1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Quảng Trị:

Cồn Cỏ - đảo “thép” giữa trùng khơi!

(Dân trí) - Trải qua sự tàn phá ác liệt của chiến tranh, đảo Cồn Cỏ nay được khoác lên mình “tấm áo mới” với bao sự đổi thay kỳ diệu. Ngày qua ngày, quân và dân trên đảo đang vun đắp, xây dựng đảo, góp phần tạo nên sức sống mãnh liệt giữa trùng khơi.

Đảo Cồn Cỏ nằm ở phía Đông của huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị), cắt ngang vĩ tuyến 17, cách đất liền khoảng 25km. Do nằm ở vị trí trọng yếu nên đảo Cồn Cỏ được xem là vọng gác tiền tiêu, là “mắt thần” của đất liền.

Vươn mình trong bão tố…

Sau nhiều cuộc hẹn bất thành, chúng tôi mới có cơ hội thực hiện ước mơ được một lần đặt chân đến đảo Cồn Cỏ - hòn đảo tiền tiêu của Tổ quốc để chứng kiến và ghi nhận sự đổi thay của mảnh đất và con người trên đảo.

Đúng kế hoạch, 8h30 sáng, chúng tôi mang theo tư trang, hành lý và có mặt tại cảng cá Cửa Tùng, huyện Vĩnh Linh. Chừng 30 phút sau, chiếc thuyền đánh cá chở đoàn chúng tôi tiến ra đảo Cồn Cỏ.

Hòn đảo tuyệt đẹp giữa biển khơi
Hòn đảo tuyệt đẹp giữa biển khơi

Sau hơn một giờ đi trên biển, chúng tôi cũng đã đặt chân lên đảo an toàn. Giữa biển cả mênh mông, đảo Cồn Cỏ hiện lên với đầy đủ các gam màu. Bên cạnh màu xanh của cây rừng là những tòa nhà công vụ, những công trình dân sinh, kể cả những máy móc, thiết bị được đưa ra từ đất liền để phục vụ công cuộc kiến thiết, xây dựng đảo.

Một góc Cồn Cỏ, nhìn từ phía trên với hệ thống nhà công vụ nằm sát biển cùng với màu xanh của rừng
Một góc Cồn Cỏ, nhìn từ phía trên với hệ thống nhà công vụ nằm sát biển cùng với màu xanh của rừng

Trước mắt chúng tôi là trường mầm non Phong Ba, nơi học tập của con em cư dân sống trên đảo. Dù trong điều kiện cách trở với đất liền và còn đó nhiều khó khăn nhưng những đứa trẻ được sinh ra trong môi trường này cũng trở nên rắn rỏi lạ thường. Rồi đây, khi lớn lên các em sẽ mang theo bao khát vọng về một cuộc sống mới, xây dựng hòn đảo này tươi đẹp hơn. Cồn Cỏ là huyện đảo trẻ nhất nước, và con người ở đây cũng vậy, thật trẻ trung và căng đầy nhựa sống.

Một góc Cồn Cỏ, nhìn từ phía trên với hệ thống nhà công vụ nằm sát biển cùng với màu xanh của rừng
Có lẽ, ngôi trường được lấy tên Phong Ba như một niềm hy vọng các em lớn lên cũng sẽ vừng sàng ý chí, can trường như cây Phong Ba trước mưa gió, bão bùng

Điều đặc biệt, tên của ngôi trường cũng trùng với tên một loại cây rất đặc trưng của hòn đảo thân yêu này – cây Phong Ba. Loài cây này thường mọc ven biển, tạo nên một rặng dài bao quanh lấy hòn đảo. Qua nhiều đợt bão tố, khí hậu khắc nghiệt đi chăng nữa nhưng loài cây này vẫn vươn mình trong nắng gió, bão bùng, tượng trưng cho sự can trường của người dân trên đảo. Khác với những gì chúng tôi từng nghĩ, vẻ hoang sơ của đảo Cồn Cỏ đang dần biến mất và thay vào đó là sự hồi sinh mạnh mẽ của cảnh vật và con người, góp phần tạo nên sức sống mãnh liệt giữa biển khơi.

