1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Công an trả vàng cho người vượt biên

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, do nhiều nguyên nhân, một bộ phận người dân đã mạo hiểm vượt biên, không ít người nằm lại nơi rừng sâu, biển thẳm. Đất nước vừa đi qua cuộc chiến tàn khốc một lần nữa quặn đau…

…Và, các thế lực thù địch đã không ngừng xát muối vào vết thương ấy hòng phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc.

Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn (thứ 3 từ trái sang) thăm và làm việc với lãnh đạo Sở Công an TPHCM.
Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn (thứ 3 từ trái sang) thăm và làm việc với lãnh đạo Sở Công an TPHCM.
 
Chuyện Bộ trưởng Công an Trần Quốc Hoàn trả vàng cho chùa; Công an TPHCM thu hồi, trả lại vàng cho người vượt biên thể hiện tinh thần nhân đạo của Đảng và nhà nước, bác bỏ mọi luận điệu sai trái của kẻ xấu.

Cứu người, trả vàng

9 giờ tối một ngày đầu năm 1977, Đại tá Thái Doãn Mẫn (Tám Nam), nguyên Phó Giám đốc thường trực Công an TPHCM nhận được tin có một chuyến tàu vượt biên bị đắm trên sông Đồng Nai. Đại tá Mẫn chỉ đạo Phòng cứu hỏa triển khai lực lượng và lập tức đến hiện trường trực tiếp chỉ đạo công tác cứu hộ và giải quyết hậu quả. Vợ ông Mẫn là phó phòng trinh sát kỹ thuật tham gia khám nghiệm hiện trường.

Đến nơi, chiếc tàu đã chìm hoàn toàn, chỉ còn nhô một phần mũi lên mặt nước. Tàu đóng hai tầng, bị chìm ngay vị trí neo đậu. Qua điều tra sơ bộ, được biết hàng trăm người lén lút tập kết sẵn ở nhà dân xung quanh chờ trời tối ồ ạt lên tàu. Những người lên trước thay vì xuống hầm, lại chọn vị trí ngồi tầng trên cho đỡ ngộp. Tàu chòng chành, nhiều người hoảng hốt, chen lấn, chạy lui chạy tới khiến chiếc tàu bị mất thăng bằng và lật nghiêng.

Vụ chìm tàu đã làm hàng chục người chết. Công tác cứu hộ kéo dài suốt ba ngày đêm. Đại tá Mẫn gọi những người tổ chức chuyến đi đến làm việc để lấy lời khai, tìm sơ đồ con tàu để người nhái lặn vào bên trong tìm kiếm người mất tích.

Con tàu vừa được trục vớt, có một người đàn ông xin gặp ông Mẫn vừa khóc vừa báo vợ và hai đứa con của anh ta tử nạn trong vụ chìm tàu. Ngập ngừng hồi lâu, anh ta thú nhận có đem theo 50 cây vàng, cất giấu trên tàu. Đại tá Mẫn nói ngay nếu là vàng của anh thì công an sẽ trả lại.

Qua kiểm tra, hộc đựng vàng đã bị bung ra. Số vàng không cánh mà bay. Đại tá Mẫn gọi trưởng phòng cứu hoả đến và kết luận ngay: Sự việc này chỉ có anh em cứu hỏa liên quan vì chưa có ai đặt chân lên tàu. Ai trót lấy phải trả ngay. Trong vòng một đêm, nếu không thu hồi được, anh là trưởng phòng phải chịu trách nhiệm.

Đại tá Thái Doãn Mẫn, nguyên phó Ban An ninh T4, nguyên phó giám đốc công an TPHCM.
Đại tá Thái Doãn Mẫn, nguyên phó Ban An ninh T4, nguyên phó giám đốc công an TPHCM.

Trưởng phòng cứu hỏa lập tức triệu tập những người liên quan và mấy tiếng sau đến gặp ông Mẫn đưa lại 47 cây vàng. Trong quá trình trục vớt tàu, vàng bị rơi ra, anh em nhặt được chưa kịp báo cáo.

Đại tá Mẫn trực tiếp trả lại vàng. Ông Mẫn nhớ lại: Anh ta xin hiến toàn bộ vàng cho chính phủ. Tôi bảo anh cứ giữ. Tôi là người chỉ huy cao nhất ở đây, tôi quyết như vậy. Chính quyền cách mạng lo cho dân chứ không nhân lúc dân gặp nạn để lấy vàng. Anh ta xin tặng phân nửa. Tôi cương quyết: Một cây tôi cũng không lấy!

Ông Mẫn báo cáo với ông Mai Chí Thọ, giám đốc Sở (sau này là đại tướng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ). Ông Thọ đồng tình: Anh giải quyết như vậy là đúng. Vợ con người ta vừa mất. Mình nhận vàng, lương tâm sẽ không thanh thản.

Câu chuyện đau thương ấy dần nguôi ngoai cho đến ngày một lãnh đạo cấp cao của Bộ Công an trực tiếp gặp đại tá Mẫn cho biết, người đàn ông năm ấy, nay đã là một doanh nhân thành đạt ở nước ngoài. Ông quay về Việt Nam đầu tư một số dự án lớn ở Hà Nội đã kể lại chuyện cảm động gần mười năm trước và xin gặp đại tá Mẫn để cám ơn nhưng ông Mẫn đã từ chối.

