1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Nguyên đại sứ Việt Nam tại WTO Ngô Quang Xuân:

“Có thể làm nhiều hơn nếu tận dụng tốt cơ hội...”

(Dân trí) - “Chất lượng sản phẩm và thương hiệu Việt Nam thâm nhập thị trường các nước thành viên WTO còn những hạn chế khá lớn”... “Chúng ta đã không chủ động đào tạo kịp được nguồn nhân lực đủ mạnh để đáp ứng nhu cầu của giai đoạn hội nhập mới”.

Ông Ngô Quang Xuân, nguyên đại sứ Việt Nam tại WTO, hiện là Phó Chủ nhiệm ủy ban Đối ngoại của Quốc hội đã có cuộc trao đổi với PV Dân trí nhân dịp 2 năm Việt Nam chính thức trở thành thành viên của Tổ chức thương mại thế giới (WTO).

“Có thể làm nhiều hơn nếu tận dụng tốt cơ hội...” - 1

Ông Ngô Quang Xuân tại trụ sở WTO (ảnh: AFP).

 

Ông có thể cho một đánh giá ngắn gọn về những tác động sau 2 năm Việt Nam gia nhập WTO?

Trong 2 năm, nhìn chung đầu tư nước ngoài, thương mại, du lịch, kiều hối... đều tăng đột biến. Có nhiều nguyên nhân nhưng hầu hết các đánh giá đều nêu trước hết là từ việc trở thành thành viên của WTO mang lại, nhất là các nhà đầu tư nước ngoài đều rất nhấn mạnh tầm quan trọng của sự kiện này.

Cũng phải thừa nhận một cách khách quan là nền kinh tế của ta đã hội nhập khá sâu vào khu vực và thế giới. Thế giới cũng đánh giá cao việc Việt Nam trở thành thành viên WTO.

Ông đánh giá như thế nào về tình hình thực hiện các cam kết gia nhập WTO của Việt Nam cho đến thời điểm này?

Có thể nói rằng chúng ta đã tương đối chủ động trong việc thực thi các cam kết theo lộ trình bắt buộc. Trong 2 năm qua ít nghe thấy phàn nàn lớn nào từ các thành viên WTO. Đây thực sự là một điểm sáng của chúng ta.

Ai cũng hiểu cam kết của chúng ta đụng chạm đến 10.600 dòng thuế, 110 phân ngành của cả 11 ngành dịch vụ theo định chế của WTO. Chúng ta đang thực hiện lộ trình mở cửa, cắt giảm hàng rào thuế quan theo cam kết gia nhập WTO. Cụ thể là đã cắt giảm khoảng 3.000 dòng thuế của các sản phẩm dệt may, xi măng, thực phẩm, thiết bị xây dựng, ô tô...

Ta cũng cam kết khá mạnh vào việc tuân thủ đầy đủ quy định của Hiệp định về các biện pháp đầu tư liên quan đến thương mại (TRIMs - Trade-Related Investment Measures) và hiệp định liên quan đến sở hữu trí tuệ trong thương mại (TRIP - Trade-related Intellectual Property) ngay sau khi gia nhập WTO.

Chúng ta cũng đã thông qua hoặc điều chỉnh nhiều bộ luật quan trọng như Luật thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt... mở cửa một số dịch vụ tài chính, ngân hàng. Trong quyền kinh doanh thương mại (trading rights) ta cũng đã mở cửa lĩnh vực phân phối bán lẻ từ 1/1/2009…

Sau 2 năm gia nhập WTO, thách thức lớn hiện nay của chúng ta là gì thưa ông?

Chất lượng sản phẩm và thương hiệu Việt Nam thâm nhập thị trường các nước thành viên WTO còn những hạn chế khá lớn. Nền kinh tế nước ta phụ thuộc rất nhiều vào các thị trường xuất khẩu vì thế nếu có một sự cố về xuất khẩu thì hàng vạn người lao động, hàng trăm nhà sản xuất trong nước lao đao.

Trong khi đó chúng ta lại chỉ chủ yếu xuất khẩu hàng thô, về cơ cấu thì hầu hết mặt hàng xuất khẩu của ta cũng giống như của nhiều nước đang phát triển khác nên sự cạnh tranh để vào thị trường các nước phát triển luôn khốc liệt.

Có điều gì mà cá nhân ông thấy đáng ra chúng ta cần phải tận dụng và làm tốt hơn nữa trong thời gian vừa qua?

Chúng ta có thể làm được nhiều hơn nếu chúng ta tận dụng được nhiều hơn nữa những cơ hội trong 2 năm vừa qua. Nếu sức cạnh tranh của kinh tế, thương mại ta mạnh hơn thì chúng ta đã thu được nguồn lợi ích lớn hơn nhiều.

Một điều nữa mà tôi cũng thấy tiếc là chúng ta đã không chủ động đào tạo kịp được nguồn nhân lực đủ mạnh để đáp ứng nhu cầu của giai đoạn hội nhập mới. Trong chính sách sử dụng người tài cũng còn bị gò bó, ràng buộc vào những chỉ tiêu cứng nhắc về biên chế, tuổi tác, chế độ đãi ngộ...

Theo ông thì điều gì mà chúng ta cần phải làm tốt hơn nữa trong thời gian tới?

Tôi thấy rằng, chúng ta vẫn còn thụ động trong việc áp dụng, khai thác các quyền lợi của mình để vươn ra xâm nhập các thị trường thành viên WTO.

Bạn bè quốc tế cũng đang rất mong chúng ta chủ động và tích cực hơn nữa trong việc tham gia các vòng đàm phán thương mại đa phương, có tiếng nói mạnh hơn và nhiều sáng kiến hơn đóng góp chung vào đời sống thương mại thế giới.

Trên nhiều phương diện họ đều cho rằng Việt Nam chúng ta đã khá thành công trong hội nhập để phục vụ phát triển kinh tế. 

Xin cám ơn ông!

Đức Cát (thực hiện)