1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Con trai “vua voi” chữa bệnh cho chú voi của Liên đoàn Xiếc VN

Nghe tin chú voi Khăm Bun đang cần thầy thuốc, đồng thời nhận được lời mời của ông Vũ Ngoạn Hợp, Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam, Khăm Phết Lào (con trai “vua voi” Ama Kông) đã nhanh chóng ra Hà Nội, mang theo 5 bọc thuốc…

Con trai “vua voi” chữa bệnh cho chú voi của Liên đoàn Xiếc VN - 1

Khăm Phết Lào - con trai Ama Kông (bên trái) khám bệnh cho chú voi Khăm Bun

Chú voi Khăm Bun “quê” ở xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk, có số phận thật đặc biệt. Nó là con voi nhỏ nhất trong đàn voi lọt vào tầm ngắm của những người săn voi trộm. Nó bị quây bắt với vết thương do sập bẫy ở chân trước phía bên trái. Việc săn bắt trái phép chú voi có tên khoa học Elaphas Maximus (một trong những loài có tên trong Sách Đỏ Việt Nam và thế giới) đã bị lực lượng kiểm lâm phát hiện.

Ngày 14/9/2007, UBND tỉnh Đắk Lắk ra quyết định tịch thu voi Khăm Bun, giao cho Đoàn Xiếc Việt Nam phục vụ văn hoá nghệ thuật. Tháng 9/2007, Đoàn xiếc thú thuộc Liên đoàn Xiếc Việt Nam đã đến xã Krông Na tiếp nhận chú voi trên. Trong biên bản tiếp nhận ghi rõ đau chân trước phía bên trái, đế bàn chân bị sưng to do mắc bẫy, đi lại khập khiễng không bình thường”.

Sau gần 2 năm ra Hà Nội học làm xiếc, voi Khăm Bun vẫn chưa đứng được trên sân khấu chỉ vì vết thương vẫn chưa lành. Gần đây, tình trạng vết thương ở chân trước của Khăm Bun có dấu hiệu nặng hơn.

Cuộc gặp mặt xúc động giữa người Tây Nguyên và… voi ở Hà Nội 

Khăm Phết Lào (tên thường gọi là Amasumay) cho biết, ngay từ bé đã được cha, “vua voi” Ama Kông truyền dạy cho cách săn bắt, thuần dưỡng, chăm sóc và chữa trị cho voi theo lối cổ truyền. Nghe tin Khăm Bun đang cần thầy thuốc và đồng thời nhận được lời mời của ông Vũ Ngoạn Hợp, Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam, nên anh nhanh chóng ra Hà Nội. Trong hành lý của anh có 5 bọc thuốc, mỗi bọc 5kg.  

Anh cho biết, tự thân con voi trong tự nhiên khi bị thương còn biết tìm các loài lá cây rừng, hay cọ vết thương vào tổ mối để chữa trị. Các bậc tiền bối trong gia tộc anh cách đây 300 năm đã theo dõi và học được cách chữa trị này của loài voi và bào chế ra loài thuốc đặc trị. Anh hy vọng, sau khi thăm, khám cho voi sẽ tìm ra căn nguyên căn bệnh và có phương pháp điều trị hữu hiệu.

Anh Khăm Phết Lào cho biết, tình cờ ở sân bay Nội Bài, anh gặp ông Ama Bèm Niê Kdăm, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc tỉnh Đắk Lắk. Biết Khăm Phết Lào ra Hà Nội chữa bệnh cho một chú voi con của Tây Nguyên đang bị thương, ông rất hoan nghênh và nhập đoàn luôn.

9h ngày 13/5, chúng tôi theo “đoàn công tác” của Khăm Phết Lào gồm 4 người đến từ Tây Nguyên đến Liên đoàn Xiếc Việt Nam. Trước khi lên phòng giám đốc phải đi qua khu chuồng voi. Vừa dừng chân, cả đoàn ngạc nhiên trước những động tác quơ chân, quỵ gối, cúi đầu của một con voi già. Sau giây lát ngạc nhiên, Khăm Phết Lào bảo voi đang chào mọi người.  