Đại tá Thái Doãn Mẫn, nguyên phó Ban An ninh T4, nguyên phó giám đốc công an TPHCM.
Công an TPHCM bắt giữ một tổ chức đưa người vượt biên bằng tàu, cứu sống hàng trăm người bị nhét dưới hầm tàu.

Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn trả vàng cho nhà chùa

Sài Gòn vừa giải phóng, ông Thái Doãn Mẫn xin nghỉ phép về thăm gia đình ở Huế sau hơn ba mươi năm xa cách. Ông Mai Chí Thọ băn khoăn: Tình hình thế này ông bỏ ông về thì làm sao. Thấy đại tá Mẫn tha thiết, ông Thọ đồng ý cho ông Mẫn nghỉ phép ba ngày. 

Ngày ấy, tình hình an ninh trật tự ở Sài Gòn hết sức phức tạp. Nhiều vụ án lớn chưa phá được như vụ vợ chồng nghệ sỹ Thanh Nga bị giết, con nghệ sỹ Kim Cương bị bắt cóc…

Về quê được một ngày thì đại tá Mẫn lập tức quay vào. Ông Mẫn ngồi ô tô từ Huế vào Đà Nẵng. Đang chờ máy bay ở sân bay Đà Nẵng, đại tá Mẫn gặp một nhà sư trạc tuổi, phong thái đỉnh đạc, phúc hậu, nói giọng Huế như mình nên chủ động chào hỏi rồi trao danh thiếp mời nhà sư đến nhà chơi.

Ông Mẫn lên máy bay bằng lối đi dành riêng và không thấy nhà sư. Các cảnh vệ đi theo báo cáo nhà sư đã bị công an sân bay bắt đi vì giấu hàng chục cây vàng trong người.

Về Sài Gòn được hai hôm, buổi tối có chiếc xe Mercedes đỗ xịch trước nhà ông Mẫn. Nhà sư xin vào gặp nhưng các cảnh vệ không đồng ý. Ông Mẫn nói, tâm lý của cán bộ lúc ấy, nhất là công an ngại tiếp xúc với những người tu hành.

Đại tá Mẫn đích thân pha trà mời khách. Nhà sư thuật lại chuyện bị tạm giữ tại sân bay Đà Nẵng, bị tịch thu 15 cây vàng. Đó là số vàng của chùa Vạn Phước (Huế) chuyển vào tu sửa chùa trong Sài Gòn.

Qua trò chuyện, mới biết nhà sư chính là Hòa thượng Thích Tâm Hướng, trụ trì chùa Vạn Phước. Hòa thượng chưa rõ quy định của chính quyền cách mạng nên không làm giấy xác nhận của chùa khi đem vàng vào Sài Gòn.

Hòa thượng chỉ kể chuyện, tuyệt nhiên không nhờ ông Mẫn can thiệp. Tuy nhiên, nghe xong, đại tá Mẫn dứt khoát: Nếu là vàng của chùa thì tôi sẽ lấy lại cho thầy.

Là ủy viên an ninh Trung ương Cục, ông Mẫn là cấp trên của ông Hai Huân, giám đốc công an Đà Nẵng lúc ấy. Ông Mẫn trực tiếp gọi điện đề nghị ông Hai Huân chỉ đạo công an sân bay trả lại vàng cho chùa. Ông Huân báo cáo: Anh em ngoài này đã đem nộp cho Ngân hàng Nhà nước tỉnh. Muốn trả lại thì phải ra ngân hàng nhà nước Trung ương. Mong thủ trưởng thông cảm.

Đại tá Mẫn báo cáo với Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn. Bộ trưởng trả lời: “Được rồi, nếu là vàng của chùa thì cho người ra Hà Nội cầm theo giấy xác nhận của chùa, tôi sẽ can thiệp với bên Ngân hàng Nhà nước”.

Được ông Mẫn thông báo, hòa thượng Thích Tâm Hướng cử người ra Hà Nội gặp bộ trưởng Trần Quốc Hoàn và được Bộ Công an cấp giấy giới thiệu sang Ngân hàng Trung ương. Hôm sau, ngân hàng Nhà nước tỉnh làm thủ tục trả lại số vàng trên cho chùa Vạn Phước.

Một lần tháp tùng đoàn sỹ quan cao cấp của Liên Xô thăm chùa Thiên Mụ (Huế), đại tá Mẫn mới biết trước khi viên tịch, hòa thượng Thích Tâm Hướng đã đích thân làm lễ, đặt pháp danh cho ông Mẫn là Nhuận Minh.

Day dứt, ân hận vì vụ án oan sai gần 70 năm trước

Đại tá Thái Doãn Mẫn nói suốt đời đi theo cách mạng, ông luôn trung thành với lý tưởng, làm việc theo lương tâm, trách nhiệm và không hối tiếc điều gì, ngoại trừ một lần ông vô tình gây oan sai cách nay đã gần 70 năm, khiến ông day dứt, ân hận đến hôm nay. Khi đó ông là phó Ty Công an Long Xuyên, phụ trách điều tra và tham gia xét xử một trường hợp bị cáo buộc lấy cắp của Ủy ban kháng chiến số tiền không lớn. Trong quá trình điều tra, xét xử, bị can này nhận tội và bị xử 2 năm tù. Lúc được tha, được ông Mẫn gọi lên giáo huấn, anh ta mới nói mình không phải là thủ phạm nhưng do bị đánh nên nhận bừa.

 

Theo Huy Thịnh (ghi theo lời kể của Đại tá Thái Doãn Tuấn)

Tiền phong

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm