1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Cổng chào, vỉa hè “đua” bức xúc

(Dân trí) - Những bức xúc trong xây cổng chào, chính trang đô thị mừng 1000 năm Thăng Long - Hà Nội là những việc thời sự các đại biểu HĐND Hà Nội “truy vấn” trong buổi thảo luận tình hình kinh tế xã hội chiều 13/7.

Doanh nghiệp “cho không” 50 tỷ làm cổng chào hay đánh đổi ưu đãi

Đại biểu Nguyễn Việt Hưng cho rằng dự án làm cổng chào mừng 1000 năm Thăng Long - Hà Nội thực hiện theo kiểu “đùng một cái công bố”. Ông Hưng thắc mắc, nói dự án đã được Thủ tướng phê duyệt, quyết định từ lâu nhưng sao không công khai, tổ chức thi các phương án thiết kế?

“Chất lượng các mẫu cổng chào đưa ra thì bị dư luận phản ứng nhiều như thế. Mẫu thì ngổn ngang, lổn nhổn những hình khối, mẫu thì sắp hàng như vành móng ngựa…” - ông Hưng mô tả.

Cổng chào, vỉa hè “đua” bức xúc  - 1
Đại biểu Phạm Thị Thành: "Dư luận sẽ thắc mắc dù tiền xây cổng chào do doanh nghiệp ủng hộ".

Đại biểu nêu quan điểm phải áp đúng định nghĩa cổng chào để làm những mô hình cho ra hình cái cổng. Ông Hưng cũng cảnh báo, nếu thành phố không thận trọng lắng nghe sẽ gây chuyện bức xúc không nhỏ xung quanh một dịp lễ hội.

Về nguồn vốn thực hiện theo hướng xã hội hóa, đại biểu tỏ ý nghi ngờ: “Các doanh nghiệp họ sẵn sàng cho không thành phố 40 tỷ đồng, kể cả để làm từ thiện? Phải có gì ưu đãi đánh đổi lại cho họ chứ?”.

“Chốt” lại, ông Hưng đề nghị thành phố xem xét dừng dự án đúng lúc, đúng chỗ. Tiếp nhận dư luận để “chỉnh mình” cũng là cách nâng cao uy tín của thành phố.

Đại biểu Ngô Văn Ni cũng cùng băn khoăn về nguồn huy động thực hiện dự án làm cổng chào. Ông Ni phân tích, dù là vốn xã hội hóa, tiền doanh nghiệp thì cũng là tài sản thực của nhân dân, của xã hội . Khoản tiền 40-50 tỷ đồng nếu dùng được vào việc khác có ích hơn thì ý nghĩa hơn.

Theo ông Ni, việc vung mấy chục tỷ đồng cho việc làm mấy mô hình để rồi lại phá dỡ sau đại lễ để… làm lại kiên cố là quá lãng phí. “Ô Quan Chưởng nhỏ bé tồn tại ở Hà Nội bao nhiêu năm mà vẫn nguyên giá trị trong khi mốc 1000 năm mà chúng ta lại ngồi bàn việc làm mấy mô hình trị giá tới 50 tỷ đồng để sau đó dỡ ra làm lại có hợp lý?” - ông Ni đặt câu hỏi và đề nghị dừng dự án, không tiếp tục thực hiện.

Đại biểu Phạm Thị Thành tiếp lời, cho rằng dư luận sẽ thắc mắc dù là nguồn tiền xây cổng chào do doanh nghiệp ủng hộ và chỉ làm tạm thời, không phải vĩnh cửu.

Về các phương án thiết kế, bà Thành lắc đầu: “Không hiểu sao lại vẽ ra được 5 cái hình như vậy. Có cái vẽ vòng vòng vài nét lên rồi gọi là cổng”. Bà Thành nêu nguyên tắc, cách điệu, hiện đại hóa nhưng vẫn phải dựa trên truyền thống, tư duy cho đúng… chất Việt Nam.

Bà Thành diễn tả cảm giác về cổng chào là dường như chưa có sự định hình về địa lý Hà Nội nên vẫn hoang mang giữa việc chọn 4, 5 hay 7 và cả hướng đặt cổng chào.

Người đạo diễn kịch bản kỷ niệm Hà Nội 999 năm lật lại không gian cửa ô dựng lại trong khuôn viên tượng đài Lý Thái Tổ năm ngoái đã nhận nhiều hưởng ứng của dư luận đề nghị xem lại cách làm theo hướng tiết kiệm, tránh vung tiền lãng phí tới hàng chục tỷ đồng.

Làm gì nếu mưa đúng đại lễ?

Cũng xoay quanh việc chuẩn bị đại lễ 1000 năm, đại biểu Vũ Đức Tân bàn về việc chỉnh trang đô thị. Ông Tân chỉ ra nhiều điềm đầu tư không hợp lý như lát đá quanh Hồ Gươm, thảm đường, làm cổng chào… không hiệu quả gây xôn xao dư luận về việc thành phố “vung tay” tiêu tiền.
Cổng chào, vỉa hè “đua” bức xúc  - 2
Hà Nội lại thành sông sau trận mưa rào sáng 13/7 (ảnh: Việt Hưng).

Trong khi đó, chủ trương cải tạo sông hồ Hà Nội nhân dịp này có đặt ra nhưng gần như không thấy động thái xúc tiến. Đại biểu dẫn ngay quang cảnh trận mưa sáng 13/7, bước chân ra đường là lặn lội hơn 3 giờ đồng hồ trong biển nước mênh mông. Ông Tân cụ thể hóa quãng đường từ nhà ở Giảng Võ đến cơ quan trên đường Trần Hưng Đạo, chỉ hơn 2 cây số mà “bơi” không thoát khỏi nước. Ông đặt câu hỏi, cải tạo đô thị kiểu gì mà càng làm càng úng ngập, ùn ứ?

“Thành phố cần có trách nhiệm hơn với dân về những vấn đề thiết yếu với cuộc sống như điện và nước” - ông Tân thẳng thắn.

Đại biểu Bùi Thị An đặt tình huống một trận mưa tương tự trút xuống thành phố đúng ngày đại lễ, Hà Nội sẽ thế nào, đón khách kiểu gì, đại biểu đi đứng cách nào để tránh nước ngập.
Cổng chào, vỉa hè “đua” bức xúc  - 3
Đại biểu Ngô Văn Ni

Đại lễ không còn xa nhưng đến giờ khắp thành phố vẫn đường xá lổn nhổn, ngổn ngang, đi xe máy sa "ổ trâu ổ bò" đã đành, ngồi ô tô cũng xóc nảy. Bà An nghi ngại làm cách nào cho xong xuôi khi đến giờ ngay vỉa hè cũng cảnh nham nhở, bung bét.

Đại biểu nhấn mạnh, các công trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long phải yêu cầu đảm bảo chất lượng, tránh cảnh “nước đến chân” mới quáng quàng làm cho xong.

Đại biểu Phạm Thị Thành cũng bày bỏ lo ngại vấn đề chất lượng thi công khi thợ thuyền được “vơ gom” ngoài… chợ người, nên chất lượng vỉa hè chưa làm xong đã hỏng, bong tróc.

“Các đồng chí đi ô tô, có đi bộ đâu mà biết vỉa hè mới lát đã trồi sụt, đường vừa thảm đã bong nứt. Hết kỷ niệm lấy khoản nào để sửa chữa sụt lún?” - câu hỏi của bà Thành là một hiện thực khó giải đáp.

P.Thảo

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm