡ... Nhưng càng gỡ càng rối.

Theo thông tin từ công an thì chưa có vụ bạc nào của giới công chức mà gây nên cảnh "máu đổ", chính vì vậy mà rất khó phát hiện và bắt quả tang. Và chuyện công chức đánh bạc vẫn tồn tại, như vốn nó phải thế!

Theo L.H, C.H
Lao Động