“Rất nhiều người giỏi muốn làm cho nhà nước”

(Dân trí) - “Không phải người giỏi đều ra ngoài mà chỉ có một bộ phận. Với nhiều người giỏi, ngoài việc thu nhập, họ còn có lý tưởng, có trách nhiệm với Nhà nước” - Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Trần Văn Tuấn trao đổi với báo chí.

Sáng nay, dự thảo Luật Công vụ được trình Thường vụ Quốc hội lấy ý kiến. Bên lề kì họp này, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Trần Văn Tuấn đã có cuộc trả lời phỏng vấn của các phóng viên.

Xây dựng đội ngũ công chức mẫn cán

Nguyên Bộ trưởng Mai Ái Trực từng phàn nàn trước Quốc hội rằng, để thủ trưởng cơ quan kỷ luật được một công chức, dù là cấp xã cũng không đơn giản. Vậy, dự luật Công vụ có trao thêm quyền cho người đứng đầu cơ quan xử lý những người sai phạm không?

Nói như nguyên Bộ trưởng Trực cũng không hẳn đúng, bởi một công chức vi phạm, nếu có căn cứ thì đã có quy trình để sa thải.

Chỉ có điều, trong quy định của chúng ta không trao cho thủ trưởng có quyền tự quyết việc kỷ luật mà phải có Hội đồng kỷ luật xem xét để tránh những điều không khách quan hay thiên vị làm sai lệch trong đưa ra quyết định…

Như vậy, nhiều người lo ngại tình trạng “Dĩ hòa vi quý”, xuề xoà trong công tác xử lý cán bộ tiếp tục xảy ra?

Đây là điều chúng ta phải suy nghĩ trong công tác quản lý cán bộ. Với DN nước ngoài họ quy định thoáng hơn, nếu như người lao động sai thì bị sa thải ngay.

Nhưng với chúng ta, việc xem xét phải có tập thể để phát huy quản lý tập thể, tránh cá nhân hóa khi xem xét, quyết định, ảnh hưởng đến quyền lợi công chức.

Dự thảo quy định, công chức 2 năm liên tục không hoàn thành nhiệm vụ mới bị sa thải. Điều này dường như không hợp lí, thưa ông?

Đây mới là dự thảo, cần bàn bạc thêm. Muốn sa thải đúng thì việc đánh giá công việc của công chức đó cũng cần được cân nhắc kỹ càng, không cẩn thận thiệt thòi cho họ.

Lâu nay chúng ta vẫn thừa nhận là có một bộ phận cán bộ, công chức bị sa sút nghiêm trọng về phẩm chất đạo đức và chuyên môn, dự luật có xây dựng nội dung quy định về tính liêm chính của cán bộ công chức hiện nay?

Trong dự Luật Công vụ nêu rõ về đạo đức của công chức, những điều không được làm cũng như nếp sống văn minh ở công sở để xây dựng đội ngũ công chức có tư cách đạo đức tốt, mẫn cán với công việc.

Về tính liêm chính hiện nay của cán bộ, công chức chúng ta, tôi thấy về cơ bản vẫn đạt tốt. Còn một bộ phận thực hiện chưa tốt thì đang có các giải pháp khắc phục, như xử lý họ.

Quan tâm đãi ngộ phù hợp hơn

Vấn đề chảy máu chất xám ở nhiều cơ quan Nhà nước vừa qua đã được dư luận phản ánh rất nhiều. Bộ Nội vụ đã tìm ra giải pháp gì chưa?

Chúng tôi đang nắm lại thực chất số cán bộ công chức nhà nước chuyển từ khu vực công sang khu vực tư cụ thể là bao nhiêu để làm rõ vấn đề này.

Điều chính là thông qua trách nhiệm của mình, đề xuất với các cơ quan có thẩm quyền, quyết định chế độ chính sách cho cán bộ công chức nhà nước cho phù hợp, có sức động viên cán bộ làm việc cho cơ quan nhà nước.

Lương và môi trường làm việc là hai vấn đề cốt lõi được các công chức giỏi ra đi nói tới, thưa ông?

Chúng tôi đã nói ở nhiều diễn đàn kể cả Quốc hội là chúng ta đang thực hiện cải cách tiền lương nhưng cải cách tiền lương phải trên cơ sở phát triển kinh tế, điều kiện kinh tế cho phép.

Trong lộ trình cải cách đó, từng bước để nâng dần lương đội ngũ công chức lên, nhưng có những người thấy được đáp ứng ở khu vực tư thì họ chuyển ra.

Về mong muốn thì chúng ta mong muốn người giỏi làm ở khu vực công nhưng cũng có một thực tế, chúng ta đang động viên các thành phần kinh tế cùng phát triển.

Vì vậy, một số người ra khu vực tư làm việc mà phát triển kinh tế tốt, có điều kiện đóng thuế, góp phần cho phát triển kinh tế đất nước thì nó cũng bổ trợ cho việc chúng ta giải quyết chính sách cho khu vực công.

Nhưng nếu không có người giỏi ở khu vực công, nơi hoạch định chính sách sẽ là không ổn?

Đó là điều phải suy nghĩ, nhưng không thể nóng vội trong 1 thời gian có thể nâng lương cho cán bộ cao hẳn hơn khu vực tư được.

Mong muốn là như vậy nhưng đi liền với nó là một loạt cơ chế, chính sách và quan trọng nhất phải phát triển kinh tế. Chúng ta phải trả lương cho cán bộ công chức trên cơ sở kinh tế của chúng ta phát triển, như thế mới bền vững.

Có nghĩa là chúng ta phải ngồi đợi kinh tế phát triển?

Không phải chúng ta ngồi đợi, không làm gì. Chúng ta có làm, nhưng phải có lộ trình. Ví dụ tiến trình cải cách tiền lương, từ 2009 chúng ta sẽ tính đến việc nâng lương phụ cấp cho công chức hành chính nâng dần lên để khuyến khích những cán bộ có năng lực vào làm việc.

Còn hiện tại chúng ta phải chấp nhận, các cơ quan nhà nước chỉ nhận được hồ sơ học lực trung bình trong khi DN nhận được những người giỏi?

Thực ra những nhận định đó cũng chỉ là nhận định của cá nhân một vài người chứ chưa phải là tổng kết có tính khảo sát cẩn thận về mặt khoa học.

Chúng tôi thấy rằng không phải hiện nay các cơ quan nhà nước không tuyển được người giỏi. Rất nhiều người có năng lực vẫn muốn vào làm cơ quan nhà nước. Không phải người giỏi đều ra ngoài mà chỉ có một bộ phận.

Với nhiều người giỏi, ngoài việc thu nhập, còn có lý tưởng, có trách nhiệm với Nhà nước. Người làm quản lý như tôi suy nghĩ rằng làm thế nào để động viên được họ, đừng để khai thác quá nhiều nhiệt tình của họ, mà phải quan tâm, đãi ngộ cho phù hợp hơn.

Ông nghĩ gì khi lương cơ bản của công chức mới tăng được 2 tháng nhưng cũng trong khoảng thơi gian ấy, chỉ số giá tiêu dùng đã tăng hơn 6%?

Chúng tôi cũng không muốn như vậy. Đây là thách thức với chúng ta trong điều hành kinh tế và chúng ta phải tìm các giải pháp khắp phục. Đây cũng không phải là vấn đề riêng của Việt Nam mà nhiều nước cũng đang phải đối mặt,

Xin cám ơn ông!

Mạnh Cường