1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

"Con đường trăm tỷ" xuống cấp: Bù nhựa lên là ổn cả?

( Dân trí) - Vừa đưa vào sử dụng đã xuống cấp, càng sửa càng hỏng, các chuyên gia đánh giá lỗi ngay từ khâu thi công phần nền, tuy nhiên, chủ đầu tư vẫn nói, đường chỉ hư hỏng cục bộ và chỉ cần bù nhựa lên là ổn.

Ngay sau khi báo điện tử Dân Trí đăng tải bài viết “Càng sửa chữa, “con đường trăm tỷ” càng xuống cấp” ông Thân Văn Trọng - TGĐ Công ty MTV hạ tầng Sông Đà - đơn vị được chủ đầu tư giao quản lý, khai thác đã liên hệ với PV để giải trình một số vấn đề báo nêu cũng như hướng khắc phục, sửa chữa trong thời gian tới.
 
"Con đường trăm tỷ" xuống cấp: Bù nhựa lên là ổn cả? - 1
Tổng giám đốc Thân Văn Trọng TGĐ Công ty MTV hạ tầng Sông Đà - đơn vị được chủ đầu tư giao quản lý, khai thác đường tránh TP Hà Tĩnh giải trình với PV Dân Trí
 
Đường nứt không phải do nền?

Thưa ông, các nhà chuyên môn khẳng định đường hư là do thi công nền không đảm bảo?

Nứt đường là không tránh khỏi, không có con đường nào mà không nứt. Sau khi báo đăng tôi đã đi một vòng kiểm tra. Tôi khẳng định nguyên nhân nứt không phải do nền đâu, vì nếu do nền thì mặt đường đã tạo nên ổ gà, phá hỏng kết cấu toàn bộ tuyến đường.
"Con đường trăm tỷ" xuống cấp: Bù nhựa lên là ổn cả? - 2
Tổng giám đốc Thân Văn Trọng cho rằng, sự nứt nẻ, bóc tách của thảm đường không liên quan đến nền đường

Ông cho rằng không phải do nền, vậy tại sao nhiều vị trí nhà thầu đã sửa chữa mặt thảm, nhưng hiện lại nứt nẻ, bóc tách?

Hư hỏng nhiều nhất chỉ có hai vai vị trí đầu và cuối tuyến, còn lại là cục bộ mà như tôi đi kiểm tra thì chỉ có 3 vị trí khoảng mấy mét vuông. Ở đây mức độ nứt nằm trong tỷ lệ cho phép.

“Bù nhựa xong là ổn cả!”

Theo các nhà chuyên môn phương án sửa chữa vá láng nứt mà hai nhà thầu là Công ty Sông Đà 25 (Thanh Hoá) và Công ty Sông Đà 27 (Hà Tĩnh) triển khai như hiện nay hoàn toàn không đảm bảo kỹ thuật cũng như chất lượng lâu dài?

Về xử lý phần mặt thì chỉ có cách duy nhất là bù nhựa lên mặt thảm mà thôi. Bù nhựa xong là ổn cả.
"Con đường trăm tỷ" xuống cấp: Bù nhựa lên là ổn cả? - 3
Cho rằng bù nhựa là ổn, nhưng sau khi bù nhựa thảm đường đã bị bóc tách
 
Ông nói bù nhựa lên là ổn, nhưng trên tuyến đường nhiều vị trí nhà thầu vừa khắc phục xong đã lại nứt nẻ, bóc tách. Như thế có ổn không?  

Giờ chỉ có cách đó thôi chứ không còn cách nào nữa. Chỉ có hai đầu cuối tuyến đó bóc tách thì chúng tôi đã cho đào lên, bóc hết toàn bộ rồi cho rải thảm. Còn trên toàn tuyến như tôi đã nói là bù nhựa lên mặt thảm.

Vậy, ông có đảm bảo sau khi khắc phục xong đường không tiếp tục hư hỏng nữa?.

Đợt này nhìn thì không được đẹp như ban đầu, nhưng nó sẽ chắc chắn hơn vì lớp thảm đã phủ dày hơn.
"Con đường trăm tỷ" xuống cấp: Bù nhựa lên là ổn cả? - 4
Điểm cuối nút giao của tuyến đường tránh địa phận xã Cẩm Vịnh, huyện cẩm Xuyên khiến chủ đầu tư đau đầu bởi dù đã được khắc phục nhiều lần vẫn xuống cấp
 
Được biết thời gian qua Bộ GTVT đã có ý kiến về chất lượng của tuyến đường tránh TP Hà Tĩnh. Ông có thể cho biết, Bộ đã có những ý kiến chỉ đạo như thế nào?
 
Một đoàn kiểm tra của Bộ đã vào thực tế kiểm tra trên toàn tuyến. Sau kiểm tra đoàn chỉ có ý kiến về hai đầu cuối tuyến và đôn đốc chúng tôi đẩy nhanh thời gian khắc phục sửa chữa thôi.

Ý kiến của bộ đẩy nhanh thời gian khắc phục, ông cũng từng ký công văn gửi báo Dân Trí cam kết sẽ sớm hoàn tất công việc sửa chữa. Thế nhưng, việc khắc phục đến nay vẫn chưa hoàn thành? 

Thời gian qua mưa nhiều nên các nhà thầu gặp nhiều khó khăn trong việc thi công. Nhưng tôi đảm bảo trong vòng 10 ngày tới chúng tôi sẽ khắc phục xong!

Xin cảm ơn ông!

Đề nghị Viện KHKT Cầu đường vào cuộc

Sau những nội dung trao đổi với ông Thân Văn Trọng, PV Dân Trí tiếp tục có cuộc trao đổi ngắn với Kỹ sư Thái Hữu Châu, nguyên Giám đốc Cty Cầu đường Hà Tĩnh. Kỹ sư Châu tái khẳng định, nguyên nhân khiến tuyến đường xuống cấp là do thi công phần nền không đảm bảo, dẫn đến mặt thảm hư hỏng, bóc tách.
Kỷ sư Châu đề nghị các cơ quan chức năng của tỉnh Hà Tĩnh phải mời Viện khoa học Kỷ thuật giao thông (Bộ GTVT) là đơn vị chuyên ngành vào đo đạc, tính toán để có câu trả lời chính xác nhất.

Văn Dũng (thực hiện)