"Có những việc TPHCM muốn làm lắm nhưng cân nhắc vì mới, vì khó"
(Dân trí) - Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan cho biết có những việc thành phố muốn làm lắm nhưng cân nhắc vì mới, vì khó và nghị quyết đã cho thực hiện nhưng "thực hiện không phải đơn giản".
Sáng 12/10, trình bày báo cáo thẩm tra việc thực hiện Nghị quyết 54/2017 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM đến hết 31/12/2023, bà Vũ Thị Lưu Mai, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, trong 5 năm triển khai đã có 2 năm chịu tác động của đại dịch Covid-19 nhưng vẫn nổi lên một số kết quả đáng trân trọng.
Cụ thể như kinh tế TPHCM liên tục tăng trưởng cao (trừ giai đoạn dịch bệnh); vượt qua đỉnh dịch, kinh tế phục hồi nhanh. Bình quân giai đoạn 2016 - 2019 đạt 7,72%, cao hơn so với mức 7,22% của giai đoạn 2011 - 2015.
Chính sách đặc thù về quản lý đất đai giúp HĐND TPHCM quyết định thông qua 32 dự án có chuyển mục đích sử dụng trên 10ha đất trồng lúa với tổng diện tích 1.843,79ha. Thành phố cũng chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức theo hiệu quả công việc năm 2018 tăng 0,6 lần, năm 2019 tăng 1,2 lần và năm 2020 tăng 1,8 lần.
Dù vậy, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách nhận thấy vẫn còn một số hạn chế, vướng mắc, đặc biệt là một số chính sách liên quan đến đất đai, tài chính, ngân sách nhà nước còn chậm triển khai. Có chính sách sau 5 năm vẫn chưa được thực hiện
TPHCM cho rằng chính sách về quản lý đất đai sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, thu hút nhà đầu tư vào thành phố, tuy nhiên kết quả thực hiện cho thấy không đạt kết quả như mục tiêu dự kiến, chưa thực sự mang lại hiệu quả như mong muốn.
Ủy ban Tài chính - Ngân sách nhận định, việc báo cáo tổng kết có ý nghĩa quan trọng không chỉ đối với TPHCM mà còn tạo cơ sở thực tiễn và cơ sở pháp lý để xây dựng, hoàn thiện chính sách đối với nhiều địa phương khác. Vì thế, nội dung tổng kết cần sâu sắc, toàn diện hơn. Đó là việc thực hiện thí điểm nghị quyết có được coi là thành công hay không? Sức lan tỏa đến đâu? Hiệu quả mang lại trên các mặt về kinh tế, xã hội đối với đời sống người dân... như thế nào?
"Báo cáo cần làm rõ, qua thực hiện 5 năm cho thấy, các chính sách có phù hợp với đặc thù của TPHCM hay không, đã đủ sức nặng để tạo đà tăng trưởng như kỳ vọng hay còn quá mỏng, chưa đủ sức bật cho thành phố ?" - bà Mai nêu quan điểm.
Thảo luận tại cuộc họp, ông Vũ Hồng Thanh - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đồng tình với đánh giá "do nhiều nguyên nhân, trong đó có tác động nặng nề của dịch Covid-19 nên các chính sách triển khai chậm, hiệu quả đạt được chưa cao và chưa thực sự tạo cú hích phát triển như kỳ vọng".
Ông đề nghị TPHCM phải quyết tâm nghiên cứu đưa ra chính sách mới đột phá hơn cũng như điều chỉnh, dừng chính sách nào không còn phù hợp. Đồng thời làm rõ vướng mắc, "đánh trúng điểm nghẽn" để TPHCM khai thác tốt nguồn lực để phát triển.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh nghị quyết của Quốc hội về thí điểm là rất cần thiết và quá trình thực hiện chứng minh nhiều cơ chế, chính sách phát huy công năng, hỗ trợ cho phát triển kinh tế - xã hội của TPHCM.
"Mục tiêu không phải đặc thù để đặc thù, mà để thấy cơ chế, chính sách nào tốt thì nhân rộng ra"- Chủ tịch Quốc hội nói và dẫn chứng một số cơ chế, chính sách áp dụng hiệu quả ở TPHCM đã được Quốc hội cho phép thực hiện với một số địa phương khác trên cả nước.
Có mặt tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan bày tỏ: "Có những việc thành phố muốn làm lắm nhưng cân nhắc vì mới, vì khó và trước khi làm cũng lắng nghe nhiều ý kiến, sau đó không mạnh dạn để đưa ra do có ý kiến trái chiều".
Ông Hoan cho rằng có những việc nghị quyết đã cho thực hiện nhưng "thực hiện không phải đơn giản". Đơn cử như vấn đề thu hồi đất lúa trên 10ha và có quy mô dân số từ 10.000 đến 15.000, khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ thì lại vướng thủ tục, các quy định của Luật Đầu tư. Hay tài sản công của các cơ quan Trung ương trên địa bàn thành phố cũng chưa sắp xếp nên không có cơ hội để thành phố triển khai. Chính những "cái khó" đó đã dẫn đến việc TPHCM chậm triển khai.
Hiện nay TPHCM đã chuẩn bị dự thảo nghị quyết mới báo cáo Chính phủ trình Quốc hội mang tính toàn diện hơn để huy động nhiều nguồn lực hơn, không phải chỉ nguồn lực từ nhà nước.
"Thành phố cũng cố gắng làm, làm tốt để có nhiều kinh nghiệm góp ý cho quy định pháp luật của cả nước; có nhiều nguồn thu hơn để đóng góp nhiều hơn cho cả nước"- ông Võ Văn Hoan cho hay.
Sau khi thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất trình Quốc hội cho phép tiếp tục thực hiện Nghị quyết về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM đến hết 31/12/2023 và đưa nội dung này vào nghị quyết của Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV sẽ khai mạc thời gian tới.