1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Công bố kinh phí để vận hành kênh đào lớn nhất Việt Nam

Ngọc Tân

(Dân trí) - Chỉ tính riêng 6 tháng cuối năm 2023, Cục Đường thủy ước tính chi phí vận hành kênh Đáy - Ninh Cơ khoảng 2,5 tỷ đồng.

Liên quan đến việc khánh thành kênh đào lớn nhất Việt Nam (kênh Đáy - Ninh Cơ), Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã có quyết định bàn giao công trình cho Cục Đường thủy nội địa Việt Nam chịu trách nhiệm quản lý, vận hành.

Với tính chất của một âu tàu hiện đại và đắt đỏ nhất cả nước, Cục Đường thủy đã ước tính sơ bộ chi phí vận hành công trình trong 6 tháng cuối năm 2023 là 2,5 tỷ đồng.

Cục Đường thủy sẽ sử dụng 2,5 tỷ đồng từ vốn dư của nhiệm vụ "đảm bảo giao thông khu vực cầu Măng Thít" để chi trả cho việc quản lý vận hành âu tàu Đáy - Ninh Cơ.

Công bố kinh phí để vận hành kênh đào lớn nhất Việt Nam - 1

Kênh Đáy - Ninh Cơ chính thức thông luồng ngày 25/7 (Ảnh: Ngọc Tân).

Bộ GTVT thống nhất cho Cục Đường thủy sử dụng nguồn tiền trên, tuy nhiên lưu ý việc giải ngân chỉ được thực hiện sau khi Cục nhận bàn giao công trình trên từ Ban quản lý các dự án Đường thủy và chính thức vận hành công trình.

Về lâu dài, Cục Đường thủy sẽ xây dựng phương án khai thác tài sản phù hợp với quy định pháp luật để trình Bộ GTVT.

Theo ghi nhận của phóng viên, công trình kênh nối Đáy - Ninh Cơ có hạng mục âu tàu được vận hành với quy trình phức tạp, cần có nhân sự trực 24/7 để điều khiển cửa âu và hướng dẫn tàu ra vào.

Sở dĩ kênh không được đào thông tự nhiên mà phải bố trí âu tàu do độ chênh lệch mực nước và độ mặn giữa sông Đáy và sông Ninh Cơ là khác nhau, cần có âu tàu để ngăn xâm nhập mặn.

Âu tàu này cũng khiến cho chi phí vận hành kênh đào tốn kém hơn, thời gian để tàu thuyền qua kênh cũng lâu hơn (khoảng 20-30 phút mỗi lần đóng mở âu).

Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Jérôme Mentré, Kỹ sư trưởng của đơn vị Tư vấn giám sát dự án (Compagnie Nationale du Rhône), cho biết tuyến kênh đào khi kết hợp cùng công trình luồng Lạch Giang (cửa sông Ninh Cơ) sẽ rút ngắn đáng kể lộ trình đường thủy từ cụm cảng Ninh Phúc đến cảng Hải Phòng, Quảng Ninh hoặc các tỉnh duyên hải phía Nam.  

"Đi qua kênh đào, tàu trọng tải lớn tiết kiệm được 8 giờ di chuyển, tương ứng chi phí khoảng 20 triệu đồng", ông Jérôme khẳng định.

Công bố kinh phí để vận hành kênh đào lớn nhất Việt Nam - 2

Theo lộ trình mới, tàu trọng tải lớn từ Hải Phòng, Quảng Ninh hoặc các tỉnh phía Nam sẽ đi vào cửa biển Lạch Giang (cửa sông Ninh Cơ), qua kênh đào để sang sông Đáy và tiếp cận các cụm cảng ở Nam Định, Ninh Bình... Điều này đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh cửa sông Đáy bị bồi lắng, khó lưu thông.

Dự án xây dựng Kênh Đáy - Ninh Cơ trị giá 100 triệu USD, là một phần của Dự án WB6 do Ngân hàng Thế giới tài trợ vốn. Dự án được thực hiện trên địa bàn xã Nghĩa Sơn và xã Nghĩa Lạc, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định.

Cụm công trình này sau khi đưa vào khai thác sẽ phục vụ được tàu trọng tải 2.000 tấn và 3.000 tấn giảm tải từ cửa biển đi sâu vào sông Đáy, đến cụm cảng Ninh Bình.