1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

“Cơm là phải đưa vào trong nhà”

(Dân trí) - “Tôi không đồng ý thuật ngữ “cơm bụi” vì cơm thì không thể “bụi” được. Theo tôi, cơm là phải đưa vào trong nhà...”, GS Nguyễn Lân Dũng hài hước nói về vấn đề vệ sinh thực phẩm trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay.

Tại phiên chất vấn của Quốc hội kỳ họp cuối năm trước, ông đã chất rất nhiều vấn đề dịch bệnh với Bộ trưởng Bộ Y tế và việc cảnh báo nguy cơ tái phát cũng đã được đề cập rất nhiều, nhưng thực tế, bệnh vẫn tái phát và đang lan rộng?

Tôi thấy vấn đề tuyên truyền phổ biến của chúng ta chưa được sâu rộng. Ví dụ lợn tai xanh ở Thanh Hoá như thế, nhưng nem chua vẫn chủ yếu từ Thanh Hoá sản xuất. Nem là thịt lợn sống mà đã chôn lợn lại sản xuất nem thì tôi không hiểu! Nem chua từ Thanh Hoá vẫn ra khắp nơi.

Rất đau lòng khi sức khoẻ không được bảo vệ và đây không phải là vấn đề tiền nong mà là vấn đề tuyên truyền cho mọi người ăn sạch, ở sạch. Không thể để thức ăn bẩn và để không có thức ăn bẩn thì tôi kiến nghị không có khái niệm cửa hàng ăn ở trên vỉa hè.

Tỉ lệ bệnh nhân nhiễm khuẩn tả đã rất lớn, theo ông, đã đến thời điểm Bộ Y tế công bố dịch hay chưa?

Vi khuẩn tả đã xuất hiện, nhưng mới lác đác một số nơi có người nhiễm bệnh, như thành phố Hồ Chí Minh mới có 1 người nhiễm bệnh, thế thì chưa thành dịch. Nhưng phải nói thẳng rằng đó là vi khuẩn tả để có biện pháp hết sức khẩn trương giáo dục cho mọi người. Vi khuẩn tả là vi khuẩn chết rất dễ ở 70 độ C, cho nên nếu bạn biết giữ cho mình, không ăn uống thứ gì sống thì không thể bị nhiễm bệnh được.

Phải nói rõ cho mọi người biết bệnh tả rất nguy hiểm, nguy hiểm không phải vì độc tính, vi khuẩn tả không có độc tính mạnh, nhưng nó gây mất nước, chết vì mất nước. Nếu biết như thế thì mới cứu được mọi người. Chỉ cần uống nước chứ chưa cần phải truyền nước để tránh mất nước là đã có thể cứu sống người nhiễm vi khuẩn tả trong khi chờ đợi diệt vi khuẩn.

Đồng thời phải hết sức nghiêm chỉnh trong vệ sinh đường phố. Tôi không đồng ý thuật ngữ “cơm bụi” vì cơm thì không thể “bụi” được. Theo tôi, cơm là phải đưa vào trong nhà, nấu chín, bát đũa phải tráng nước sôi. Không thể bán cơm ở ngoài đường được và cũng không có nước nào bán cơm ở ngoài đường cả.

Hiện nay các quán ở ngoài đường, người ta có một thùng nước rửa, bẩn vô cùng, nhưng mình ăn mình không nhìn thấy. Người nghèo không thể vào khách sạn được, nhưng giờ phải biến những thức ăn ngoài đường vào trong nhà thôi, cửa hàng ăn phải ở trong nhà, cũng bán giá bình dân thôi. Không thể chấp nhận cửa hàng ăn ở ngoài vỉa hè vừa cản trở giao thông, vừa mất vệ sinh.

Dường như chúng ta có sự lúng túng trong việc kiểm soát nguồn lây của khuẩn tả vì trước đây chúng ta kết luận thủ phạm là mắm tôm, giờ lại nói khác hơn?

