Con đường “khổ ải” của Hà Nội sẽ “hồi sinh” trước 30/4
(Dân trí) - Đoạn đường “khổ ải” dài khoảng 500m nối từ cầu Định Công đến khu đô thị Đại Kim (Hoàng Mai - Hà Nội) đã xuống cấp nhiều năm, gây bức xúc trong nhân dân, sẽ được “hồi sinh” trước ngày 30/4/2015.
Con đường "khổ ải" này sẽ được hoàn thiện mặt đường trước 30/4/2015
Chiều qua (23/3), tại trụ Sở GTVT Hà Nội đã diễn ra cuộc họp bàn về phương án nâng cấp, cải tạo đoạn đường trên. Tham dự cuộc họp có lãnh đạo Sở GTVT, đại diện Chủ đầu tư Dự án Khu đô thị Đại Kim, lãnh đạo phường Định Công, đại diện lãnh đạo phòng Quản lý Đô thị quận Hoàng Mai.
Tại buổi làm việc, ông Phạm Duy Cương – Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty Cổ phần Kinh doanh phát triển nhà và Đô thị Hà Nội (HANHUD) là chủ đầu tư Dự án khu đô thị Bắc Đại Kim mở rộng (11ha), bao gồm toàn bộ phần diện tích mặt đường hiện trạng đang xuống cấp nói trên - thẳng thắn nhận đây là trách nhiệm của đơn vị mình. Ông Cương cũng nêu 1 vài nguyên nhân gây sự xuống cấp của đoạn đường này; đồng thời giải thích vì sao phía công ty chậm thi công con đường.
Ông Cương (bìa trái) "hứa" sẽ hoàn thiện chất lượng mặt đường xuống cấp trước 30/4
Ông Cương cho biết, Công ty HANHUD là đơn vị được UBND thành phố Hà Nội giao đất để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đô thị Bắc Đại Kim, bao gồm toàn bộ phần diện tích mặt đường hiện trạng đang xuống cấp nói trên. Từ năm 1998 – 2002 Công ty HANHUD đã sử dụng tuyến đường này làm đường công vụ để thực hiện dự án khu đô thị Định Công – Đại Kim. Đến khi dự án hoàn thành, năm 2006 được sự nhất trí của UBND phường Định Công, Công ty HANHUD đã đầu cho rải thảm bê tông áp phan do mặt đường đã xuống cấp.
“Trước đây, con đường này chỉ là đường tạm dân sinh để nhân dân xã Đại Kim và xã Định Công đi lại. Nhưng bây giờ nó như là 1 tuyến đường chính, lưu lượng tham gia giao thông rất lớn. Mặt khác, bờ kè của con sông Lừ cao hơn mặt đường rất nhiều, cộng với việc ven đường bà con nhân dân đổ phế thải rất nhiều; vì vậy khi mưa xuống nước không có chỗ thoát dẫn đến đường xuống cấp rất nhanh. Hàng ngày, con đường này xe của 1 công ty xây dựng khác cũng thường xuyên “cày xới” nên nó mới hỏng nhanh đến như vậy” – ông Cương cho biết.
Cũng theo ông Cương, đoạn đường này đã nằm trong quy hoạch xây dựng của dự án, theo thiết kế chiều rộng 30m, bao gồm 15m lòng đường, vỉa hè mỗi bên rộng 7,5m; tổng chiều dài đoạn đường này là 615m. Tuy nhiên, do khâu giải phòng mặt bằng chưa xong nên con đường này mới “đắp chiếu” lâu đến như vậy. Do đó, lòng đường mà nhân dân và các phương tiện đang lưu thông hiện tại chính là diện tích của vỉa hè nằm trong thiết kế.
Ông Nguyễn Thăng Long (đứng) - Phó Chủ tịch UBND phường Định Công đang trình bày những bức xúc của nhân dân...
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Nguyễn Thăng Long – Phó Chủ tịch UBND phường Định Công - cho rằng, phía công ty HANHUD đưa ra lý do “mắc” ở khâu giải phóng mặt bằng là chưa thực sự thuyết phục bởi tất cả các phương án giải phóng mặt bằng đều được đi đến thống nhất và đã phê duyệt. Tuy nhiên, phía công ty HANHUD thiếu tiền nên không giải ngân được, do đó con đường này mới chưa được triển khai.
Ý kiến của ông Long khiến ông Phạm Duy Cương đã phải thừa nhận. Ông Cương nói: “Công ty chúng tôi nhận thi công hạ tầng, sau đó còn 9 nhà đầu tư khác vào làm những hạng mục tiếp theo của dự án. Nhưng do tình hình bất động sản thời gian qua rất trầm lắng, do vậy 9 nhà đầu tư kia có phần giãn ra. Vì vậy, chúng tôi không thu hút được nguồn vốn, do đó đã thiếu tiền để thi giải phóng mặt bằng và thi công con đường”.
Sau khi nghe các bên liên quan phát biểu, ông Vũ Văn Viện – Giám đốc Sở GTVT Hà Nội - nêu quan điểm: “Về nguyên tắc, theo luật đã qui định. Bất cứ đường tạm, hay đường chính. Đã cho nhân dân đi lại mà nếu xảy ra sự cố gì, họ có quyền kiện đơn vị quản lý đoạn đường đó. Do đó, chịu trách nhiệm chính về việc này chính là chủ đầu tư dự án, công ty HANHUD. Nếu thấy không an toàn mà chưa có tiền thi công, có thể xin ý kiến thành phố rào con đường này lại. Nếu cho nhân dân đi lại, chủ đầu tư phải có trách nhiệm cải tạo, nâng cấp con đường này để nhân dân đi lại được đảm bảo. Hoặc nếu không có khả năng thi công do thiếu vốn, chủ đầu tư có thể trình lên thành phố xin ý kiến để có phương án, chứ không để nhân dân đi lại mãi trên con đường xuống cấp ngay giữa Thủ đô như vậy”.
Kết thúc buổi làm việc, ông Phạm Duy Cương đã đưa ra lời “hứa” trước mắt sẽ cải tạo, nâng cấp mặt đường, hoàn thiện trước ngày 30/4/2015. Đồng thời, ông Cương cũng đưa ra những kiến nghị: Sở GTVT Hà Nội cho cắm biển hạn chế tải trọng xe quá tải lưu thông, Sở Xây dựng Hà Nội hoàn thiện hệ thống thoát nước để tránh đọng nước ảnh hưởng đến kết cấu của mặt đường, chính quyền sở tại tuyên truyền nhân dân khu vực không được đổ phế thải ven đường.
Tất cả những kiến nghị này của Công ty HANHUD đều được các đơn vị trên chấp thuận.
Tuy nhiên, về lâu dài, ông Vũ Văn Viện cũng đề nghị Công ty HANHUD khẩn trương huy động các nguồn vốn khác nhau để đẩy nhanh quy hoạch tổng thể hạ tầng của toàn dự án, trong đó có đoạn đường “khổ ải” nói trên.
Nguyễn Dương