Có nhất thiết phải tăng giá điện?
Phương án tăng giá điện (áp dụng từ 1/12/2006 hoặc đầu năm 2007) vừa được Bộ Tài chính, Bộ Công nghiệp trình Chính phủ với <a href="http://dantri.com.vn/Sukien/2006/11/154480.vip">mức tăng bình quân 8,8%</a>. Như vậy, sau rất nhiều lần rập rình và bị Chính phủ từ chối, ngành điện vẫn kiên quyết tăng giá.
Lý do ngành điện đưa ra là để có thêm kinh phí đảm bảo việc đáp ứng đủ nhu cầu dùng điện. Liệu tăng giá điện có phải là giải pháp bắt buộc? Chúng tôi đã trao đổi vấn đề này với ông Dương Quang Thành, trưởng ban kế hoạch, Tổng công ty Điện lực VN (EVN).
Thưa ông, dự báo tình hình cung cấp điện thời gian tới sẽ như thế nào?
Tổng công ty dự báo tình hình cung cấp điện trong năm 2007 sẽ hết sức khó khăn do VN đã gia nhập WTO, tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh nên nhu cầu dùng điện cũng sẽ tăng nhanh. Chúng tôi dự báo tốc độ tăng trưởng nhu cầu điện năm 2007 sẽ đạt 14 - 16% so với năm 2006 và mức độ thiếu điện ít nhất sẽ là gần 200 triệu kWh.
EVN đã thực hiện những giải pháp nào để đối phó với tình hình này?
Tổng công ty đang huy động tối đa các nguồn có thể để tích nước các hồ thủy điện; khắc phục tổ máy, sửa chữa, đảm bảo vận hành tốt trong năm 2007, đồng thời tăng cường mua điện của Trung Quốc. Hiện nay tổng công ty đang mua điện của Trung Quốc qua đường dây 220kV tại Lào Cai và đang tích cực đưa vào vận hành một đường dây ở Hà Giang vào cuối tháng 4/2007. Tổng số điện mua của Trung Quốc sẽ là 2,3 - 3 tỉ kWh.
Ngoài ra, tổng công ty đã đề nghị ngành dầu khí đẩy nhanh tiến độ xây dựng khu khí điện đạm Cà Mau để đưa vào vận hành trong tháng 3/2007. Nếu Cà Mau vào đúng tiến độ thì khả năng cung cấp điện sẽ đỡ hơn.
Kế hoạch cung cấp điện và nhu cầu sử dụng điện luôn được tính trước một thời gian dài nhưng vì sao năm nào tổng công ty cũng “kêu” khó khăn trong việc cung cấp điện?
Trước đây tổng công ty đã báo cáo Thủ tướng và Thủ tướng cho một số cơ chế để đẩy nhanh tiến độ các công trình điện, nhưng việc thực hiện đầu tư chậm trong khi thời điểm báo cáo Thủ tướng tương đối gần nên năm 2006, 2007 các công trình này không vào kịp. Trong khi đó, khi dự báo nhu cầu điện cho giai đoạn 2001 - 2005, không ai ngờ tốc độ lại tăng nhanh đến thế.
Kinh nghiệm thống kê hằng năm cho thấy giá các mặt hàng về cuối năm đều tăng do nhu cầu của người tiêu dùng. Vì vậy, nếu “tăng giá điện vào thời điểm 1-12 là thiếu hợp lý, nó sẽ khiến đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn” - Ông Nguyễn Văn Tiến, phó tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, cảnh báo. (Nguồn: VTC News) |
Ban đầu chúng tôi dự báo tốc độ tăng trưởng nhu cầu điện chỉ là 11 - 13%/năm nhưng thực tế tốc độ tăng trưởng bình quân lại lên tới 14,75%. Giai đoạn 2001 - 2005 tăng trưởng nhu cầu điện đã cao hơn dự báo nên giai đoạn 2006 - 2010 tốc độ càng cao hơn, vượt ra ngoài dự báo khiến nguồn đầu tư không theo kịp dẫn tới bị “hẫng” vì một công trình điện từ khi lập dự án đầu tư đến khi đóng điện phải mất bảy năm.
Đến bây giờ tổng công ty đã có những giải pháp căn cơ nào ngoài những giải pháp “chữa cháy”?
