1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Cối xay lúa khổng lồ

Với mong muốn được ghi tên trong danh sách Những kỷ lục Guiness Việt Nam, người dân trong giáo xứ Quần Lạc thuộc giáo phận Bùi Chu (Nghĩa Hưng, Nam Định) đang thực hiện ý tưởng độc đáo: Làm một chiếc cối xay lúa khổng lồ.

Chiếc cối xay lúa được phát triển dựa theo mô hình của chiếc cối xay lúa truyền thống, gồm một thớt trên và một thớt dưới (theo cách gọi dân dã), được nối bởi một trục lõi sắt ở giữa. Phần thớt trên có một tràng xay (hay còn gọi là tay quay) được lắp ở một bên tai cối.

 

Để tạo ra chiếc cối khổng lồ này, một khối lượng nguyên liệu rất lớn đã được huy động, chủ yếu là luồng và tre, nứa. Nếu một chiếc cối bình thường có đường kính ở mỗi vòng thớt là 60cm, thì chiếc cối khổng lồ này có đường kính là 3m.

 

Người ta đã phải sử dụng hơn 600 cây luồng chẻ làm dăm đóng bên trong của 2 vòng thớt và gần 1.000 cây tre, nứa dùng làm đai bao quanh phía ngoài. Ngoài ra, cần phải dùng 2 phiến gỗ lim lớn, mỗi phiến dài 7m làm chân đế.

 

Theo dự tính, nếu ghép hai vòng thớt lại, chiếc cối hoàn chỉnh sẽ có chiều cao là 3m, bao gồm cả phần chân đế, gấp gần 4 lần chiều cao của chiếc cối bình thường (khoảng 80cm).

 

Do vòng cối khổng lồ như vậy, phần tai cối cũng phải làm bằng gỗ lim thay cho loại gỗ xoan thường dùng cùng với một cây luồng khoảng 7m làm tràng xay.

 

Với trọng lượng ước tính gần 10 tấn, chiếc cối xay lúa khổng lồ này có thể chứa được hơn một tấn thóc, gấp 100 lần sức chứa của chiếc cối xay thông thường (từ 10 đến 12 kg thóc/1 lần xay).

 

Bắt đầu khởi công đóng cối từ sau Tết Nguyên đán, suốt 2 tháng qua, với sự góp sức của bà con giáo dân, 20 nhân công chính đã đóng xong vòng thớt phía dưới và hạ xuống chân đế. Phần thớt phía trên cùng tai cối và tràng xay đang tiếp tục được hoàn thành để lắp vào trục.

 

Ý tưởng về chiếc cối xay lúa độc đáo này là của cha Juse Phạm Đức Tiến - linh mục chánh xứ Quần Lạc. Xuất phát từ mong muốn bảo tồn những nét đẹp văn hóa của miền hạ Nghĩa Hưng - nét văn hóa mang đặc trưng của vùng nông thôn Bắc Bộ gắn liền với đồng lúa, bờ tre. Ý tưởng này đã được nhân dân trong giáo xứ nhiệt tình ủng hộ, và coi đó là biểu tượng của tinh thần đoàn kết.

 

Hiện chiếc cối xay lúa đang được đóng tại sân nhà chung của giáo xứ Quần Lạc. Theo dự tính, đến hết tháng Tư này chiếc cối sẽ được hoàn thành.

 

Sau đó, cha Juse Phạm Đức Tiến sẽ tặng chiếc cối khổng lồ này cho Tòa Giám mục Bùi Chu tại huyện Xuân Trường (Nam Định), như biểu tượng của vòng tay nhân ái, gắn kết cộng đồng trong tình yêu quê hương đất nước.

 

Theo Đoàn Thị Oanh
Tiền Phong

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm