1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Con mang họ mẹ: Những câu chuyện từ đại ngàn...

Được vợ… cưới về gần 40 năm, có với nhau 7 mặt con cả trai lẫn gái, nhưng Ama H'Nhui và vợ là H'Lat Niê (buôn Kna B, Cư M' gar, huyện Cư M'gar, Đăk Lăk) chưa bao giờ cãi nhau nửa lời. H'Nhui bảo, ở buôn của mình, phụ nữ được coi trọng lắm.

Con mang họ mẹ: Những câu chuyện từ đại ngàn... - 1

Người phụ nữ ở xã hội mẫu hệ rất vất vả.
 
Những đứa con H'Nhui đều theo họ mẹ, lấy vợ, lấy chồng gần hết. Đứa nào ra ở riêng cũng được chia đất, mà con gái phải được chia phần lớn nhất, đất tốt nhất, ở gần để sau này trông nom bố mẹ. "Con trai đi lấy vợ thì lo việc nhà vợ, chẳng thể bằng con gái được", H'Nhui nói thế…

 

Con trai "ngoại tình", bố bị phạt vạ

 

Ama H'Nhui dáng không cao nhưng rắn chắc như cây gỗ lim. Gần 60 năm phơi mình với nắng gió Tây Nguyên, da Ama H'Nhui nhẵn thín, bóng lên màu nâu đỏ. Dù da mặt đã có vết chân chim nhưng ánh mắt Ama H'Nhui vẫn lấp lánh như ngôi sao đêm chiếu sáng trên đỉnh núi Cư'Mgar. Ama H'Nhui kể: "Vợ tao cưới tao về năm 1971, lúc đó tao mới hơn 20 tuổi. Bố mẹ tao thách cưới cũng nhiều, 6 con heo, một con bò, 15.000 tiền mặt. Theo luật tục người Ê Đê, nhà vợ không trả được lễ thì cho hai vợ chồng nợ, sau này làm ăn có tiền của trả lại cho nhà chồng".

 

H'Nhui và vợ là người cùng buôn, lớn lên cùng tiếng cồng chiêng và những đêm nghe sử thi ở nhà rông. Gặp mặt nhau vài lần, cái bụng của H'Lat Niê đã ưng ngay Y Nhi Am A Yun (tên thời con trai của Ama H'Nhui). Rồi cậu của H'Lat gặp cậu của Y Nhi để thỏa thuận. Người cậu sau đó về nói cho Y Nhi biết chuyện. Là người cùng buôn, dù chưa một lần nói chuyện riêng, nhưng Y Nhi biết H'Lat là con gái cả, nhà nghèo nhưng chăm chỉ. Y Nhi cũng ưng cái bụng vì muốn sau này tự mình gây dựng nên cơ nghiệp chứ không thích lấy vợ giàu, sợ phải phụ thuộc nhà vợ. Y Nhi đã từng chứng kiến có người về làm rể nhà giàu, sau này làm ăn không theo kịp bố mẹ vợ, bị đuổi đi.

 

Nhà Y Nhi thách cưới 1 con bò cho người mẹ đã đẻ ra và nuôi dưỡng Y Nhi, 6 con heo để trả nghĩa cho 6 người dì của Y Nhi, còn 15.000 đồng là tiền chia cho các em gái của Y Nhi và làm cơm mời khách. Đám cưới của H'Lat và Y Nhi mời hết cả 2 bên dòng họ.

 

Cưới xong, theo luật tục, Y Nhi phải mang quần áo về nhà bố mẹ H'Lat ở rể, H'Lat cũng muốn vậy, nhưng lúc đó Y Nhi đang làm việc trên tỉnh, lại trẻ quá, nên ngại không về. Một năm sau đám cưới, Y Nhi và H'Lat chỉ gặp nhau tháng một lần. Y Nhi về buôn, đưa hết tiền lương cho H'Lat, sau đó ai về nhà nấy. Vợ chồng gặp nhau chỉ nói chuyện bình thường, chẳng cầm tay nhau, cũng chẳng… ôm nhau lấy một lần. Y Nhi bảo: "Nó là vợ tao rồi, tiền tao kiếm được bao nhiêu phải đưa nó giữ. Tao bảo nó, cất tiền đi, đừng tiêu tầm bậy, để sau này lấy tiền đó làm ăn. Tao với nó ở xa nhau, nhưng tao không dám yêu người khác. Có vợ rồi, yêu người khác là bị buôn phạt vạ nhiều tiền lắm. Bố mẹ tao nghèo, không có tiền mà nộp phạt đâu".

 

H'Lat xa chồng nhưng không đi ngang về tắt. Từ lúc con gà rừng gáy cho đến lúc ông mặt trời khuất sau núi Cư'Mgar, H'Lat chỉ biết lấy nước, giã gạo, lên rẫy làm nương và…   đợi chồng về. Tháng nào về, Y Nhi cũng đưa cho H'Lat 4.000 đồng. H'Lat lấy tiền đấy mua được 2 chỉ vàng. Một năm tròn, hai vợ chồng có 24 chỉ vàng. Đến năm 72, Y Nhi bỏ việc trên tỉnh về nhà làm rẫy cùng H'Lat.