Giải pháp chủ yếu là đẩy nhanh tiến độ các công trình điện và huy động nhiều đơn vị tham gia xây dựng nguồn điện. Hiện nay tổng công ty đang xây dựng 23 công trình điện. Các ngành bên ngoài có khoảng 5-6 công trình, các công trình thủy điện nhỏ có hơn 100 công trình. Giải pháp tiếp theo là phải có chính sách tiết kiệm, sử dụng điện hợp lý.
Mình cứ nói tại sao lương của mình thấp mà tiền điện cao, tỉ lệ trả tiền điện trong tỉ lệ thu nhập cao hơn các nước. Đấy là vì đáng lẽ mình thu nhập thấp thì phải tiết kiệm điện, sử dụng ít đi nhưng mình lại sử dụng nhiều điện nên tiền điện trong tổng thu nhập cao. Các nước làm ra 10 đồng người ta tiêu 1 đồng cho điện, còn mình tiêu hết 5 đồng nên bao giờ dân cũng kêu tiền điện cao. Nếu ra khỏi nhà ai cũng có ý thức tắt hết các thiết bị điện trong nhà, thay đèn tròn tốn nhiều điện bằng các loại đèn tiết kiệm điện... thì sẽ giảm được tiền điện.
Kêu gọi tiết kiệm điện là cần thiết nhưng tại sao ngành điện không tìm cách cung cấp đủ điện?
Người bán hàng bao giờ cũng muốn bán được càng nhiều hàng càng tốt nhưng ngành điện lại không thế. Bây giờ nguồn thủy điện ngày càng ít nên ngành điện phải sử dụng các nguồn điện khác (nhiệt điện than, nhiệt điện khí, nhiệt điện dầu, tuôcbin khí dầu...). Năm nay chúng tôi chỉ sản xuất được 48 tỉ kWh. Nếu chỉ bán số điện đó thì giá điện sẽ rất rẻ. Nhưng nhu cầu điện của cả nước lại lên tới 60 tỉ kWh, có nghĩa chúng tôi phải mua thêm hơn 12 tỉ kWh từ các nguồn khác đắt hơn thủy điện.
Các nhà máy bán cho chúng tôi hơn 10 cent/kWh điện (1 cent tương đương khoảng 160 đồng), còn giá điện chúng tôi bán đến hộ tiêu dùng cũng chỉ được 4,9 cent/kWh. Do đó, nếu nhu cầu điện không tăng thì chúng tôi không phải huy động các nguồn khác mà có thể sử dụng các nguồn hiện có với giá thành thấp hơn. Nhưng vì nhu cầu tăng cao mà nguồn tài nguyên giá rẻ càng ít đi thì phải khai thác các nguồn tài nguyên khác đắt hơn.
Chính vì thế, nếu năm 2007 chúng tôi cung cấp điện càng nhiều thì càng lỗ vì năm 2007 tổng công ty chỉ sản xuất được một nửa nhu cầu (khoảng 32 tỉ kWh) do không có nhà máy mới nào đi vào vận hành, trong khi nhu cầu điện năm 2007 tăng thêm khoảng 7 tỉ kWh so với năm 2006. Vì vậy, chúng tôi sẽ phải mua ngoài 33 - 34 tỉ kWh. Nếu bán riêng 30 tỉ kWh chúng tôi lãi khoảng 1.500 tỉ đồng với giá bán hiện nay, nhưng nếu mua điện bên ngoài để bán lại thì sẽ lỗ khoảng 5.500 tỉ đồng.
Vậy tại sao ngành điện không tìm giải pháp giảm chi phí sản xuất, hạ giá mua điện bên ngoài thay vì đề nghị tăng giá điện khi mà người dân luôn phải chịu sự tăng giá của nhiều mặt hàng khác?
Theo phương án tăng giá điện, mức tăng bình quân sẽ là 8,8%. Những hộ dùng điện sinh hoạt trên 100 kWh/tháng, những cơ sở kinh doanh dịch vụ, những đơn vị, cá nhân sử dụng điện vào giờ cao điểm sẽ phải chịu mức giá điện cao hơn, tăng 20-30% so với hiện nay.
