1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

“Có những công chức rất kém nhưng không cho ra được”

(Dân trí) - Chủ nhiệm UB các vấn đề xã hội của QH Trương Thị Mai đã nhấn mạnh như vậy khi góp ý cho dự thảo luật Công vụ. Theo bà Mai, bộ máy công chức của chúng ta hiện đang quá “cứng” cần phải điều chỉnh theo hướng “ra-vào” thuận tiện hơn.

Lãnh đạo cơ quan sự nghiệp ăn lương công chức?

Chủ nhiệm UB Văn hoá - Thanh thiếu niên và nhi đồng, Đào Trọng Thi cho rằng, vấn đề làm được của dự thảo luật là đã tách được bộ máy quản lí của cơ quan sự nghiệp ra khỏi qui định về công chức. Theo ông Thi, hiện nay các cơ quan sự nghiệp đang thực hiện tuyển chọn và sử dụng cán bộ giống y như công chức và hệ quả là tuyển “chệch” người. Chẳng hạn, thay vì tuyển được những giáo viên giỏi, các trường lại tuyển được những người làm... hành chính.

Tuy nhiên, ông Thi lại chưa đồng tình với việc đưa cán bộ lãnh đạo khối sự nghiệp thành cán bộ công chức. Theo ông đã là quản lí chuyên môn thì lĩnh vực chuyên môn của người đó phải nhiều hơn nên phải xếp người đó theo chuyên môn. Ông Thi đưa ra dẫn chứng, ông đang là Chủ nhiệm một UB của Quốc hội, nhưng hiện tại ông cũng đang hưởng lương GS của Đại học.

“Quản lí ở một trường Đại học thì anh phải có chuyên môn mới có thể quản lí rất nhiều GS, TS. Thử đặt tình huống, nếu một người làm hành chính chuyển sang làm quản lí trong trường Đại học sẽ rất khó”, ông Thi phân tích. Từ đó, ông “chốt” lại: quản lí cơ quan sự nghiệp mà ăn lương công chức là chưa hợp lí.

Chủ nhiệm UB Kinh tế của Quốc hội, Hà Văn Hiền lại có ý kiến trái chiều với ông Thi về vấn đề này. Theo ông, cán bộ quản lí ở khu vực sự nghiệp thuộc cán bộ công chức là hợp lí, bởi họ thực hiện quản lí nhà nước ở lĩnh vực của mình.

Về chế độ với cán bộ cấp xã hiện nay ông Hiền cho rằng chưa công bằng, chưa thể hiện sự thống nhất của hệ thống hành chính. Theo ông hiện nay, sai sót của chính quyền chủ yếu ở cấp xã, nhất là lĩnh vực đất đai, khiếu nại tố cáo và điều này có một phần nguyên nhân do chúng ta chưa đặt cán bộ cấp xã và đúng vị trí, chưa có chế độ tương xứng.

Ông Hiền cũng cho rằng, việc mở rộng hệ thống công chức đến cấp xã theo đề nghị của Chính phủ là đúng, còn vấn đề qui định cụ thể thì phải tính. Khi cán bộ cấp xã cũng thuộc “biên chế” chúng ta có thuận lợi trong việc luân chuyển cán bộ tà cấp huyện xuống xã, thậm chí từ tỉnh xuống xã và từ xã lên huyện.

3 năm không kỉ luật lại lên lương

Ông Hà Văn Hiền cũng ủng hộ việc đưa thêm qui định giáng chức vào luật và theo ông, thực tế đã có những người từ Giám đốc chuyển xuống làm PGĐ nên điều này cần được luật hoá. Tuy nhiên, với khái niệm sa thải công chức, ông Hiền cho rằng nên đổi thành buộc thôi việc cho hợp lí hơn.

“Bắt” vào vấn đề này, bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm UB các vấn đề xã hội cho rằng, bộ máy công chức hiện nay của chúng ta quá... cứng. Những người đã được tuyển vào là không bị ra, làm 3 năm không bị kỉ luật lại lên lương. Có những người rất kém, nhưng không cho ra được.

Bà Mai cho rằng, phải điều chỉnh bộ máy công vụ theo hướng đáp ứng nhu cầu việc làm một cách năng động, việc ra vào thuận lợi hơn. Đó là vấn đề mà dự thảo luật cần phải theo đuổi.

Cũng theo bà Mai, việc luân chuyển cán bộ như dự thảo luật nói “nhằm đào tạo bồi dưỡng” là chưa đầy đủ. Kinh nghiệm từ các nước cho thấy, luân chuyển cán bộ còn nhằm chống tham nhũng, giữ bộ máy trong sạch hơn.

“Qui định lương công chức bằng mức trung bình khá của xã hội là khái niệm khó thực hiện”, ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm UB Tài chính - Ngân sách góp ý kiến. Bởi lẽ mức như thế nào được coi là mức trung bình khá của xã hội.

Nhìn tổng thể, ông Hiển cho rằng, luật Công vụ là luật khó, cần gia cố thêm trước khi trình Quốc hội thông qua.

Cấn Cường