Cơ sở Đảng liên Tỉnh ủy "ẩn mình" trong cửa hàng tạp hóa ở Cần Thơ
(Dân trí) - Tháng 9/1929, tại căn nhà nhỏ bán tạp hóa ở Cần Thơ đã diễn ra sự kiện quan trọng: tổ chức "Đặc Ủy An Nam Cộng sản Đảng Hậu Giang" ra đời. Đây là cơ sở Đảng cấp liên Tỉnh ủy đầu tiên ở vùng Hậu Giang.
Đặc ủy An Nam Cộng sản Đảng Hậu Giang ra đời thế nào?
Tại Đại hội Thanh niên từ ngày 1 - 9/5/1929 ở Hương Cảng (Trung Quốc) đã xuất hiện xu hướng cần phải thành lập một Đảng Cộng sản, tuy nhiên trong Đại hội này vấn đề trên chưa giải quyết được. Sau đó ở miền Bắc, Đông Dương Cộng sản Đảng ra đời vào tháng 6/1929.
Đến tháng 8/1929, đồng chí Châu Văn Liêm với cương vị là đại biểu của Kỳ ủy Nam kỳ đi dự Đại hội Thanh niên và là thành viên trong Ban trù bị thành lập Đảng, đã quyết định lập An Nam Cộng sản Đảng.
An Nam Cộng sản Đảng đã nhanh chóng triển khai công tác xây dựng các tổ chức cơ sở Đảng. Đến tháng 9/1929, đồng chí Châu văn Liêm đã về Cần Thơ liên hệ với cơ sở An Nam Cộng sản Đảng, chuẩn bị hình thành tổ chức trực tiếp chỉ đạo phong trào cách mạng trong toàn miền Hậu Giang gồm: Cần Thơ, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bạc Liêu, Rạch Giá, Sa Đéc, Long Xuyên…
Tháng 9/1929, tại căn nhà trệt bán tạp hóa (số 34/7, hiện nay là đường Bùi Hữu Nghĩa, phường Bình Thủy, thuộc thành phố Cần Thơ), tổ chức "Đặc Ủy An Nam Cộng sản Đảng Hậu Giang" ra đời.
Đồng chí Châu Văn Liêm thay mặt tổ chức cấp trên chỉ đạo bầu Ban chấp hành Đặc ủy đầu tiên gồm các đồng chí: Ung Văn Khiêm, Hà Huy Giáp, Nguyễn Văn Tây, Nguyễn Văn Trí… và do đồng chí Ung Văn Khiêm làm bí thư.
Tháng 11/2929, đồng chí Hà Huy Giáp được Đặc ủy phân công về Ô Môn cùng đồng chí Nguyễn Văn Nhung và đồng chí Bảy Núi từ Cà Mau điều lệ để thành lập chi bộ An Nam Cộng sản Đảng ở Cờ Đỏ là chi bộ đầu tiên của Cần Thơ. Cùng lúc đó nhiều chi bộ An Nam Cộng sản Đảng đã hình thành và phát triển ở Đồng Tháp, Bạc Liêu, Cà Mau, Vĩnh Long…
Trong điều kiện thuận lợi đã thống nhất Đảng, Đặc ủy Hậu Giang (tên gọi tắt của An Nam Cộng Sản Đảng Hậu Giang) càng nỗ lực hoạt động hơn, nhiều chi bộ cơ sở được phát triển, phong trào cách mạng dâng lên mạnh mẽ, như phong trào đấu tranh kỷ niệm ngày Quốc tế lao động 01/5/1930. Các cuộc đấu tranh vang dội của quần chúng ở các vùng Cao Lãnh, Chợ Mới, Ô Môn… đã góp phần làm nên cao trào cách mạng 1930- 1931 trong cả nước.
Sau 5 tháng hoạt động (từ 9/1929 đến 3/2/1930) Đặc ủy Hậu Giang đã xây dựng một loạt các tổ chức cơ sở Đảng ở khắp miền Hậu Giang. Lực lượng quần chúng ngày càng tập họp đông đảo dưới sự lãnh đạo của Đảng, đã góp phần quan trọng trong việc tiến tới thống nhất Đảng thành một tổ chức Đảng duy nhất để lãnh đạo phong trào cách mạng Việt Nam.
Đến 4/1930, do yêu cầu đảm bảo bí mật cho cơ sở. Đặc ủy Hậu Giang được chuyển qua tỉnh Sa Đéc.
