1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Con gái người anh hùng Trường Sa nối nghiệp cha

Năm 2009, tốt nghiệp hệ cao đẳng Trường ĐH Quảng Bình, Trần Thị Thủy nằng nặc đòi vào Khánh Hòa: “Con muốn phục vụ ở Trường Sa”, Thủy thông báo với mẹ. Biết là không ngăn nổi đứa con gái bướng bỉnh, hay tư lự từ nhỏ, chị Mai Thị Hoa gạt nước mắt để con ra đi…

Anh hùng liệt sỹ Trần Văn Phương và vợ - bức ảnh chụp trước ngày anh hy sinh.

Anh hùng liệt sỹ Trần Văn Phương và vợ - bức ảnh chụp trước ngày anh hy sinh.
 
Khi Anh hùng Trần Văn Phương hy sinh để giữ cho lá cờ Tổ quốc tại khu vực đảo Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao thuộc quần đảo Trường Sa, Thủy còn nằm trong bụng mẹ. Ký ức về cha hiển hiện qua lời thổn thức đong đầy nước mắt của mẹ, qua những dòng hồi tưởng ngắt quãng, nấc nghẹn của bà nội khiến Thủy càng lúc càng nung nấu khát vọng về với biển, về với Trường Sa.

 

Nằm bẹp trong buồng vì say sóng, nghe tiếng loa phát thanh vọng ra từ ca bin chỉ huy tàu HQ 936: “Chúng ta đang đi qua khu vực đảo Gạc Ma, Cô Lin của Việt Nam”, Thủy vịn giường trở dậy. Gương mặt xanh xao hốc hác, cô lảo đảo bước ra boong. Biển và trời một màu ngăn ngắn, trải rộng dài đến mênh mông vô tận. Búi tóc sau đầu bị gió đánh xổ tung, lòa xòa trước mặt, Thủy vươn người, thả từng cánh hoa mỏng manh xuống biển, cô thầm thì giữa những giọt nước mắt lăn dài nơi khóe mi: Bố ơi, con thỏa nguyện rồi, con đã đến được nơi bố ra đi mãi mãi…

 

Hơn hai năm sau ngày cùng đoàn hải trình trên tàu HQ 936 ra Trường Sa (tháng 4/2010), ghé ngang khu vực đảo Gạc Ma thả hoa tưởng nhớ cha mình, Anh hùng liệt sỹ Trần Văn Phương, cuộc sống của Thủy hoàn toàn đổi khác. Cô ríu ran khoe đã sinh con, một bé gái xinh xẻo được đặt tên Navy, “nghĩa là Hải quân, cuộc đời em gắn liền với biển, gắn liền với người lính Hải quân”, Thủy cười, nụ cười ấm áp của thiếu phụ bắt đầu gây dựng được hạnh phúc riêng cho mình.

 

Năm 2009, tốt nghiệp hệ cao đẳng Trường Đại học Quảng Bình, Trần Thị Thủy nằng nặc đòi vào Khánh Hòa: “Con muốn phục vụ ở Trường Sa”, Thủy thông báo với mẹ. Biết là không ngăn nổi đứa con gái bướng bỉnh, hay tư lự từ nhỏ, chị Mai Thị Hoa gạt nước mắt để con ra đi. “Em luôn thấy mình rất gần với bố, giữa em và bố có một mối giao cảm thật đặc biệt. Mẹ em thường kể, ngày bé, mỗi khi có chuyện vui buồn gì em thường không chia sẻ với ai mà lẩn thẩn ra nghĩa trang liệt sỹ xã Quảng Phúc, tới mộ bố, ngồi trò chuyện với bố cả buổi”, Thủy nhớ lại.

 

Vào Nha Trang, Thủy tới Cam Ranh, đến ngay lữ đoàn 146 (vùng D Hải quân) gặp các chú các bác, những đồng đội của cha mình. Ông Võ Lâm Phi, Chủ tịch tỉnh Khánh Hòa khi ấy biết Thủy là con gái duy nhất của Anh hùng liệt sỹ Trần Văn Phương đã đề nghị các doanh nghiệp, các cơ quan trong tỉnh tạo điều kiện tối ưu cho Thủy, nếu cô có nhu cầu về công việc. Nhưng Thủy, trước sau như một, chỉ duy nhất nguyện vọng trở thành lính Hải quân giống cha, người cha mà cô chưa một lần gặp mặt.

 

Khi Thiếu úy Trần Văn Phương hy sinh để giữ cho lá cờ Tổ quốc vẫn kiêu hãnh tung bay giữa gió lộng trong cuộc chiến bảo vệ chủ quyền ngày 14/3/1988 tại khu vực đảo Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao thuộc quần đảo Trường Sa, Thủy còn nằm trong bụng mẹ. Ký ức về cha hiển hiện qua lời thổn thức đong đầy nước mắt của mẹ, qua những dòng hồi tưởng ngắt quãng, nấc nghẹn của bà nội khiến Thủy càng lúc càng nung nấu khát vọng về với biển, về với Trường Sa.