Đảo anh hùng trong chiến tranh

Theo một số tài liệu lịch sử ghi lại, sau Hiệp định Giơnevơ (1954), đảo Cồn Cỏ vẫn chưa có sự hiện diện của con người. Nhận biết được vị trí đặc biệt quan trọng của hòn đảo, năm 1959, Tư lệnh và Chính ủy E270 thuộc đặc khu Vĩnh Linh lệnh cho một trung đội pháo 127 ly của Trung đoàn 270 quân đội nhân dân Việt Nam do Thiếu úy Dương Đức Thiện chỉ huy vượt sóng gió tiến ra đảo. Đúng 11 giờ ngày 8/8/1959, lá cờ đỏ sao vàng được cắm lên đảo, khẳng định chủ quyền bất khả xâm phạm của Việt Nam trên đảo.

Một góc Cồn Cỏ, nhìn từ phía trên với hệ thống nhà công vụ nằm sát biển cùng với màu xanh của rừng
Hệ thống giao thông hào, lô cốt bao quanh đảo là những vết tích của cuộc chiến anh dũng ngày xưa còn sót lại

Suốt những năm kháng chiến chống Mỹ, đảo Cồn Cỏ là nơi trung chuyển người, lương thực, vũ khí vào chiến trường miền Nam. Đặc biệt, trong 4 năm từ 1964 đến 1968, quân và dân Vĩnh Linh đã có hơn 4.000 lần chuyến thuyền tiếp tế hơn 2.500 tấn hàng hóa, vũ khí cho đảo. Để ngăn chặn và cắt đứt tuyến đường chi viện của ta, Mỹ - Ngụy đã nhiều lần cho quân đổ bộ, vây ráp, ném bom đánh phá rất ác liệt. Tuy nhiên, bằng niềm tin và ý chí bảo vệ toàn vẹn chủ quyền biển đảo, quân và dân ta đã anh dũng chiến đấu, đập tan mọi âm mưu của kẻ thù.

Trạm khí tượng đảo Cồn Cỏ
Trạm khí tượng đảo Cồn Cỏ

Trong quá trình "tiếp máu" cho đảo Cồn Cỏ, hàng chục cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh cùng hàng trăm quân, dân Vĩnh Linh vĩnh viễn nằm lại với biển khơi. Vượt lên gian khổ, hy sinh, cán bộ, chiến sĩ đảo Cồn Cỏ vẫn vững vàng trên tuyến đầu, viết lên những câu chuyện huyền thoại…

Đài tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ trên đảo Cồn Cỏ
Đài tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ trên đảo Cồn Cỏ

Trải qua 1.500 ngày đêm đối mặt với kẻ thù, chiến đấu gần 1.000 trận lớn nhỏ, Cồn Cỏ anh hùng đã bắn rơi 48 máy bay Mỹ, bắn chìm 17 tàu chiến và hải thuyền của địch. Gần 200 đồng bào, chiến sĩ đã anh dũng chiến đấu hy sinh để dựng nên một tượng đài Cồn Cỏ anh hùng mãi mãi đi vào lịch sử của dân tộc.

Với những thành tích đã đạt được, đảo Cồn Cỏ 2 lần vinh dự được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân: Lần đầu vào ngày 1/1/1967, và lần thứ hai vào ngày 25/8/1970.

“Viên ngọc quý” đang được đánh thức

Năm 2002, mô hình xây dựng đảo Cồn Cỏ thành “Đảo Thanh niên” được hình thành. Theo đó, 43 thanh niên của Tổng đội TNXP Quảng Trị đã tình nguyện ra xây dựng đảo. Từ đây đảo đã có những cư dân dân sự đầu tiên đến định cư, mở ra một hướng mới trong việc xây dựng và phát triển kinh tế, xã hội trên Cồn Cỏ, góp phần củng cố quốc phòng an ninh.

