Công bố thanh tra quá trình cổ phần hoá, sáp nhập Mediplast-Vinamed
(Dân trí) - Hôm nay (22/3) tại trụ sở Bộ Y tế, Thanh tra Chính phủ đã công bố quyết định thanh tra quá trình cổ phần hóa Tổng công ty Thiết bị y tế Việt Nam (Vinamed); việc thoái vốn Nhà nước và việc sát nhập Công ty cổ phần Nhựa y tế (Mediplast) vào Vinamed. Đây là sự việc ồn ào mà Dân trí đã phản ánh suốt thời gian qua.
Quyết định của Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết, cơ quan này sẽ tiến hành thanh tra quá trình cổ phần hóa Tổng công ty Thiết bị y tế Việt Nam (Vinamed); việc thoái vốn Nhà nước và việc sát nhập Mediplast vào Vinamed trong hời gian 40 ngày làm việc thực tế.
Đoàn thanh tra gồm 8 thành viên do ông Nguyễn Hữu Nhường, Thanh tra viên cao cấp, Phó Vụ trưởng Vụ III (Thanh tra Chính phủ) làm Trưởng đoàn. Tổ giám sát đoàn thanh tra tại Bộ Y tế có hai thành viên do ông Đặng Trường Giang- Phó trưởng phòng Nghiệp vụ III thuộc Vụ Giám sát, thẩm định và xử lý sau thanh tra làm Tổ trưởng.
Phát biểu chỉ đạo, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Đặng Công Huẩn đề nghị đối tượng thanh tra phải thực hiện các yêu cầu về việc cung cấp tài liệu, hồ sơ kịp thời, đầy đủ cho đoàn thanh tra. Bộ Y tế cũng như các đơn vị có liên quan phân công đầu mối bố trí thời gian, sắp xếp lịch làm việc với đoàn, tạo mọi điều kiện để đoàn thanh tra hoàn thành nhiệm vụ với hiệu quả cao nhất.
Đối với đoàn thanh tra, ông Đặng Công Huẩn yêu cầu phải thực hiện nghiêm túc quy chế của đoàn thanh tra cũng như các quy định khác của pháp luật về thanh tra, đảm bảo theo kế hoạch được duyệt.
Đây là cuộc thanh tra được tiến hành theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình xung quanh kiến nghị của bà Lê Thị Minh Châu - cổ đông Công ty cổ phần Nhựa Y tế (Mediplast). Thanh tra Chính phủ phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thanh tra sự việc này trong quý II/2018.
Như Dân trí đã liên tục phản ánh, bà Lê Thị Minh Châu và các cổ đông gửi thư kiến nghị tới Chính phủ và cơ quan liên quan phản ánh việc sáp nhập Mediplast vào Vinamed đã làm cho tỷ lệ vốn nhà nước tại Vinamed bị giảm từ 20% xuống còn 14% chỉ sau 9 tháng cổ phần hóa là trái với quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Hơn nữa, quá trình sáp nhập giữa hai công ty có nhiều biểu hiện mập mờ trong định giá doanh nghiệp nên rất cần được làm rõ. Cụ thể, để thay đổi tỷ lệ vốn Nhà nước sở hữu tại Vinamed khác với tỷ lệ 20%, công ty và người đại diện vốn nhà nước tại Vinamed cần phải xin phép và có sự phê duyệt đồng ý bằng văn bản của cơ quan quản lý vốn nhà nước có thẩm quyền trước khi thực hiện việc thay đổi tỷ lệ. Tuy nhiên ban lãnh đạo công ty đã thực hiện việc sáp nhập khiến cho tỷ lệ vốn nhà nước giảm xuống, thậm chí ngay sau khi Quyết định 1232/QĐ-TTg của Thủ tướng được ban hành (?!).
Cuối tháng 11/2017, Bộ Y tế có văn bản số 6533/BYT-KHTC gửi tới Văn phòng Chính phủ báo cáo các nội dung liên quan đến ồn ào trên.
Bộ Y tế cũng cho rằng việc sáp nhập Vinamed vào Mediplast thành một phần pháp nhân theo quy định của Luật Doanh nghiệp thuộc thẩm quyền của hai doanh nghiệp này. Việc sáp nhập dẫn đến thay đổi tỷ lệ sở hữu vốn nhà nước nắm giữ tại Vinamed từ 20% xuống còn 14% và làm thay đổi cơ cấu phát hành lần đầu theo phương án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2265/QĐ-TTg. Điều này có nguyên nhân là do thông qua việc sáp nhập số vốn Điều lệ Vinamed đã được tăng thêm, nhưng số cổ phần nhà nước trong Vinamed vẫn được giữ nguyên.
Không đồng ý, bà Lê Thị Minh Châu và các cổ đông của Mediplast tiếp tục gửi đơn thư tới các cơ quan chức năng đề nghị thanh tra, làm rõ sự việc lùm xùm này.
Thế Kha