 

Thời gian đầu vào Cam Ranh, Thủy được giao làm cán bộ thống kê của Văn phòng Ủy ban nhân dân huyện Trường Sa. Công việc mới mẻ, lạ lẫm giúp cô thường xuyên đi biển, ra với quân dân huyện đảo Trường Sa và thực hiện trọn vẹn nguyện ước từ thời thơ bé: Tới tận nơi, tận mắt nhìn những con sóng nơi cha ngã xuống, những con sóng qua bao năm tháng đêm ngày, luôn mải miết ca bài ca bất tử về những người anh hùng đã ngã xuống giữa biển khơi.
 
Trần Thị Thủy và con gái 18 tháng tuổi, bé Navy
Trần Thị Thủy và con gái 18 tháng tuổi, bé Navy

 

24 tuổi, Thủy bảo cô luôn cảm thấy ấm lòng giữa cuộc đời, dù cô phải thiếu vắng cha ngay từ lúc mới tượng hình, dù suốt thời thiếu nữ và bây giờ, đã là người mẹ trẻ, cô luôn phải xa quê, họ hàng ruột thịt cũng cách ngăn đò ngang sông nước. Là người của Trường Sa, những chuyến ra đảo thành mối duyên tình kết nối đẩy đưa, giúp cô gặp được chàng lính Hải quân vững chãi lành hiền tên Nguyễn Hồ Hải. Đám cưới tổ chức năm 2010, cũng là thời điểm Thủy được nhận vào biên chế Hải quân, trở thành cán bộ bảo mật văn thư của Lữ đoàn 146 (Đoàn Trường Sa).

 

Đầu năm 2011, cô sinh bé Navy, “bé Mèo giống em ngày nhỏ, ít khi được gần bố. Anh Hải làm lính thông tin trên tàu, lênh đênh xa nhà quanh năm suốt tháng”, giọng Thủy buồn buồn, nhưng ánh mắt lại lấp lánh niềm vui. Cô sống cùng bố mẹ chồng, nhà cách đơn vị 15 cây số, ngày ngày đi đi về về để vừa được chăm con vừa chu toàn công việc: “Bố chồng em cũng làm lính Hải quân. Ông tâm lý lắm. Mẹ chồng làm vợ lính quen rồi, nên thông cảm cho chúng em nhiều. Bố về hưu rồi nên rảnh rỗi hơn, thường xuyên trông Navy hộ em”, Thủy khoe.

 

Vẫn chịu cảnh xa chồng ngay khi đất nước thái bình, Thủy chạnh lòng, thấy thương mẹ hơn bao giờ hết. “Bà nội bảo, bố mẹ em cưới nhau chưa đầy năm thì bố ra Trường Sa. Một thời gian ngắn sau ngày chia tay, mẹ nhận được tin bố hy sinh trong một trận đánh không cân sức bảo vệ đảo. Thời khắc ấy, Thủy mới vừa tượng hình trong bụng mẹ chưa được bao lâu. Mẹ con lần hồi bên nhau, gắng gượng vượt qua nỗi đau khôn tả. Thủy lớn lên, uống nước sông Gianh, tắm mát trên làn nước dịu ngọt của dòng sông lịch sử thời Trịnh Nguyễn phân tranh và ngày lại ngày, ôm ấp khát vọng về với biển.

 

Ở Cam Ranh, lúc thư thái hay có vướng bận day dứt gì đó trong lòng, cần dịu lại tâm hồn mình, Thủy chạy tới phòng truyền thống của Lữ đoàn 146. Ở đó, đặt trang trọng chân dung của cha Thủy cùng những đồng đội của ông, mà nhiều người trong số họ còn nằm lại mãi với biển khơi. Bất cứ lúc nào, ở bất cứ đâu, bố cũng là điểm tựa vô hình của Thủy. Sống sao để xứng đáng với bố, một người lính Hải quân hy sinh giữa trời biển Trường Sa là lời hứa Thủy tự gieo mắc trong lòng mình.

 

Vui với bổn phận làm vợ, làm mẹ Thủy đã tự thấy mình may mắn, ít nhất là may mắn hơn mẹ mình, vì có chồng, có con, có một gia đình ấm êm đủ đầy dù không phải lúc nào, tất cả các thành viên trong nếp nhà nhỏ ấy cũng được sum họp bên nhau. Nếu được mơ, giấc mơ của cô cũng lành hiền nhỏ nhoi: “Bây giờ, biên chế trong Quân đội, nhưng em mới là công nhân viên quốc phòng. Em chỉ đơn giản muốn thực sự được trở thành đồng đội của bố, là một người lính Hải quân đích thực như bố em”.

 

Theo Mi Sol

Công An Nhân Dân