1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Cồn Cỏ - “nàng tiên cá” ngủ giữa đại dương

(Dân trí) - Những năm tháng chống Mỹ, Cồn Cỏ là hòn đảo anh hùng địa đầu tuyến lửa Vĩnh Linh, Quảng Trị, nơi huyền thoại về sự sống và cái chết mãi là bản trường ca bất hủ. Chiến tranh đi qua, Cồn Cỏ dần lành những vết thương, muốn lột xác thành một “nàng tiên cá”…

Cồn Cỏ nghèo!

 

Cách đây 6 năm, những thanh niên xung phong đầy nhiệt huyết tuổi trẻ của Tổng đội thanh niên xung phong Quảng Trị đã vượt biển ra Cồn Cỏ dựng lên ngôi làng thanh niên đầu tiên trên đảo. Nhưng thực tại khắc nghiệt đã khiến không ít người phải quay về.

 

Đến giờ, làng thanh niên chỉ còn chục hộ gia đình với hơn 30 nhân khẩu. Nam giới đi biển, thu lượm phế liệu trôi dạt mỗi đợt gió mùa hoặc làm phụ hồ cho những công trình của huyện đảo. Chị em phụ nữ ở nhà bán buôn. Người mua chủ yếu là bà con anh em trong làng và cán bộ chiến sĩ.

 

Thỉnh thoảng đến đợt gió mùa, tàu bè trên biển lại tấp vào âu để tránh gió. Lúc đó, đảo vốn vắng lặng bỗng nhiên rộn rã tiếng người. Nhưng kinh tế của đảo cũng không nhờ thế mà khá hơn. Bà con đi biển bất dắc dĩ mới phải vào đảo tránh gió mùa. Có tàu khi vào đến đảo đã hỏng hết cá, phải đi xin từ gói mì tôm. Bà con trên đảo dù nghèo cũng không đành lòng làm ngơ.

 

Anh Chỉ, Phó Công an huyện, thổ lộ: “Chục hộ gia đình trong Làng Thanh niên coi nhau như anh em. Không có trộm cắp, không có tệ nạn xã hội. Thỉnh thoảng có khách khứa tới thăm thì uống vài chai bia rồi ngồi kể chuyện đảo, chuyện đất liền”.

 

Đảo Cồn Cỏ không xa, cách Cảng Cửa Tùng 15 hải lý, Cửa Việt 17 hải lý. Nhưng hiếm khi có tàu thuyền ra đảo. Thanh niên trên đảo đôi lúc muốn về thăm nhà cũng chịu vì không thể thuê riêng một thuyền để đi được. Ở Ủy ban huyện có 4 con chó nhỏ, con nào cũng mang tên người. Thì ra mọi người trên đảo lấy tên người thân để đặt cho mấy chú chó, lúc gọi lên cũng bớt nguôi ngoai nỗi nhớ phần nào…  

 

“Nàng tiên cá” ngủ giữa đại dương

 

Gần như là hải đảo duy nhất có hệ sinh thái đa dạng lại không quá xa bờ, Cồn Cỏ hoàn toàn có thể biến mình thành “nàng tiên cá” giữa biển Đông. Ở đây nước biển ấm quanh năm với những bãi cát đẹp trải dài. Rừng trên đảo cũng là hệ sinh thái khá hiếm của đảo núi lửa Việt Nam. Ở đây còn để lại nhiều chứng tích chiến tranh của một thời chống Mỹ hào hùng như khu địa đạo vòng quanh đảo, hệ thống lô cốt dọc bờ biển, các khu nhà pháo…

 

Cả UBND huyện chỉ có một chiếc U-oát cà tàng và mấy chiếc xe máy cũ. Huyện đảo còn quá nghèo so với tiềm lực vốn có của mình. Ông Phạm Thanh Bình, Phó Bí thư huyện uỷ cho biết huyện đã có nhiều chính sách ưu đãi cho người dân trên đảo cũng như xây dựng thêm nhiều công trình, cơ sở vật chất để thu hút nhân lực, vật lực về Cồn Cỏ. Tuy nhiên, Cồn Cỏ còn nhiều khó khăn so với các đảo khác nên mức trợ cấp 50 triệu đồng cho một người dân ra đảo lập nghiệp là chưa thoả đáng. Hiện huyện đang cố gắng để xin mức trợ cấp lên 150 triệu đồng. Có đầu tư như vậy mới phát triển Cồn Cỏ lớn mạnh, xứng với tiềm năng du lịch vốn có của mình.

 

Ngồi ở quán cà phê Đảo Xanh ngắm hoàng hôn dần buông trên biển Đông rộng lớn, một vị trí mà nếu ở thành phố không biết ly cà phê sẽ có giá mấy trăm ngàn, chúng tôi mang câu hỏi tại sao các ghế đá ở đây đều chỉ mang tên các cựu chiến binh Cồn Cỏ chứ không có một ai khác thì nhận được nụ cười buồn từ anh Hưng, trưởng phòng Đài phát thanh huyện.

 

Anh Hưng tâm sự rằng hình như không mấy ai nhớ đến Cồn Cỏ nếu chưa từng đặt chân đến nơi này. Chiến tranh đã qua đi từ lâu. Người chiến sĩ hy sinh cuối cùng ở đây mà chúng tôi tìm được trên đài tưởng niệm liệt sĩ là từ năm 1972. Như vậy đã gần 40 năm máu không còn đổ trên mảnh đất này nhưng Cồn Cỏ vẫn chỉ mới có 10 hộ gia đình. Đó là nỗi trăn trở day dứt to lớn đối với một huyện đảo không chỉ có lợi thế khai thác tài nguyên biển mà còn có thế mạnh về du lịch lịch sử - nghỉ dưỡng sinh thái, du lịch lặn biển...

 

PGS.TS Võ Văn Phú, trưởng bộ môn Động vật - sinh thái, khoa Sinh học trường ĐHKH Huế, đã chỉ ra các mặt tồn tại về tự nhiên ở Cồn Cỏ là rác thải và nguồn nước ngọt. Đây là 2 vấn đề lớn cần có phương hướng và biện pháp giải quyết nếu muốn đầu tư phát triển du lịch sinh thái. Tuy nhiên ở đây lại có lợi thế là không có thú ăn thịt. Vì vậy có thể đưa các giống thú quý hiếm đến để góp phần tăng nguồn đa dạng sinh học, phát triển du lịch ở đảo này.

 

Ngày 17/4/2008, trường Mầm non Hoa Phong Ba được thành lập, nằm hiên ngang nhìn ra biển Đông rộng lớn. Ngắm nhìn những bông “hoa phong ba” trẻ thơ nhưng đã đượm mùi biển cả, chúng tôi chợt nghĩ đến loài phong ba luôn vững vàng trước sóng gió, chở che Cồn Cỏ.

 

Lê Quang Minh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm