Con đường ngập rau xanh, ai cũng có thể hái miễn phí mang về

Thảo Lê

(Dân trí) - Người dân ở thị trấn này chỉ cần bước ra đường, có thể thoải mái mang về nhà bất kỳ loại rau quả nào yêu thích mà không phải trả tiền.

Con đường ngập rau xanh, ai cũng có thể hái miễn phí mang về - 1
Trong một thập kỷ qua, xu hướng những khu vườn cộng đồng và trang trại thẳng đứng nở rộ khắp nơi, như một giải pháp ứng phó đầy tiềm năng trước những tác động của biến đổi khí hậu. Tại một thị trấn nhỏ ở Australia, người dân đã nảy ra ý tưởng biến đường đi thành một khu vườn mở cung cấp thực phẩm miễn phí cho tất cả mọi người, bao gồm nhiều loại trái cây, rau và thảo mộc.
Con đường ngập rau xanh, ai cũng có thể hái miễn phí mang về - 2
Dự án có tên Urban Food Street (tạm dịch: Con đường Thực phẩm Đô thị) được khởi động vào năm 2009 tại Buderim, vùng ven biển Sunshine, đông bắc Queensland.
Con đường ngập rau xanh, ai cũng có thể hái miễn phí mang về - 3
Khi ấy, một quả chanh có giá từ 1,5-2 AUD (25.000-35.000 đồng). Mức giá đắt đỏ khiến người dân nơi đây cảm thấy không hài lòng, trong đó có cặp vợ chồng Duncan McNaught và Caroline Kemp. Ông bà quyết định tự trồng lấy thực phẩm.
Con đường ngập rau xanh, ai cũng có thể hái miễn phí mang về - 4
Ban đầu, cả hai chỉ định trồng vài cây chanh trong vườn nhà để gia đình sử dụng. Nhưng sau đó, họ suy nghĩ lại và trồng ở hai bên đường, như vậy thì mọi người đều có thể hái tùy thích nếu cần.
Con đường ngập rau xanh, ai cũng có thể hái miễn phí mang về - 5
Ý tưởng này của ông bà McNaught cũng đã thu hút được những người khác nhiệt tình tham gia. Sau đó, số lượng thực phẩm được trồng hai bên đường càng lúc càng nhiều. Con đường ban đầu chỉ trồng chanh thì nay đã được mở rộng thành một khu vườn rộng lớn với 11 nhánh đường trồng đủ các loại rau củ quả, từ chuối, quất, lựu, thanh long, dâu rừng đến ớt chuông, cà chua, cải xoăn, khoai tây, bạc hà, cỏ xạ hương, húng tây…

Rau củ ở đây được trồng theo mùa và tất cả mọi người đều được hưởng thành quả, dù họ có tham gia vào việc trồng trọt hay không. Tuy vậy, mỗi người đều có cách cống hiến khác nhau. Thông thường, những gia đình nào không trực tiếp trồng cây thì sẽ đóng góp vật dụng, nước tưới hoặc làm mứt từ hoa quả thu hoạch được và chia sẻ với mọi người. Thậm chí, có những người không sống ở khu phố này cũng tìm đến bởi niềm vui trồng trọt.

Con đường ngập rau xanh, ai cũng có thể hái miễn phí mang về - 6
Dù ở Urban Food Street không thể tạo ra bánh mì và thịt, nhưng nó cung cấp nguồn rau tươi sạch sẵn có cho bữa ăn hàng ngày của cư dân.
Con đường ngập rau xanh, ai cũng có thể hái miễn phí mang về - 7
Ông Duncan McNaughty cho biết: "Một trong những vấn đề khi nấu cơm là bạn không thể mua được rau thơm sau 8 giờ tối. Bây giờ thì không cần nữa, chúng tôi chỉ việc đi ra đường, cần gì thì hái cái đó. Như vậy vừa đỡ phải lái xe ra chợ, giảm ô nhiễm, lại vừa có thể đi bộ rèn luyện sức khỏe, một mũi tên trúng hai đích."
Con đường ngập rau xanh, ai cũng có thể hái miễn phí mang về - 8

"Hầu như chiều nào trẻ con trong khu phố cũng đều ra ngoài đường đạp xe, đá bóng, chơi đùa rất vui. Còn người lớn thì cùng nhổ cỏ, xới đất, thu hoạch rau trái. Mọi người không còn chỉ vẫy tay chào khi gặp nhau trên đường như trước kia nữa. Giờ đây, họ sẽ dừng lại trò chuyện, chọn ngày gặp mặt, tình làng nghĩa xóm cũng khăng khít hơn. Cảm giác này giống như tất cả đều là người một nhà", bà Caroline Kemp chia sẻ.

Con đường ngập rau xanh, ai cũng có thể hái miễn phí mang về - 9
Là một kiến trúc sư, bà cho biết thành phố ngày càng phát triển mang lại cho con người rất nhiều tiện ích nhưng đồng thời cũng khiến chúng ta ngày càng xa cách với thiên nhiên. "Nhưng trên con đường rau củ của chúng tôi, mọi người chỉ cần bước ra ngoài là sẽ cảm nhận thấy thiên nhiên, tràn đầy cảm giác xanh tươi, hương thơm của trái cây, khung cảnh đẹp hơn cả công viên, lại còn hữu ích nữa. Ngoài ra, khí hậu ở đây khá nóng bức, cây cối đem lại nhiều bóng mát cho mọi người tập thể dục", bà nói.
Con đường ngập rau xanh, ai cũng có thể hái miễn phí mang về - 10