  

H'Lat và Y Nhi có với nhau mấy người con, chỉ có H'Nhui là con gái. Khi H'Nhui đi hỏi chồng, H'Lat và Y Nhi đồng ý cắt cho H'Nhui mảnh đất rộng nhất, ở ngay trong vườn nhà. Cũng từ lúc đó, Y Nhi được gọi theo tên con gái là Ama H'Nhui hoặc Ama Nhui (Bố của H'Nhui). Ama H'Nhui bảo: "Con gái phải cắt đất tốt, rộng và không được để con gái đi xa. Sau này tao và vợ tao già yếu, H'Nhui chăm sóc, không để cho ai được. Con trai lấy vợ, lo việc nhà vợ, không bằng con gái đâu".

 

Con trai được gả bán, nhưng nếu con trai hư đốn, bố mẹ phải chịu phạt vạ vì không dạy được con. Cả đời Ama H'Nhui không bao giờ quên được lần bị phạt vạ cách đây 2 năm. Đường đường là chủ tịch UB Mặt trận Tổ quốc xã, rẫy cà phê ngút ngàn như cánh rừng Cư M’gan, thế mà bị phạt vạ chỉ vì con trai Y Dân (SN1983), đã có vợ và 2 con, nhưng lại đi yêu người khác. Khi bị phát hiện, nhà vợ Y Dân bắt phạt gần 20 triệu đồng đền danh dự. H'Lat và Ama H'Nhui buồn lắm. Vợ chồng phải đứng ra xin lỗi buôn làng vì không dạy  được con.

 

Hỏi Ama Nhui có bao giờ cảm thấy lép vế trước vợ không, Ama Nhui cười cười: "Không gọi là lép vế, chồng nhường vợ thôi. Vợ chồng làm việc gì cũng bàn bạc, thống nhất cả. Buổi tối trước khi đi ngủ thì bàn việc, nằm cạnh nhau mà bàn việc thì dễ lắm. Vợ chồng tao lấy nhau gần 40 năm mà chưa bao giờ cãi nhau nửa lời".

 

Rất hiếm có bạo hành gia đình

 

Chị H'Hoa K'buôr - Phó chủ tịch Hội phụ nữ xã Cư'Mgar (huyện Cư M'gar, Đăk Lăk) - là người M’nông. H'Hoa cho biết: "Có một ưu điểm nổi bật trong gia đình theo chế độ mẫu hệ là rất ít xảy ra bạo hành. Gần 1.600 hộ ở xã Cư M'gar từ trước đến nay chưa bao giờ có trường hợp chồng đánh vợ. Có lẽ đó là do ý thức tôn trọng phụ nữ. Vợ chồng xô xát to tiếng là có dòng họ, và cao hơn là buôn đứng ra phân xử. Dù chồng sai hay vợ sai cũng phải nộp phạt nặng, nên các cặp vợ chồng rất sợ xô xát".

 

Ông Trần Văn Chiến - Chủ tịch xã Eabông, huyện Krông Ana, Đăk Lăk cũng khẳng định điều này. Ông Chiến cho biết: "Trong chế độ mẫu hệ, người đàn ông đi ở nhà vợ, người phụ  nữ có ưu thế hơn, chủ động trong chuyện cưới xin, mua sắm trong gia đình. Vai trò của người phụ nữ trong gia đình mẫu hệ là quyết định, cũng vì thế mà tình trạng bạo hành gia đình ít hơn. Xã Eabông có 14.000 hộ, đa số là đồng bào Ê Đê, từ hồi tôi làm cán bộ ở xã, chưa xảy ra trường hợp nào vợ bị chồng đánh".

 

Phụ nữ là trụ cột gia đình

 

H'Lê Niê cười buồn nói với chúng tôi thế. H'Lê Niê là cán bộ dân số ở tỉnh Đăk Lăk, chị bảo: "Trong chế độ phụ hệ, người đàn ông lo việc nặng, việc to tát ngoài xã hội, người phụ nữ lo việc nội trợ và những công việc khác trong gia đình. Ở chế độ mẫu hệ, người phụ nữ vừa phải lo cơm nước, chăm sóc gia đình, vừa làm việc nặng không khác gì đàn ông. Như vậy, rõ ràng số lượng công việc gấp đôi so với người phụ nữ trong chế độ phụ hệ. Những gia đình ở buôn Alêa của H'Lê, cả con trai, con gái đều phải đi làm rẫy. Lúc về, con gái gùi sắn, gùi củi, còn con trai, mặc dù sức vóc hơn con gái, nhưng chỉ đeo cái xà gạc thảnh thơi đi theo sau…".

