Công an Hà Nội gặp khó khi xử lý hơn 7.000 ô tô “quá đát”

(Dân trí) - Trung tướng Đoàn Duy Khương - Giám đốc Công an TP Hà Nội cho biết, đơn vị này đã gửi thông báo đến 7.200 chủ ô tô “quá đát” nhưng hầu hết các chủ phương tiện không đến làm việc.

Chiều ngày 9/7, chất vấn tại hội trường HĐND TP Hà Nội nhóm vấn đề về giao thông, đại biểu Nguyễn Quốc Khánh (Hoàng Mai) cho biết, UBND TP đã giao cho Công an TP cùng các quận, huyện rà soát phương tiện giao thông “quá đát”. Đến tháng 3/2019, đơn vị liên quan phải rà soát xong, tuy nhiên đến nay đại biểu chưa nhận được kết quả.

Trả lời câu hỏi trên, Trung tướng Đoàn Duy Khương – Giám đốc Công an TP Hà Nội cho biết, qua rà soát trên địa bàn TP hiện có hơn 9.000 ô tô hết niên hạn sử dụng. Công an TP đã gửi thông báo đến hơn 7.200 chủ phương tiện “quá đát”.

Ngoài ra trên địa bàn TP có hơn 43 nghìn xe máy đã sử dụng trên 30 năm; 10.500 xe máy sử dụng trên 40 năm và 479 xe máy sử dụng trên 50 năm.

Công an Hà Nội gặp khó khi xử lý hơn 7.000 ô tô “quá đát” - 1
Trung tướng Đoàn Duy Khương trả lời chất vấn nhóm vấn đề về giao thông

“Với xe máy bị tạm giữ, nhiều xe có đã sử dụng tới 30 đến 40 năm. Chủ phương tiện thường không đến công an để lấy xe vì tiền phạt có thể cao hơn tiền xe. Vì vậy, Công an TP đề nghị TP cho thanh lý hoặc hủy những loại xe này”, Trung tướng Khương nói.

Với xe tải, xe khách, ông Khương cho biết, Công an TP cũng đã gửi thông báo tới 7.200 trường hợp. Thế nhưng hầu hết các chủ phương tiện cũng không đến công an làm việc. Lý do được ông Khương nêu ra là chủ phương tiện đã bán xe hoặc chuyển sang tỉnh thành khác hoạt động.

Từ thực tiễn trên, theo Trung tướng Khương, lực lượng công an TP đã phối hợp với bộ phận đăng kiểm khi phát hiện xe quá niên hạn theo quy định thì thu hồi biển kiểm soát, giấy tờ xe chuyển cho công an lập biên bản để cấm lưu hành. “Hiện chỉ dừng ở mức đó, nên hiệu quả rất thấp”, ông Khương nói.

Tại hội trường, Giám đốc Công an TP Hà Nội cũng nhận được đề nghị làm rõ tình trạng “xe dù bến cóc” hoành hành trên một số tuyến đường thuộc vành đai 3.

“Đề nghị Giám đốc Công an TP cho biết trách nhiệm trong việc xử lý vi phạm. Công an TP có giải pháp gì để giải quyết tình trạng này?”, đại biểu Nguyễn Minh Đức (Thanh Xuân) nói.

Trả lời câu hỏi trên, Trung tướng Đoàn Duy Khương thừa nhận, thực trạng “xe dù bến cóc” là vấn đề nhức nhối trong nhiều năm qua trong vấn đề bảo đảm an toàn giao thông, trật tự văn minh đô thị. Thời gian qua lực lượng cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông triển khai nhiều biện pháp để lái xe không bắt khách dọc đường, chạy sai luồng tuyến.

Tuy nhiên, khi lực lượng Công an TP làm ráo riết thì trên địa bàn TP lại xuất hiện hình thức mới đó là xe hợp đồng, đón nhận khách tận nhà. “Xe hợp đồng kiểu này đang gây nhiều khó khăn cho các cơ quan chức năng trong việc xử lý”, Trung tướng Đoàn Duy Khương cho hay.

Về giải pháp xử lý triệt để tình trạng trên, Trung tướng Đoàn Duy Khương cho hay, lực lượng công an vẫn thực hiện theo các giải pháp đang triển khai, chứ chưa có gì mang tính chất đột biến.

Quang Phong