Tôi đã từng đến chuồng voi này, đã từng đứng chụp ảnh chú voi vừa làm động tác nghiêng mình kính cẩn chào kia, nhưng nào có được chú ta đón tiếp với thái độ trọng thị ấy đâu nhỉ. Lúc này, ông Ama Bèm Niê Kdăm mới bảo, đó là nó nhận ra người Tây Nguyên. Ôi! Thật tài tình, trong đoàn không ai từng huấn luyện nó cả, chỉ là họ đến từ Tây Nguyên, vùng đất mà nó từng sinh sống. Thế mà nó sớm nhận ra “đồng hương” và đón tiếp nồng nhiệt.

Khi chúng tôi cho biết màn chào hỏi của 1 trong 5 con voi đang cột ở chuồng, ông Hợp rất ngạc nhiên. Ông bảo, đoàn Xiếc thú huấn luyện voi chào nhưng nó chỉ thực hiện khi có tín hiệu hoặc nhận được lệnh của huấn luyện viên. Quả là một bất ngờ thú vị.

Bắt bệnh cho Khăm Bun 

Đây là một chú voi đẹp, khỏe, nhìn thấy Khăm Bun, Khăm Phết Lào nói ngay. Quả thực, Khăm Bun có làn da căng, bóng mượt và vóc dáng to, khỏe. Chính vì thế, khi xem xét vết thương ở chân cho Khăm Bun, Khăm Phết Lào bảo rằng, nếu cưa chân sẽ làm hỏng hết con voi.  

Bác sỹ thú y của Liên đoàn Xiếc Việt Nam, Nguyễn Hải Đăng cho Khăm Phết Lào biết chi tiết quá trình chữa trị vết thương, phác đồ điều trị… Khăm Phết Lào nhìn từng tấm ảnh phóng to ghi lại những vết thương và sự di chuyển của các vết thương ở chân của Khăm Bun và dõi theo trình bày của vị bác sỹ 3 năm liền gắn bó với việc điều trị cho nó.

Cuối cùng anh nói, theo kinh nghiệm của bản thân, có thể chân Khăm Bun bị một vật gì đó đâm vào và đang mắc ở trong. Anh đặc biệt lưu ý đến khả năng vật lạ đâm vào phần gân của chân. Một giả thiết thứ hai anh nêu ra, là có thể Khăm Bun bị một áp xe lớn. Để có biện pháp điều trị tốt nhất, theo anh nên mổ để biết rõ cái gì ở bên trong. Anh hoàn toàn đồng ý với phương pháp kết hợp đông tây y để điều trị cho Khăm Bun.

Ông Hợp cho biết, ngày 14/5, sẽ có một đoàn bác sỹ thú y của các tổ chức quốc tế đến thăm, khám bệnh cho Khăm Bun. Ông hy vọng, cùng với họ, Khăm Phết Lào sẽ giúp tìm ra phương pháp điều trị tốt nhất cho Khăm Bun. Trước đó, Liên đoàn Xiếc Việt Nam đã đề nghị sự giúp đỡ của Tổ chức động vật châu Á.

Sau khi tham khảo ý kiến của Tiến sỹ Jonathan Crackcall, Giám đốc Động vật học, Marwell Wildlife, Anh quốc, cố vấn thú y cho Hội Chuyên khoa Voi và động vật hữu nhũ BIAZA, cố vấn EEHV cho Dự án Quản lý voi toàn cầu và Tiến sỹ Michael Lynch, Sở thú Melbourne, Australia, Tổ chức Động vật châu Á cho biết, cả hai chuyên gia đều cho rằng vết thương này rất nghiêm trọng, không thể lành lại trừ khi thay đổi cách nuôi dưỡng, chăm sóc thú y và rất cần thiết phải tìm sự hỗ trợ của chuyên gia. Tổ chức này đã đưa ra những biện pháp điều trị vết thương.

Ngoài ra, bác sỹ thú y Hoa Kỳ Nathan Henry cũng đã tới thăm, khám lâm sàng cho Khăm Bun và đưa ra lời khuyên nên mời chuyên gia giỏi để điều trị bởi vết thương rất nghiêm trọng. 

Để có kết luận cuối cùng cho việc điều trị vết thương mà chú voi Khăm Bun đã chịu đựng trong suốt 3 năm, việc thăm, khám của các chuyên gia thú y về voi vô cùng cần thiết. Cùng với họ, Khăm Phết Lào sẽ sớm tìm ra phác đồ điều trị hữu hiệu.

TheoCao Hồng
 Công an nhân dân