"Cò" vẽ cách đối phó phạt nguội ngay trung tâm TPHCM
(Dân trí) - "Cách thứ nhất, người ta xóa lỗi vi phạm trên hệ thống luôn. Hai là đưa bằng lái của người khác vào đóng phạt thay, vậy thôi", một "cò" hướng dẫn đối phó phạt nguội ở trung tâm TPHCM.
Trước tình trạng cho thuê giấy phép lái xe xảy ra tràn lan tại các hội nhóm trên mạng xã hội, phóng viên Dân trí đã tìm hiểu thực tế ở một số điểm xử lý vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường bộ - đường sắt trên địa bàn TPHCM.
"Cò" chỉ 2 cách
9h ngày 11/1, một người đàn ông tên A. đi hỏi thăm giúp anh trai bị phạt nguội vì lái ô tô vượt đèn đỏ trên đại lộ Võ Văn Kiệt, quận 1. Người này đến trụ sở Đội Chỉ huy giao thông và Điều khiển đèn tín hiệu giao thông (Phòng Cảnh sát giao thông Công an TPHCM) ở số 52-54 Nguyễn Khắc Nhu, phường Cô Giang (quận 1) để tìm hiểu.
Vừa thấy ông A. dừng xe máy trước trụ sở, một số người ngồi trên vỉa hè tại đây liền tiếp cận. Khi biết ông A. đi hỏi đóng phạt nguội, một người đàn ông yêu cầu ông này chạy lên vỉa hè gửi xe để nói chuyện.
Tại đây, người đàn ông tên Q. (khoảng 50 tuổi) giữ xe đối diện điểm đóng phạt thốt lên "trời ơi!" khi nghe thông tin anh trai của ông A. chưa có giấy phép lái xe mà lái ô tô vượt đèn đỏ.
"Rồi giấy thông báo phạt nguội đâu. Đưa biển số xe với thông báo đây, xem được thì anh xóa cho em luôn", ông Q. nói.
Thấy khách không tin tưởng việc xóa phạt nguội vì ông Q. chỉ là một người giữ xe và sợ CSGT biết được biển số xe sẽ làm khó "cò" quả quyết: "Bên nào phát hiện. Ở đây công an làm chứ phải là ai làm đâu, mà phát hiện cái gì".
Ông Q. nói có hai cách giải quyết: "Cách thứ nhất, người ta xóa cái lỗi phạt nguội đó trên hệ thống luôn. Cách thứ hai là đưa bằng lái của người khác vào phạt nguội, vậy thôi".
Ông Q. cho biết nếu thuê bằng lái phạt nguội cần đóng 5 triệu đồng tiền phạt, 2 triệu đồng mỗi tháng tiền giam bằng. "Lỗi này phạt 5 triệu rồi, giam bằng lái 2 tháng là 4 triệu nữa. Thuê bằng mỗi tháng có 2 triệu mà chê mắc. Mắc thì anh đi kiếm chỗ khác", ông Q. nói khi ông A. cho rằng giá hơi cao.
Ông Q. hướng dẫn có một cách nữa rất nhẹ tiền là xóa lỗi vi phạm giao thông trên hệ thống, chỉ bằng nửa tiền phạt. "Xóa lỗi thì 3 triệu. Vi phạm trong vòng 15 ngày, nếu báo trên hệ thống sẽ xóa sạch luôn", ông Q. quả quyết.
Khi ông A. hỏi có chắc ăn không, "cò" này nói: "Tui giữ xe cho mấy ổng ở đây mà hỏi chắc ăn không. Nếu anh nói trên mạng thuê bằng lái có 1,2 triệu đồng thì lên đó mà làm", ông Q. nói.
Sau đó, người đàn ông đã xin số điện thoại "cò" Q. và cho biết sẽ về hỏi ý kiến anh trai có xe vi phạm xin ý kiến và gọi lại sau. Toàn bộ quá trình trao đổi được người đàn ông ghi lại.
Khoảng 15 phút sau, ông A. tiếp tục quay lại điểm xử phạt vi phạm hành chính trên hỏi ông Q. về cách thức chung tiền thì "cò" này cho biết: "Chung tiền 1 lần 4 triệu đồng, sẽ có người đưa bằng lái vào đóng phạt nguội thay. Xóa lỗi trên hệ thống thì đưa 3 triệu. Đó là giá chốt, không bớt thêm", "cò" Q. nói.
Khoảng 11h cùng ngày, ông A. tiếp tục đến điểm xử lý vi phạm hành chính đường cao tốc TPHCM - Trung Lương - Mỹ Thuận tại Đội Tuần tra Kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc số 7 (thuộc Cục CSGT) trên đường Huỳnh Thúc Kháng, phường Bến Thành, quận 1. Tại đây, người đàn ông ghi nhận không xuất hiện tình trạng "cò" hỗ trợ phạt nguội.
Khi thấy ông A. loay hoay trước trụ sở, ông H. (khoảng 45 tuổi, tài xế đi đóng phạt nguội) hướng dẫn muốn không bị giam bằng cần lên mạng xã hội tìm thuê người đóng phạt. "Trên mạng có mà đầy, thuê mỗi tháng 2 triệu. Nhiều người có bằng lái nhưng không chạy xe. Làm theo cách này, Tết còn giữ được bằng lái mà đi chơi", ông H. gợi ý.
