Công bố Nghị quyết xử lý hành vi khai thác, mua bán trái phép thủy sản
(Dân trí) - Nghị quyết số 04/2024/NQ-HĐTP gồm 11 điều, hướng dẫn áp dụng 10 điều của Bộ luật hình sự liên quan đến các hành vi xuất cảnh, nhập cảnh để khai thác thủy sản trái phép, bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
Chiều 12/6, tại Hà Nội, Tòa án nhân dân Tối cao (TANDTC) tổ chức lễ công bố Nghị quyết số 04/2024/NQ-HĐTP "Hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự về truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi liên quan đến khai thác, mua bán, vận chuyển trái phép thủy sản".
Tham dự buổi lễ có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang; Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình cùng lãnh đạo nhiều Bộ, ngành.
Phát biểu tại buổi Lễ, Phó Chánh án thường trực Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Trí Tuệ nhấn mạnh, sự ra đời của Nghị quyết số 04 sẽ góp phần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc xử lý các hành vi liên quan đến khai thác, mua bán, vận chuyển trái phép thủy sản, từ đó nâng cao hiệu quả công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp.
Theo đó, Nghị quyết này gồm 11 điều, hướng dẫn áp dụng 10 điều của Bộ luật hình sự liên quan đến các hành vi: Xuất cảnh, nhập cảnh để khai thác thủy sản trái phép; bảo vệ nguồn lợi thủy sản; cản trở hoặc gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông để khai thác thủy sản trái phép; xâm phạm trong lĩnh vực thương mại thủy sản.
Nghị quyết là căn cứ pháp lý quan trọng để các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong hệ thống chính trị ở Trung ương và 28 tỉnh, thành phố ven biển tuyên truyền, phổ biến đến các tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động khai thác, mua bán, vận chuyển thủy sản để phòng chống việc khai thác thủy sản bất hợp pháp không báo cáo, không theo quy định.
Đồng thời Nghị quyết cũng là cơ sở pháp lý để các cơ quan tiến hành tố tụng xử lý nghiêm các vụ, việc môi giới, móc nối đưa tàu cá, ngư dân Việt Nam đi khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài, hợp thức hóa hồ sơ đối với các lô hàng thủy sản.
Nghị quyết số 04/2024 được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao thông qua ngày 12/6 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/8.
Tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến, cho biết Việt Nam đã có Luật Thủy sản có hiệu lực năm 2019, các Nghị định và Thông tư là nền tảng pháp lý để phát triển ngành thủy sản theo hướng bền vững nhưng trong quá trình triển khai có một số vướng mắc.
Ông Tiến đánh giá, Nghị quyết 04 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC, là căn cứ pháp lý quan trọng để các cơ quan có thẩm quyền xử lý các hành vi vi phạm đối với việc môi giới, móc nối đưa tàu cá, ngư dân Việt Nam đi khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài.
Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình mong muốn, sau khi Nghị quyết được công bố, các cơ quan báo chí sẽ tiến hành truyền thông rộng rãi để đi vào cuộc sống, làm sao để người dân thấy được các hành vi vi phạm pháp luật để không vi phạm.
Đối với một số ý kiến băn khoăn cho rằng, việc xử lý nêu trong Nghị quyết có ảnh hưởng đến nghề cá hay không? ông Bình khẳng định, Nghị quyết ra đời hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, nhằm bảo đảm quyền lợi tốt nhất cho ngư dân, mục đích là bảo vệ ngư dân, để cho sản phẩm của ngư dân bán được với giá cao nhất, không chỉ ở trong nước mà cả ngoài nước.