Ngày 1/10/2004, Thủ tướng Chính phủ ra Nghị định 174/2004/NĐ-CP về việc thành lập huyện đảo Cồn Cỏ, với mục tiêu xây dựng phát triển đảo Cồn Cỏ thành “Huyện đảo Du lịch”. Cũng từ đây, đảo Cồn Cỏ đã chuyển từ đảo quân sự sang đảo dân sự.

Hiện một số công trình trọng yếu trên đảo đang được gấp rút thi công để sớm đưa vào sử dụng như: Kè chống xói lở bờ biển với mục tiêu phát triển kinh tế và bảo đảm quốc phòng an ninh; Dự án cảng cá và khu dịch vụ, doanh trại quân đội…đang dần hoàn thiện để đưa vào sử dụng trong năm 2013. Và, mới đây là công trình trường mầm non, tiểu học Phong Ba vừa được khởi công với số vốn đầu tư là 5 tỷ đồng, sẽ đáp ứng được nguyện vọng của người dân và công việc học tập của con em trên đảo.

Đơn vị thi công đang tiến hành xây dựng hệ thống kè trên đảo
Đơn vị thi công đang tiến hành xây dựng hệ thống kè trên đảo

Bên cạnh đó, công tác quốc phòng, an ninh trên huyện đảo luôn được giữ vững và tăng cường. Lực lượng vũ trang quân sự trên đảo luôn xác định nhiệm vụ bảo đảm an ninh quốc phòng, giữ vững chủ quyền biển đảo là nhiệm vụ trọng tâm, thiêng liêng. Hiện nay, trên đảo có 11 hộ gia đình với 38 nhân khẩu đang sinh sống. Hầu hết các gia đình đều có cuộc sống ổn định và luôn nêu cao tinh thần quyết tâm bám đảo.

Đơn vị thi công đang tiến hành xây dựng hệ thống kè trên đảo
Những bạn trẻ này đã sớm thích nghi với cuộc sống và trở nên yêu mến, xem đảo là nhà, biển cả là quê hương 

Qua thời gian dài xây dựng, Cồn Cỏ vẫn giữ được màu xanh nguyên vẹn của những cánh rừng, vẻ đẹp hoang sơn và đa dạng sinh học biển đảo. Đảo Cồn Cỏ có tiềm năng phát triển du lịch sinh thái rất lớn, là nơi hội tụ của nhiều hệ sinh thái điển hình vùng biển nhiệt đới, trong đó có hệ sinh thái rạn san hô, là khu vực tập trung các bãi đẻ của nhiều loài hải sản quý, có giá trị kinh tế cao và đặc hữu. Hệ sinh thái rừng nhiệt đới trên đảo thuộc vào dạng quý hiếm với gần 80% diện tích trên đảo là rừng.

Tàu cá của ngư dân ra khơi đánh bắt và luôn có sự hiển diện của tàu tuần tiểu để đảm bảo an toàn
Tàu cá của ngư dân ra khơi đánh bắt và luôn có sự hiển diện của tàu tuần tiểu để đảm bảo an toàn

Đến thăm đảo Cồn Cỏ, du khách sẽ có dịp chiêm ngưỡng những vẻ đẹp hoang sơ của rừng già. Hệ thống rừng ở đảo Cồn Cỏ với nhiều loại cây đã sống lâu năm, xen giữa rừng là rất nhiều chuối rừng và nhiều loại cây dây leo khác, trong đó có một số là cây dược liệu, tạo nên một sự phong phú đa dạng về hệ sinh thái. Dọc bờ biển là những hàng cây phong ba, vươn mình trong sóng gió.

Được biết đảo Cồn Cỏ đã và đang trong quá trình quy hoạch xây dựng để phát triển thành khu du lịch sinh thái cộng đồng theo hướng chú trọng giữ gìn vẻ hoang sơ của hòn đảo. Nếu được đầu tư phát triển thì “viên ngọc xanh” đầy tiềm năng này sẽ là điểm đến của nhiều khách du lịch trong và ngoài nước.

Đăng Đức