1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Quảng Ngãi:

Có trạm bơm 2 tỷ đồng, 500 ha lúa vẫn khát

(Dân trí) - Đã 7 năm nay, 500 ha diện tích đất trồng lúa của xã Phổ Cường, huyện Đức Phổ vẫn chịu cảnh thấp thỏm chờ mưa xuống mỗi khi mùa vụ về, mặc dù ngay cạnh đó là một trạm bơm với hệ thống kênh mương kiên cố trị giá 2 tỷ đồng.

Một ngày giữa tháng 6 nắng gắt, chúng tôi tìm về xã Phổ Cường, trên con đường cát sỏi dẫn vào thôn Mỹ Trang, hai bên là cánh đồng đất khô trắng, chỉ có các loại hoa màu như mè, lạc, đậu… được bà con trồng lên. Còn những ruộng lúa thì vẫn khô khốc, thấp thỏm chờ những cơn mưa xuống.
Có trạm bơm 2 tỷ đồng, 500 ha lúa vẫn khát  - 1
Cánh đồng lúa khô trắng, chỉ có thể trồng một số loài hoa màu chịu hạn ngay bên cạnh trạm bơm và tuyến kênh.

Người dân ở đây cho biết, năm 2003, thôn Mỹ Trang cũng đã có một công trình trạm bơm và một hệ thống đường kênh dài 5km chạy dài cung cấp nước cho các ruộng lúa trong khu vực được khởi công xây dựng. Công trình này dự kiến khi đi vào hoạt động sẽ đảm bảo tưới tiêu cho khoảng hơn 500 ha lúa 2 vụ.

Thế nhưng, đã 7 năm trôi qua, trạm bơm, tuyến kênh cũng đã xây dựng xong, đã bơm thử thành công nhưng vẫn “đắp chiếu” nằm đó. Cỏ mọc đầy kênh, máy móc rỉ rét khiến người dân vừa bức xúc vừa tiếc rẻ. Và cũng nhiều năm rồi người dân ở đây mặc nhiên gọi con kênh này là “kênh chết!”.

Ông Nguyễn Ba, một lão nông thôn Mỹ Trang kể: Kênh này xây dựng lâu lắm rồi, hồi mới xây xong bà con chúng tôi mừng lắm, cứ nghĩ rồi lúa sẽ tốt tươi, năm hai vụ làm một cách chủ động. Ngày chứng kiến bơm thử nghiệm thu mà ai cũng mừng rơi nước mắt, cả bao đời nay có khi nào bà con có nguồn nước chủ động nguồn nước đâu. Thế nhưng rồi kể từ sau lần bơm đó, đến nay nó tịt ngấm, không còn chảy nữa. Tốn kém hàng tỷ đồng của Nhà nước, mà chúng tôi có được hưởng lợi cái gì đâu”.

Ông Ba cho biết thêm, do không chủ động nguồn nước nên người dân trong khu vực này chỉ làm được lúa khi có mưa, mà tình hình nắng hạn mỗi năm càng khắc nghiệt, nên càng ngày bà con chỉ có thể trồng một số loài hoa màu chịu hạn tốt.
Có trạm bơm 2 tỷ đồng, 500 ha lúa vẫn khát  - 2
Nhiều hộ đã phải sử dụng máy bơm nhỏ để bơm nước cho ruộng khô nhà mình ngay bên cạnh trạm bơm lớn.
 
Đứng trên bờ kênh, ngó trông xuống bao la cánh đồng trắng cát khô khốc trước mặt, cụ Nguyễn Sáu (78 tuổi), người trong thôn Mỹ Trang nói với chúng tôi: “Bao đời rồi người dân vùng này chịu mang tiếng là “vùng đất khát”, cứ nghĩ rằng cái lúc trạm bơm và tuyến kênh này đi vào hoạt động sẽ xóa được cái ám ảnh “vùng đất khát”. Nhưng rồi cũng đâu lai vào đấy, chỉ được nhận thêm cái tên “thôn kênh chết”. Có lẽ đến cuối đời tôi cũng không có hy vọng nhìn dòng nước từ dòng kênh này đổ về ruộng đồng khát cháy quê tôi”. 

Được biết, kênh bơm N2 – Liệt Sơn có kinh phí đầu tư trên 2 tỷ đồng, do Ban quản lý dự án Cơ sở hạ tầng nông thôn Quảng Ngãi thuộc Sở NN&PTNT làm chủ đầu tư và do Công ty CP Xây lắp vật tư kỹ thuật và Công ty CP xây dựng 25 thi công.

Ông Trần Em, Phó Chủ tịch huyện Đức Phổ cho biết: Thực trạng tuyến kênh N2-Liệt Sơn không phát huy hiệu quả kể từ sau khi xây dựng là đúng sự thật. Địa phương cũng đã có kiến nghị lên tỉnh để có chỉ đạo tiến hành các dự án tiếp theo, nhằm đưa tuyến kênh này đi vào hoạt động.
Có trạm bơm 2 tỷ đồng, 500 ha lúa vẫn khát  - 3
Dòng kênh bằng bê tông chắc chắn, nhưng xây xong sau 7 năm chỉ để rêu, cỏ mọc um tùm.

Theo ông Em, nguyên nhân tuyến kênh không thể hoạt động là do tuyến kênh dẫn nước chính cung cấp cho trạm bơm không đảm bảo. Trong khi đó trạm bơm lại được bố trí 2 máy bơm có công suất lớn.

“Tuyến kênh dẫn N2- Liệt Sơn không đáp ứng thiết kế của trạm bơm N2, tuyến kênh này đã quá cũ, trước đây nó cũng đã bị bể một lần, lại có nhiều đoạn đắp bằng đất. Nhất là khuc kênh chạy ngầm qua qua quốc lộ 1A, tuyến kênh bị bó cổ chai. Do vậy nếu hai máy bơm hoạt động hết công suất sẽ gây bể kênh dẫn chính. Để trạm bơm đi vào hoạt động được trước hết phải nâng cấp tuyến kênh dẫn chính”, ông Em nói.

Khi được hỏi vì sao không có sự tính toán trước khi thiết kế để thực trạng “kẹt” kênh kéo dài 7 năm, ông Em giải thích, do Sở NN & PTNT đầu tư vốn, Sở tự khảo sát, thiết kế, sau khi bơm thử nghiệm thấy không đảm bảo nên dừng lại. Sau một thời gian địa phương kiến nghị, tỉnh cũng đã tiến hành kiểm tra lại và đang có kế hoạch nâng cấp hệ thống kênh dẫn nước chính N2.

Vậy là chỉ vì tuyến kênh dẫn nước chính N2-Liệt Sơn dẫn nước từ hồ chứa Liệt Sơn về không đủ tải cho trạm bơm hoạt động mà 7 năm qua công trình có vốn đầu tư hàng tỷ đồng bị “đắp chiếu”. Trong khi đó, hơn 500 ha ruộng lúa có thể làm 2 vụ tươi tốt lại bị bỏ hoang và phải cầu may vào từng giọt mưa để có thể trồng lúa hoặc hoa màu.

Trọng Huy