Nguồn lây thì dễ hiểu thôi. Vi khuẩn tả chủ yếu lây qua ruồi, thức ăn rồi mùn phân - nếu vệ sinh không tốt, phân bị tả xuống nước, nước lây lan ra cái khác. Nếu tưới rau bằng nước bẩn thì rất nguy hiểm, cho nên phải tạm thời phải ngừng ăn rau sống. Cùng đó, ngừng ăn tất cả những thứ gì chưa qua nấu chín vì vi khuẩn tả chết rất nhanh ở nhiệt độ chỉ 700 do nó không có bao tử. Trước khi ăn mỗi người hãy xem thức ăn đã nấu chín chưa, có ruồi bâu không.

Còn mắm tôm không phải là nguồn vi khuẩn nhưng mắm tôm hay ăn với món rau sống và mắm tôm khi đã pha loãng thì vi khuẩn tả có thể sống. Còn chôn mắm tôm là một quyết định phản khoa học và tôi phản đối, vì với nồng độ muối như mắm tôm thì vi khuẩn tả không thể có được. Tuy nhiên, thức ăn gì để ruồi bâu đều không được ăn.

Nhiều người cho rằng, nguyên nhân sâu xa của việc chúng ta bị dịch nọ, dịch kia là vì y tế dự phòng, y tế cộng đồng chưa được chú ý đúng mức. Ông có thấy như vậy không?

Tôi cũng không hiểu việc sử dụng vắc xin hiện nay ra sao, nhưng trước tình hình đang lan rộng này biện pháp vắc xin hoá phải hết sức khẩn trương để phòng bệnh. Phòng bệnh hơn chữa bệnh và chữa bệnh thì phải giải thích cho dân, bệnh này chết chủ yếu là do mất nước, phải phổ biến mọi người dùng nước có thêm chất điều hoà.

Ông có cho rằng, có sự chậm chạp nào đó của ngành Y tế trong việc tuyên truyền hay đối phó với dịch?

Tôi chỉ mong muốn việc phổ biến phải rộng rãi hơn và nên tận dụng các đoàn thể quần chúng. Chúng ta hãy vận động đoàn thể phụ nữ, hội cựu chiến binh, người cao tuổi... phổ biến cho mọi người ăn sạch.

Tôi thấy chung quanh tôi mọi người “thoải mái” lắm. Họ ngồi ngoài đường ăn rất vui vẻ, không sợ gì cả, trong khi thực tế rất dễ bị bệnh. Phải ý thức, nước bẩn, ruồi, thức ăn không đun chính là những nguồn truyền bệnh chính, hết sức nguy hiểm.

Về dịch bệnh tai xanh ở lợn, ông nói việc tiêu huỷ lợn bệnh theo cách chôn xuống đất là phương pháp sai?

Tôi không dám nói là sai, nhưng tôi e ngại vì như vậy mầm bệnh lại xuống đất rồi xuống mạch nước ngầm thì sao. Một khối lượng protein lớn như vậy mà thối rữa trong đất thì rất kinh khủng và vi sinh vật có thể sinh sôi nảy nở.

Tôi nghĩ chỉ cần một thùng nước thật to luộc lợn lên, mầm bệnh chết, có thể dùng làm gì đó, ví dụ làm thức ăn gia súc, phân bón. Biết bao nhiêu tấn lợn phải thiêu hủy và nhà nước phải hỗ trợ 25 ngàn một cân hơi, trong khi đang chống lạm phát... Tôi không dám khẳng định, tôi chỉ gợi ý như thế để các nhà chuyên môn thảo luận và quyết định.

Nếu không sử dụng được thì có lẽ cũng phải làm thế nào đó diệt vi sinh vật đi rồi mới chôn. Chôn như chúng ta đang làm, nếu không đủ thuốc sát trùng sẽ rất nguy hiểm.

Xin cảm ơn ông!

Cấn Cường