Địa chỉ đỏ giáo dục thế hệ trẻ
Đặc ủy Đảng Hậu Giang là một tổ chức cấp liên Tỉnh ủy đầu tiên ở miền Hậu Giang trực thuộc Ban chỉ đạo Lâm thời An Nam Cộng sản Đảng. Đặc ủy đã kế thừa nhiệm vụ của tổ chức Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội tiếp tục giáo dục chính trị, tư tưởng, tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lênin cho giai cấp công nhân, nông dân và các tầng lớp nhân dân lao động khác.
Ông Phạm Hữu Lộc - cán bộ về hưu vừa nhận danh hiệu 70 năm tuổi Đảng chia sẻ, trong những buổi nói chuyện với các thanh niên, các cháu học sinh ông luôn nhắc nhở các cháu nhớ đến chuyện gian khổ, nguy hiểm của 10 đồng chí trong tổ chức Đặc ủy Hậu Giang ban đầu đã nhanh chóng xây dựng lực lượng cách mạng. Các đồng chí đã vượt qua mọi gian nguy, thử thách, sống chết với kẻ thù, thâm nhập vào quần chúng xây dựng lực lượng cách mạng và phát triển phong trào cách mạng. Từ đó, góp phần quan trọng vào việc thống nhất 3 tổ chức Đảng trong nước thành Đảng Cộng sản Việt Nam vững mạnh.
Căn nhà số 34/7 - nơi Đặc ủy Hậu Giang ra đời trải qua nhiều chủ, căn nhà xuống cấp nên không còn. Gia chủ hiện tại đã bàn giao một phần lớn diện tích đất cho ngành chức năng để xây dựng bia tưởng niệm. Hiện Đặc ủy Hậu Giang thuộc loại di tích lưu niệm sự kiện lịch sử cách mạng, là địa chỉ đỏ để giáo dục tư tưởng thế hệ trẻ TP Cần Thơ qua nhiều thời kỳ.
Bà Lê Thị Kiều Loan - Bí thư đoàn phường Bình Thủy (quận Bình Thủy, TP Cần Thơ) chia sẻ: "Có thể nói nhân dân phường Bình Thủy rất vui và tự hào khi địa phương là nơi ra đời của tổ chức Đặc ủy Hậu Giang - nơi các đồng chí hoạt động Cách mạng khơi lên phong trào yêu nước mạnh mẽ để hình thành các chi bộ Đảng khắp miền Hậu Giang góp công vào những chiến thắng vang dội sau này. Phát huy tinh thần đó, hàng năm gắn với các dịp lễ lớn trong năm, chi Đoàn tổ chức những buổi nói chuyện truyền thống, giáo dục, định hướng tư tưởng cho các bạn thanh niên, đoàn viên để tiếp nối truyền thống Cách mạng hào hùng mà thế hệ cha anh đi trước để lại cho quê hương Bình Thủy - Cần Thơ".
Còn ông Lã Phú Tuy - Phó Ban tuyên giáo phường Bình Thủy chia sẻ: "Trong khí thế cả nước hân hoan chào mừng Ngày thành lập Đảng lòng tôi thật sự vui mừng và càng vui mừng hơn nữa khi địa phương có địa chỉ đỏ là tổ chức Đặc ủy Hậu Giang ra đời trên mảnh đất này. Vì thế, xuyên suốt nhiều năm qua, mỗi khi lực lượng thanh niên lên đường nhập ngũ, bảo vệ tổ chức, chúng tôi đều đưa các cháu đến đó, nhắc lại sự ra đời của tổ chức Đảng trên quê hương, rồi sự huy sinh của thế hệ cha anh đi trước... Nhờ đó, các cháu lên đường hoàn thành tốt nhiệm vụ; khi trở về địa phương, ở từng vị trí, các cháu cũng luôn hoàn thành tốt công tác của mình".
Tổ chức Đặc ủy Hậu Giang không bao giờ phai nhạt mà ngày càng sâu đậm ở truyền thống đấu tranh cách mạng kiên cường của Đảng bộ và nhân dân miền Hậu Giang nói chung, trong đó có nhân dân vùng Long Tuyền, Bình Thủy rất đỗi tự hào với truyền thống cách mạng vẻ vang và sáng ngời niềm tin ở Đảng Cộng sản Việt Nam.