Công an Hà Nội xuống xã sang tên đổi chủ xe cho người dân
(Dân trí) - Việc làm thiết thực này bắt đầu được thực hiện từ ngày 3/5, tại xã Xuân Phú, huyện Phúc Thọ, Hà Nội. Hàng trăm người dân vui mừng khi được sang tên, đổi chủ chiếc xe của mình ngay tại trụ sở UBND xã Xuân Phú, giảm bớt sự phiền hà khi phải “lên huyện”.
Từ những trăn trở
Song, mới chỉ qua 3 ngày thực hiện, CAH Phúc Thọ đã nhận thấy nhiều khó khăn, vướng mắc, gây phiền hà cho người dân đến làm thủ tục. Phúc Thọ là một địa bàn rộng với 23 xã, thị trấn. Nơi cách xa trung tâm huyện nhất là hơn 20km. Phần lớn người dân trên địa bàn huyện là nông dân, nhiều người chưa nắm bắt được hết chủ trương, thủ tục việc sang tên đổi chủ. Chính vì vậy, rất nhiều trường hợp thiếu các thủ tục, xác nhận cần thiết tại cấp cơ sở, lại phải quay về xã xin xác nhận, mất rất nhiều thời gian.
Sau khi tuyên truyền Thông tư 12/2013 tới người dân trong các xã, CAH Phúc Thọ đã triệu tập toàn bộ 23 Trưởng Công an các xã, thị trấn để tập huấn các thủ tục cần thiết. Công tác điều tra cơ bản được tiến hành ngay sau đó đã cho kết quả hơn 70% lượng xe máy của người dân trên địa bàn huyện cần sang tên đổi chủ.
Ngày 3/5, việc thí điểm áp dụng mô hình cải cách hành chính trong việc sang tên đổi chủ bắt đầu được thực hiện tại xã Xuân Phú và đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của người dân trong xã.
Trung tá Khuất Mạnh Thuyết - Phó trưởng CAH Phúc Thọ - cho hay, việc giải quyết thủ tục sang tên đổi chủ cho người dân ngay tại trụ sở UBND xã sở tại sẽ tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho người dân. Ngoài việc tiết kiệm chi phí đi lại, đối với những thủ tục còn thiếu, người dân sẽ được chính quyền địa phương xác nhận luôn tại xã, không phải mất thời gian đi thêm mấy chục km nữa.
Cũng theo Trung tá Thuyết, giải quyết triệt để việc sang tên đổi chủ sẽ giúp lực lượng công an giảm bớt khó khăn trong công tác quản lý, điều tra các vụ việc liên quan đến người điều khiển phương tiện giao thông.
Náo nức đi “sang tên”
Anh Lê Văn Vững (SN 1987, ở thôn Phú Châu, xã Xuân Phú) cho biết, gia đình anh mua chiếc xe Honda Wave từ năm 2012 của một người ở quận Hà Đông. Tuy nhiên, chiếc xe anh mua đã từng qua nhiều đời chủ nên anh rất ngại việc phải lên huyện làm thủ tục. “Mấy hôm nay thấy xã thông báo Công an huyện sẽ về tận xã để làm thủ tục cho người dân nên tôi xin nghỉ làm một buổi để đến làm thủ tục” - anh Vững chia sẻ.
“Vác” bụng bầu 8 tháng từ xã Vân Phúc sang xã Xuân Phú làm thủ tục, chị Lê Thị Tuyền (SN 1985) thẳng thắn: “Tôi rất ngại lên huyện làm thủ tục sang tên đổi chủ xe của mình. Nghe đài truyền thanh nói ở xã Xuân Phú có Công an huyện về làm thủ tục cho dân, tôi vội sang làm cho thuận tiện.”
Lực lượng công an có trách nhiệm tra cứu chủ sở hữu phương tiện tại Phòng CSGT (CATP Hà Nội) hoặc Cục CSGT đường bộ, đường sắt Việt Nam; tra cứu hồ sơ xe tang vật các vụ án… Sau khi làm thủ tục rút hồ sơ, đối với xe hợp pháp, lực lượng chức năng sẽ làm thủ tục sang tên đổi chủ theo quy định.; nếu phát hiện xe gian, cơ quan công an sẽ kiên quyết xử lý.
Cũng theo Thiếu tá Tùng, khó khăn lớn nhất trong việc sang tên đổi chủ là việc rút hồ sơ. Đối với gần 400 trường hợp được tiếp nhận tại CAH Phúc Thọ trong những ngày đầu thực hiện Thông tư 12/2013, CAH mới làm thủ tục rút được 70 hồ sơ từ các phòng nghiệp vụ CATP.
Trung tá Khuất Mạnh Thuyết, Phó Trưởng CAH Phúc Thọ, cho hay, theo lộ trình từ nay đến cuối năm 2013, lực lượng CSGT sẽ nhân rộng việc thực hiện mô hình này đến tất cả 23 xã, thị trấn trên địa bàn. Sau đó, các thủ tục hành chính khác cũng sẽ được áp dụng cách làm tương tự.
Ông Ngọ Duy Hiểu, Bí thư Huyện ủy Phúc Thọ, nhấn mạnh, việc là thủ tục sang tên đổi chủ cho người dân ngay tại xã là mô hình nhằm cải cách hành chính, tạo thuận lợi và hạn chế phiền hà cho nhân dân; đồng thời cũng tăng cường công tác quản lý, xây dựng hình ảnh người cán bộ công chức thân thiện, gần gũi, trách nhiệm, tăng niềm tin trong nhân dân.
Tiến Nguyên