"Có tạp chí tuyển dụng cả đối tượng mang tiền án, tiền sự"
(Dân trí) - Một số tạp chí tuyển chọn phóng viên không bảo đảm tiêu chuẩn, sử dụng những người bị đơn vị báo chí khác sa thải vì vi phạm kỷ luật; thậm chí tuyển dụng cả đối tượng có tiền án, tiền sự.
Đây là một thực tế được ông Tống Văn Thanh (Vụ trưởng Vụ Báo chí - Xuất bản, Ban Tuyên giáo Trung ương), nêu ra tại Hội nghị giao ban cơ quan chủ quản tạp chí, sáng 26/1.
Ông Thanh cho biết bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn tình trạng các tạp chí vi phạm quy định của pháp luật về báo chí và thông tin trên mạng Internet. Nhiều tạp chí điện tử thực hiện việc sản xuất tin bài như cơ quan báo điện tử, không thể hiện tính chuyên sâu, chuyên ngành và tính định kỳ.
"Đây là hành vi vi phạm pháp luật về báo chí, hay thường được gọi là hiện tượng "báo hóa" tạp chí, một trong những vấn đề đang gây rất nhiều bức xúc trong dư luận xã hội hiện nay", ông Thanh nói.
Về nội dung, ông Thanh chỉ ra tình trạng lợi dụng danh nghĩa nhà báo, người làm báo để sách nhiễu, gây áp lực, vòi vĩnh, "đánh đấm" dọa dẫm cá nhân, đơn vị, doanh nghiệp để ép ký hợp đồng quảng cáo truyền thông, tài trợ, "hợp tác", trục lợi...
Thực tế, ông Thanh cho biết đã có phóng viên, cộng tác viên vi phạm pháp luật, vi phạm quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo đã bị xử lý vi phạm, thu hồi thẻ nhà báo, thẻ hội viên, bị truy tố trước pháp luật...
"Đây là thực trạng rất đáng báo động, nhức nhối, gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh, uy tín của báo chí và những người làm báo chân chính", theo lời ông Thanh.
Chỉ ra những vi phạm về phương thức hoạt động, ông Thanh nêu thực tế một số tạp chí thành lập nhiều văn phòng đại diện; tuyển chọn phóng viên, cộng tác viên không bảo đảm tiêu chuẩn, sử dụng những cộng tác viên bị đơn vị báo chí khác sa thải vì vi phạm kỷ luật, đạo đức nghề nghiệp; thậm chí tuyển dụng, sử dụng cả đối tượng có tiền án, tiền sự.
Bên cạnh đó, một số tạp chí có dấu hiệu bị tác động, chi phối bởi lợi ích, cho đăng các bài viết một chiều, thiếu khách quan, sai sự thật, không mang tính xây dựng; phản ánh đơn thư của bạn đọc một chiều, thiếu kiểm chứng; có tình trạng tư nhân tham gia liên kết, đầu tư, chi phối hoạt động và nội dung tin, bài của tạp chí.
Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thanh Lâm nhấn mạnh các cơ quan chủ quản tạp chí cần đẩy mạnh công tác chỉ đạo, giám sát quy trình nghiệp vụ; kịp thời xử lý cơ quan trực thuộc khi phát hiện các sai sót, vi phạm.
Cùng với đó, ông Lâm cho rằng cần tăng cường sự phối hợp với cơ quan quản lý Nhà nước trong việc rà soát nội dung thông tin; chấn chỉnh công tác tổ chức, điều hành hoạt động cơ quan tạp chí; phát hiện và xử lý kịp thời các sai phạm trong hoạt động tạp chí.