Ông H. chia sẻ: "CSGT gửi giấy phạt nguội về nhà cũng không sao, chỉ cần kiếm người nào có bằng lái rồi mượn hoặc thuê. Thuê bằng đóng phạt mấy tháng thì thương lượng rồi trả tiền cho người ta là xong".
Trong ngày, người đàn ông tiếp tục đến trụ sở một số đội CSGT - Trật tự như Công an quận Bình Thạnh, Tân Bình, Tân Phú… để ghi nhận nhưng không phát hiện tình trạng "cò" đứng ra xử lý giúp việc phạt nguội.
Khó phát hiện đúng người vi phạm
Trao đổi với phóng viên Dân trí, thượng tá Nguyễn Văn Bình, Phó trưởng Phòng Cảnh sát giao thông Công an TPHCM (PC08) cho biết, đơn vị chưa nghe có xảy ra tình trạng tài xế bị phạt nguội đi thuê bằng đóng phạt. Ông chỉ mới biết khi phóng viên đề cập đến sự việc.
Ông Bình nói, khi tài xế đến các đơn vị thực hiện theo thông báo phạt nguội, cơ quan công an sẽ có nhiệm vụ kiểm tra, lập biên bản xác minh vụ việc mới cho đóng phạt. Không phải ai đóng phạt cũng được.
Theo thượng tá Bình, nhiệm vụ của công an là phải kiểm tra, đối chiếu, xác minh vụ việc trước khi ra quyết định lập biên bản xử phạt. "Đây là nghiệp vụ riêng của công an, phải xác minh ra người vi phạm. Trên mạng cho thuê bằng là việc trên mạng, công an có nhiệm vụ phải xác minh", vị này nói.
Trước việc "cò" tập trung tại vỉa hè đối diện trụ sở Đội Chỉ huy giao thông và Điều khiển đèn tín hiệu giao thông, khẳng định sẽ lo xử lý phạt nguội, Thượng tá Nguyễn Văn Bình nói phóng viên nên dùng bằng chứng ghi nhận được tố giác cho công an địa phương. Nhận tin, công an sẽ lập án kiểm tra và xử lý những người này, nếu có tình trạng đó xảy ra.
"Phóng viên nên cung cấp sớm hình ảnh những đối tượng này để công an địa phương có cách xử lý nghiêm, ổn định trật tự tại khu vực, tránh nhiều người vi phạm phạt nguội bị lừa", Thượng tá Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh.
Trong khi đó, một lãnh đạo Đội CSGT thuộc Công an TPHCM nhận định, trường hợp phạt nguội qua hình ảnh, CSGT thật sự khó xác định được người lái bên trong ô tô.
CSGT chụp hình phương tiện rồi gửi cho chủ xe thông báo phạt nguội. Trường hợp này, có thể chủ phương tiện lái hoặc cho người khác thuê, mượn để lái. Chủ phương tiện yêu cầu người đó đem bằng lái lên đóng phạt, CSGT khó phát hiện được.
"Chủ xe lái rồi vi phạm luật giao thông. Chủ xe bảo con, cháu hoặc người khác đem giấy phép lái xe lên đóng phạt, CSGT cũng khó biết được vì có thấy mặt tài xế trong lúc ghi hình phạt nguội đâu. Thành thử, đây là một bất cập trong vấn đề phạt nguội hiện nay. Điều này dẫn đến việc có xảy ra tình trạng cho thuê bằng lái trên mạng xã hội", vị này chia sẻ.
Theo vị này, CSGT kiểm tra trực tiếp mới phát hiện được người lái và buộc họ chấp hành đóng phạt theo quy định, đúng người đúng lỗi vi phạm.
Luật sư Trương Văn Tuấn (Đoàn luật sư TPHCM) cho biết, chủ phương tiện khi cho thuê xe mà không may phương tiện dính phạt nguội, nếu người chủ chứng minh được lỗi không phải do mình sẽ không bị xử phạt.
Do đó, để giúp cho công tác chứng minh hiệu quả hơn, chủ xe có thể thực hiện các việc sau: Có hợp đồng thuê xe mà trong đó quy định rõ ràng về thời gian sử dụng, về điều khoản người thuê phải chịu trách nhiệm nếu có hành vi vi phạm an toàn giao thông trong thời gian thuê xe.
Chủ xe yêu cầu bên cho thuê cung cấp đầy đủ những thông tin cá nhân như: bằng lái xe, căn cước công dân, hộ khẩu. Đồng thời chủ xe cũng nên kiểm tra tính hợp pháp của các giấy tờ nêu trên; yêu cầu cọc tiền khi bàn giao xe, số tiền này sẽ trừ vào tiền phạt trong trường hợp bên thuê cố tình không muốn đóng phạt.
Ngoài ra, chủ xe cũng nên thường xuyên kiểm tra phạt nguội để theo dõi phương tiện của mình có đang trong danh sách phương tiện bị phạt nguội hay không, từ đó có thể kịp thời xử lý.
Bài liên quan: Tràn lan dịch vụ cho thuê bằng lái trên mạng xã hội để đối phó phạt nguội