1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Vụ Nguyễn Thanh Vũ buôn lậu máy ảnh, máy quay phim:

“Con voi chui lọt lỗ kim”

(Dân trí) - Hôm nay 2/8, Cơ quan CSĐT Bộ Công an cho biết vừa hoàn tất bản kết luận điều tra vụ Nguyễn Thanh Vũ buôn lậu camera, đề nghị truy tố đối tượng về tội buôn lậu. Câu hỏi đặt ra là tại sao Vũ lại dễ dàng qua mặt các cán bộ nhân viên hải quan tại sân bay Tân Sơn Nhất như vậy?

Chiều 10/1/2006, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã bắt quả tang Nguyễn Thanh Vũ (34 tuổi, ngụ 287 đường Hoàng Hoa Thám, quận Tân Bình, TPHCM) nhập khẩu trái phép 15 máy ảnh, 17 máy quay phim từ Hong Kong về Việt Nam qua cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất. Công an đã thu giữ toàn bộ số hàng lậu cùng 1.600 USD của Vũ.

 

Khám xét nhà ở và cửa hàng buôn bán máy ảnh, máy quay phim của Vũ và các đối tượng liên quan trong đường dây buôn lậu này, cơ quan chức năng thu giữ tại cửa hàng của Huỳnh Đắc Dũng, Nguyễn Đức Long và Lê Thị Mỹ Loan (trên đường Nguyễn Huệ, quận 1, TPHCM) hơn 200 máy ảnh, 35 máy quay phim, 22 đèn chụp ảnh và 140 phụ kiện khác.

 

Kết quả điều tra cho thấy, Vũ làm nghề buôn bán thiết bị, vật tư ngành ảnh, có 2 cửa hàng tại số 79 và 105 đường Nguyễn Huệ, quận 1. Ngày 5/1/2006, Vũ mang 7.000 USD sang Hong Kong với mục đích mua máy ảnh, máy quay phim trốn thuế. Tại đây, Vũ đã mua tổng số 158 máy ảnh và 17 máy quay phim, trị giá lô hàng là 56.000 USD. Do thiếu tiền, Vũ đã nhắn vợ cũ là Tiêu Thị Bạch Lê ở TPHCM chuyển cho 49.000 USD thông qua đường dây chuyển tiền của bà Lan ở Hong Kong.

 

Ngày 10/1/2006, Vũ về sân bay Tân Sơn Nhất với 6 kiện hàng rất to và tiến thẳng ra cửa dành cho khách không có hàng hoá. Tại máy soi số 2 cửa xanh (cửa khách không hàng hóa), Vũ gặp nhân viên hải quan Lê Văn Tân (nhân viên tiếp nhận tờ khai), Nguyễn Thị Hồng Thu và Nguyễn Đăng Cẩn (nhân viên giám sát máy soi). Vũ nói với Tân là có mấy chục máy ảnh cũ, đề nghị cho qua và sẽ “bồi dưỡng”. Tân không trả lời mà yêu cầu Vũ đưa hành lý qua máy soi để kiểm tra.

 

Khi qua máy soi, Thu và Cẩn phát hiện thấy hành lý của Vũ có hàng nên yêu cầu Vũ qua cửa đỏ (cửa khai báo hàng hoá). Vũ không nghe, tiếp tục đi thẳng. Ba nhân viên hải quan không có phản ứng gì (!?).

 

Đáng nói hơn, đây không phải là lần đầu Vũ làm như vậy. Vũ khai từ tháng 4/2005 đến khi bị bắt, đối tượng đã thực hiện trót lọt trên 10 vụ “tẩu hàng” như vậy với tổng số khoảng 350 máy camera các loại. Đây chẳng phải là “con voi chui lọt lỗ kim” tại cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất?

 

Ngoài ra, Vũ còn khai nhận, vào ngày 17/12/2005, Vũ sang Hong Kong mua hàng nhưng không được nên có nhờ một số người quen ở đây mua hộ rồi gửi về Việt Nam bằng đường bưu điện. Bằng cách buôn lậu qua đường bưu điện này, Vũ móc nối với đối tượng Tiến “mập”. Theo “quy định chung” giữa hai bên, với mỗi kg hàng chuyển trót lọt, Tiến “mập” được Vũ “bồi dưỡng” 200.000 đồng.

 

Tuy nhiên, do chưa đủ bằng chứng nên chưa thể kết luận Vũ buôn lậu, trốn thuế qua đường bưu điện. Tiến “mập” cũng vì thế mà thoát.

 

Với trường hợp tại cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất, rõ ràng các nhân viên Lê Văn Tân, Nguyễn Thị Hồng Thu và Nguyễn Đăng Cẩn đã thiếu trách nhiệm trong việc kiểm tra giám sát khách và hàng hóa. Chính họ đã vô tình (hay cố tình) tạo điều kiện cho Vũ thực hiện hành vi buôn lậu dễ dàng, gây hậu quả nghiêm trọng.

 

Nhưng (lại nhưng), qua điều tra chưa thấy đủ chứng cứ để truy cứu trách nhiệm nên cả ba đối tượng Thu, Cẩn và Tân chỉ bị xử lý về mặt hành chính (!).

 

Nguyễn Lưu