 

Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Ana H'Mơ Niê là một trong số ít những phụ nữ dân tộc ít người làm lãnh đạo cốt cán cấp huyện. H'Mơ bảo, ai chưa biết thì tưởng phụ nữ trong gia đình mẫu hệ sung sướng hơn vì được quyền quyết định, nhưng thực tế không phải. Phụ nữ là người lo toan mọi việc gia đình, quản lý tiền nong. Tuy nhiên, không phải vì thế mà không làm việc nặng.

 

Chặt cây, đốn củi... phụ nữ đều làm hết. Khi con gà rừng vừa cất tiếng gáy, người phụ nữ đã phải dậy giã gạo đủ để mọi người trong nhà ăn trong một ngày hoặc hơn một ngày. Giã lượt thứ nhất để tróc vỏ gạo, lượt thứ hai để gạo trắng. Xong 2 lượt gạo khoảng 5 giờ sáng, trời vẫn mờ mờ tối, lại tất bật ra suối lấy nước uống, nước ăn để cả nhà dùng trong ngày. Sau đó, nhóm bếp nấu cơm ăn sáng để lên nương rẫy. Ăn cơm xong, người phụ nữ dọn dẹp nhà cửa, chuẩn bị thức ăn, đồ nghề cho một ngày làm việc. Gùi cơm, gùi vật dụng lao động lên rẫy cũng chính là công việc của người phụ nữ.

 

Một buổi lên rẫy, phụ nữ làm việc không khác gì nam giới. Hết buổi rẫy, gùi đồ về nhà, đôi vai người phụ nữ lại thêm lần nữa còng xuống, người chồng đi bên cạnh, chỉ cầm xà gạc hoặc bế con. Ăn xong bữa tối, đàn ông tụm 5 tụm 7, hát múa, văn nghệ, còn phụ nữ dọn dẹp nhà cửa, chăm sóc các con, chuẩn bị cho ngày làm việc tiếp theo. đến khi tiếng cồng chiêng đã dứt, ngọn lửa trong bếp sắp tàn, vẫn thấy người phụ nữ lui cui trong căn nhà, làm những việc chẳng bao giờ đàn ông mó tay.

 

H'Mơ mồ côi cha mẹ khi mới hơn 10 tuổi. Ngay từ nhỏ, H'Mơ đã thuần thục lịch làm việc dày đặc, không bao giờ ngừng nghỉ của người phụ nữ Ê Đê. H'Mơ bảo, chính mình cũng không biết sức chịu đựng ở đâu mà làm việc liên tục và làm được nhiều việc nặng như thế. H'Mơ giã gạo phồng cả hai tay, gánh củi nặng khiến bước chân liêu xiêu như người say rượu, nhưng H'Mơ không bao giờ kêu ca. Dường như những công việc này đã ăn sâu vào máu của người phụ nữ Tây Nguyên. Họ sinh ra đã thế và coi điều đó hiển nhiên như hoa Pơ lang chỉ nở trong rừng, như dòng Serepok ầm ào ngày đêm không nghỉ… 

 

“Trong lễ cúng nhà mới của đồng bào Ê Đê, Ba Na, Gia Rai chén rượu cần đầu tiên là mời bác hoặc cậu của người vợ. Chế độ mẫu hệ biểu hiện rõ nhất là con theo họ mẹ. Cũng có gia đình, chồng là người Kinh, vợ là người Ê Đê thì con mang cả họ cha và họ mẹ. Về phân công lao động trong gia đình, phụ nữ đảm đương công việc nặng nhọc, vai trò của nam giới mờ nhạt. Ngày trước, đồng bào ở nhiều hộ trong nhà sàn dài, nhưng bây giờ, nhà dài còn ít lắm, chủ yếu là gia đình nhỏ có 2 thế hệ, nên đồng bào xây nhà theo người Kinh. Bên cạnh đó, tục nối dây, nghĩa là khi vợ mất, thì em vợ, hoặc những người phụ nữ cùng dòng tộc của người vợ lấy người chồng đó, để thay chị chăm sóc con cái và cai quản tài sản trong nhà cũng dần mất đi.”

 

(Ông Lê Ngọc Quế - Phó trưởng phòng Xây dựng Nếp sống văn hóa và gia đình, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đăk Lăk)

 

“Đối với đồng bào theo chế độ mẫu hệ như người Ê Đê, Gia Rai, Ba Na, M’nông... cộng đồng Đăm-đay (họ bên mẹ) có quyền quyết định tất cả. Cậu bên mẹ là quan trọng, khi cưới hỏi, hay mua sắm đồ đạc mới, như chiêng ché, trâu bò, đều phải có ý kiến của bác, cậu bên mẹ. Nhà trai thách cưới để trả ơn cho những người phụ nữ của chú rể, và cũng để có trách nhiệm với cặp vợ chồng này. Nếu người vợ chết, người chồng muốn lấy vợ khác thì trở về nhà tay trắng. Mọi tài sản đều thuộc về con cái”.

 

(Ông Ykô Niê - Phó trưởng phòng nghiệp vụ văn hóa, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Đăk Lăk) 

 
Theo Phương Đạt
Gia đình & Xã hội