1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Cơn khát làm quan và lời thề không tham nhũng... của dân

Trong cùng một ngày hôm qua 21.2 (tức 14 tháng giêng Bính Thân) ở Hải Phòng có lễ Minh thề với lời hịch văn không tham nhũng, còn tại đền Trần (Nam Định), người dân nô nức đi xin ấn, mua ấn để cầu lộc cầu quan.Hai sự kiện trên phần nào minh chứng cho tâm lý một bộ phận, một xu hướng xã hội là thói hãnh tiến, muốn thăng quan nhưng cũng chưa thật đủ dũng khí để nói lên lời thề không tham nhũng.

Trong khi lễ Minh thề (Hải Phòng) - thề không tham nhũng - thưa vắng người tham dự..
Trong khi lễ Minh thề (Hải Phòng) - thề không tham nhũng - thưa vắng người tham dự..

Lời thề chống tham nhũng: Dân thề - quan không thề

...thì tại đền Trần (Nam Định) vào lúc 23h đêm qua, người dân chen chúc xin ấn, mua ấn để cầu lộc cầu quan. Ảnh: HẢI NGUYỄN - HOÀNG HOAN
...thì tại đền Trần (Nam Định) vào lúc 23h đêm qua, người dân chen chúc xin ấn, mua ấn để cầu lộc cầu quan. Ảnh: HẢI NGUYỄN - HOÀNG HOAN

Lễ hội Minh thề truyền thống của làng Hoà Liễu, xã Thuận Thiên, huyện Kiến Thụy (TP.Hải Phòng) chính thức được tổ chức sáng hôm qua. Theo ghi nhận của Lao Động, tham dự lễ chủ yếu là bà con nhân dân trong làng và các… phóng viên báo chí.

Theo sách cũ, chùa Hòa Liễu được xây dựng từ thế kỷ 13 tại làng Lan Niểu (nay là thôn Hòa Liễu, xã Thuận Thiên). Đến thế kỷ 16, vợ của Mạc Thái Tổ Mạc Đăng Dung là bà Thái hoàng Thái hậu Vũ Thị Ngọc Toản đã vận động hoàng thân, quốc thích góp tiền tu sửa chùa cổ, mua đất cúng Tam bảo được hơn 47 mẫu ruộng, bản thân bà cũng bỏ tiền mua 25 mẫu cho dân đinh cày cấy hưởng lộc, giải quyết khó khăn cho những gia đình binh lính.

Ông Phạm Đăng Khoa, 80 tuổi - nguyên Phó ban quản lý Khu di tích Đền chùa Hòa Liễu, người được mệnh danh là pho sử sống của làng - cho biết: Từ ngày ấy, với gần 50 mẫu ruộng được chia cho nhiều thành phần, bà Thái hoàng Thái hậu cùng với dân làng bàn cách giữ gìn của công bằng tín ngưỡng dân gian - lễ hội Minh thề ra đời. Hịch văn Minh thề quy định lấy chí công làm trọng, không xâm phạm của công.

Theo đó, vào ngày 14 tháng giêng, làng lập Đài thề tại miếu thờ Thành hoàng (ngay khuôn viên khu đền chùa Hòa Liễu hiện nay). Những người phải thề gồm chánh tổng, lý trưởng, các chức sắc và người được cấp ruộng. Mở đầu, chủ lễ và các vị bồi lễ đọc chúc văn công đức của Thánh vương, làm lễ dâng rượu, chủ lễ cầm dao bầu làm động tác chỉ trời vạch đất, vẽ một vòng tròn lớn để làm đài thề. Nội dung “Minh thề” nhấn mạnh: “Mọi người trong làng từ hương chức đến nhân dân, trên là bô lão, dưới từ 18 tuổi trở lên, ai lấy của công dùng vào việc công xin thần linh ủng hộ, ai lấy của công về làm của tư, cầu thần linh đả tử...”.

Sư thầy Thích Diệu Tuyên cũng mong muốn mọi người biết đến Lễ hội Minh thề như một nét đẹp truyền thống, để lễ hội mang một ý nghĩa nhân văn.

Tuy nhiên, khi trao đổi về việc có thể mở rộng quy mô lễ hội, để các quan chức cùng thề khi về dự lễ hội, hoặc có thể tổ chức cho các quan chức trước khi nhậm chức hay không, một lãnh đạo huyện Kiến Thuỵ cho biết: Đây là lễ hội của làng thì để bà con trong làng thề, vì đó là truyền thống của địa phương!

