Còn hơn 7.000 vụ lấn chiếm đất đai, Bình Định quyết không bao che
(Dân trí) - Bình Định vẫn còn hơn 7.000 trường hợp vi phạm về đất đai, xây dựng trái phép chưa xử lý. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tự Công Hoàng yêu cầu xử nghiêm, không dung túng, bao che.
TP Quy Nhơn: "điểm nóng" lấn chiếm
Ngày 8/6, UBND tỉnh Bình Định tổ chức hội nghị quán triệt về công tác quản lý trật tự đô thị, trật tự xây dựng; chống lấn, chiếm đất đai, xây dựng trái phép trên địa bàn tỉnh.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Tự Công Hoàng cho biết, về lấn chiếm đất đai, xây dựng trái phép, từ trước đến ngày 31/3, toàn tỉnh này phát hiện hơn 14.000 trường hợp vi phạm, đã xử lý gần 7.000 trường hợp, còn hơn 7.000 trường hợp chưa xử lý.
Địa phương để xảy ra nhiều sai phạm trên lĩnh vực đất đai nhất là TP Quy Nhơn với hơn 5.000 trường hợp, đã xử lý hơn 2.700 trường hợp, còn gần 2.400 trường hợp.
Theo ông Hoàng, có trường hợp vi phạm kéo dài nhiều năm, việc xử lý vi phạm của chính quyền địa phương chưa quyết liệt và hiệu quả.
"Việc vi phạm tồn tại nhiều năm chưa được kiểm tra, xử lý dứt điểm, gây bức xúc trong nhân dân nhưng UBND cấp huyện, xã chưa kiên quyết xử lý hoặc xử lý không triệt để", ông Hoàng nói.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho rằng, công chức cấp xã, phường chưa nắm vững quy định của pháp luật nên nhiều trường hợp xử lý không đúng, tạo kẽ hở để người dân hoàn thành công trình, khó khăn trong công tác cưỡng chế, tháo dỡ.
Trong khi đó, UBND cấp huyện, một số nơi chưa quyết liệt trong việc xử lý các công trình vi phạm. Thiếu kiên quyết trong công tác chỉ đạo kiểm tra, xử lý và chưa có giải pháp khả thi, hiệu quả để hạn chế hành vi vi phạm.
Lực lượng mỏng nhưng ôm nhiều việc
Ông Ngô Hoàng Nam, Chủ tịch UBND TP Quy Nhơn, thừa nhận tình trạng xây lấn, chiếm đất, xây dựng trái phép vẫn diễn ra phức tạp trên địa bàn thành phố.
Nguyên nhân do một số đơn vị, địa phương chưa thực hiện đầy đủ các ý kiến chỉ đạo của TP Quy Nhơn. Việc xử lý vi phạm thiếu kiên quyết, vẫn còn tình trạng nể nang, đùn đẩy trách nhiệm.
"Cần quán triệt lãnh đạo, chỉ đạo, trách nhiệm người đứng đầu; xử lý trách nhiệm, thi hành kỷ luật tổ chức, cá nhân có sai phạm, không hoàn thành nhiệm vụ được giao", ông Nam yêu cầu.
Trong khi đó, lãnh đạo huyện Phù Cát cho rằng, khó khăn trong xử lý tình trạng lấn, chiếm đất đai hiện nay là do lực lượng quản lý mỏng, trong khi công việc thì quá nhiều.
"Một cán bộ địa chính ở cấp xã không tài nào đi khắp xã để kiểm tra xử lý kịp thời. Hơn nữa, một số trường hợp có đối tượng đứng sau trợ giúp nên khi chuẩn bị cưỡng chế thì có đơn thư khiếu nại nên không thể thực hiện", vị lãnh đạo UBND huyện Phù Cát nói.
Để xử lý căn cơ tình trạng trên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Tự Công Hoàng yêu cầu xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định, thực hiện kiên quyết, kiên trì, không có vùng cấm, không dung túng, bao che cho bất kỳ trường hợp nào.
Phân công trách nhiệm rõ ràng, cụ thể, có giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý từ sớm, từ xa, xử lý ngay khi phát hiện vi phạm; gắn trách nhiệm người đứng đầu của các cơ quan, đơn vị, địa phương.
"Cần thay đổi nhận thức về công tác quản lý trật tự đô thị, trật tự xây dựng; chống lấn, chiếm đất đai, xây dựng trái phép", ông Hoàng nói.