Cơn khát làm quan

Cách nơi tổ chức lễ hội Minh thề không quá xa, chỉ chưa đầy 100km là lễ hội đền Trần - Nam Định. Nếu như lễ hội Minh thề nêu cao lá cờ nói không với nạn tham nhũng thì người ta nô nức đi đền Trần để mong xin được ấn cầu lợi, cầu làm “quan”.

Chủ tế Phạm Phú Oanh cầm dao bầu chuẩn bị vạch Đài thề.
Chủ tế Phạm Phú Oanh cầm dao bầu chuẩn bị vạch Đài thề.

Do số lượng ấn in không đáp ứng được nhu cầu, sau mỗi năm, số người đổ về đền Trần xin ấn càng đông. Đó là nguyên nhân dẫn đến việc chen lấn, giẫm đạp lên nhau để tranh ấn, cướp lộc. Theo các nhà văn hóa, việc lộn xộn ở đền Trần nhiều năm là minh chứng rõ ràng khát vọng thăng quan tiến chức, phản ánh một xu hướng xã hội là thói hãnh tiến, thích làm quan và muốn thăng quan. Thậm chí để có được điều ấy, ở lễ hội các năm trước người ta không ngại giẫm đạp lên nhau.

Ghi nhận của Lao Động, chiều 21.2 (tức 14 tháng giêng), hàng nghìn người dân đã đổ về đền Trần (P.Lộc Vượng, TP.Nam Định), về dâng hương, làm lễ với mong ước sẽ được thăng tiến, thành đạt trong sự nghiệp, hay học hành đỗ đạt, có công ăn việc làm ổn định.

Khắp các nẻo đường vào đền, dòng người ùn ùn kéo về. Trước khuôn viên đền Thiên Trường, người người chen nhau mang lễ vào bên trong cầu khấn; khi đó trong gian chính đền Thiên Trường, người dân đã đứng chật kín. Phía ngoài, loa của ban tổ chức liên tục đưa thông tin về lễ khai ấn, nhắc nhở việc đi lễ văn minh, gửi xe đúng nơi quy định, cẩn trọng bảo quản tài sản, tránh bị móc túi.

Theo ghi nhận của PV, nạn “chặt chém” đối với du khách bắt đầu diễn ra khá phổ biến, tính đến thời điểm chiều tối cùng ngày, giá vé gửi xe tại đền Trần lên đến 10.000 đồng/lượt đối với xe máy, 40.000-50.000 đồng đối với xe ôtô. Trên đoạn đường chỉ khoảng 100m nhưng cánh xe ôm om sòm tranh giành “chém” 20.000-30.000 đồng/lượt. Ngoài giá vé gửi xe cao hơn quy định, các dịch vụ khác cũng leo thang “ầm ầm” như: Dịch vụ đổi tiền lẻ (100.000 đồng chẵn đổi lấy 80.000 đồng tiền lẻ). Đặc biệt, các nhà nghỉ, khách sạn thi nhau đội giá lên gấp hai, gấp ba so với những ngày thường nhưng nhiều người vẫn đỏ mắt vì không tìm được phòng nghỉ, vì nhiều nhà nghỉ đã treo biển thông báo “hết phòng”.

Chủ nhà nghỉ Hoa Sữa (TP.Nam Định) cho biết: “Hiện nay tất cả nhà nghỉ, khách sạn trên địa bàn phường Lộc Vượng nếu không đặt trước thì không có phòng. Phòng nghỉ giường đơn với giá 700.000 đồng, còn giường đôi thì 1,2-1,5 triệu đồng/phòng.

Theo ông Nguyễn Xuân Hoạt - Trưởng ban quản lý Khu di tích lịch sử văn hóa đền Trần - riêng trong dịp đầu năm nay, có khoảng gần 80.000 người dân từ khắp nơi đổ về đi lễ đầu năm tại đền Trần - Nam Định. Trong đó, riêng đêm khai ấn (ngày 21.2, tức ngày 14 tháng giêng âm lịch) năm nay, do trùng vào ngày nghỉ nên sẽ có khoảng trên 10.000 người về dự.

Được biết để đảm bảo trật tự, Công an Nam Định đã triển khai gần 2.000 cảnh sát chia 5 vòng và 23 chốt bảo vệ.

Theo Nhóm PV
Lao động