EVN dự tính phương án tăng giá điện này sẽ làm tăng thêm doanh thu cho EVN khoảng 4.000 tỉ đồng/năm. |
Không chỉ tổng công ty mà các nhà đầu tư cũng muốn tăng giá điện vì như vậy sẽ kêu gọi được đầu tư. Từ xưa đến nay không có nhà đầu tư nước ngoài nào đầu tư phát triển nguồn điện vì họ thấy giá điện hiện nay không cân đối được nguồn tài chính.
Hiện nay EVN mua điện bên ngoài hơn 20% và sang năm sẽ phải mua khoảng 50%. Tuy nhiên, tổng công ty phải mua điện của các ngành khác theo kiểu đàm phán trực tiếp và như thế bao giờ người bán cũng muốn bán giá cao. Thật ra chúng tôi chỉ muốn mua với giá sao cho khi cộng lại các khoản chi phí chúng tôi có thể bán với giá hợp lý cho người dân.
Nhưng VN chưa có thị trường điện cạnh tranh nên vẫn phải đàm phán và nếu hai bên không đồng ý thì báo cáo Bộ Công nghiệp giải quyết. Theo lộ trình Chính phủ phê duyệt, đến năm 2009 mới có thị trường cạnh tranh trong khâu phát điện. Hiện tổng công ty đang tích cực đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, chuẩn bị luật lệ trình Bộ Công nghiệp phê duyệt để sớm có thị trường cạnh tranh này. Khi đó chúng tôi có thể mua và bán điện với giá hợp lí hơn.
Có ý kiến cho rằng EVN kêu khó khăn để ép Chính phủ cho tăng giá điện?
Không, thiếu điện là thiếu thật. Năm 2005 đã thiếu rồi. Năm 2006 chúng tôi phải đẩy nhanh các biện pháp mua điện của Trung Quốc nên đỡ thiếu. Năm 2007 có khả năng thiếu điện cao hơn. Những năm tiếp theo nguồn cung cấp tương đối nhiều nên sẽ đỡ.
Phải cẩn thận khi tăng giá điện
Có thể chúng ta phải tính đến việc tăng giá điện để khuyến khích đầu tư vào ngành điện nhưng tăng thế nào thì cần phải có một cơ quan điều tiết. Tăng giá sẽ làm cho việc sử dụng điện tiết kiệm hơn, đồng thời cũng ảnh hưởng đến một số ngành sản xuất sử dụng nhiều điện như luyện kim, hóa chất, các khách sạn, nhà hàng... Do đó, sau tăng giá điện tất yếu sẽ có sự tăng giá của một số mặt hàng.
Theo ngành điện, việc tăng giá điện là để có chi phí tái sản xuất nhưng vấn đề là lâu nay chi phí của ngành điện có nhiều mặt đang chưa hợp lý, tổn thất điện còn cao so với khu vực. Vì vậy, xã hội đòi hỏi ngành điện phải công bố những chi phí đó xem đã hợp lý chưa để từ đó mới có thể thông cảm được với đề nghị tăng giá điện.
Ngoài ra, việc đề xuất các phương án tăng giá điện cần có sự tham gia của các tổ chức, các hiệp hội, của người tiêu dùng... để có tiếng nói khách quan hơn. Ngành điện phải đảm bảo rằng số tiền thu được từ việc tăng giá điện sẽ được sử dụng hợp lý cho việc đầu tư. Trước đây người ta đã thấy ngành điện cần tiền nhưng lại đầu tư vào ngành viễn thông điện lực. Vì thế, tốt nhất là có một hội đồng đánh giá độc lập vấn đề này để người dân có thể chấp nhận được chứ hiện nay chỉ có các cơ quan nhà nước với nhau nên người dân thấy điều đó chưa hợp lý.
Người dân cũng đòi hỏi ngành điện phải đưa ra lộ trình tăng giá điện để họ biết sau đợt tăng giá này thì đến khi nào sẽ lại tăng giá tiếp, chứ khi đã không biết bao giờ “lưỡi hái” tăng giá lại vung lên thì người dân sẽ không yên tâm.
Muốn có một thị trường điện cạnh tranh thì chỉ có thể có nhiều nhà đầu tư, nhiều nhà cung cấp điện với nhiều giá bán điện khác nhau. Hiện nay, việc bán điện không thể thực hiện theo kiểu bán trực tiếp như bán một quả chuối mà phải bán theo mạng, mà mạng ấy lại độc quyền và “ông” điện lực không bao giờ chịu nhả ra nên chỉ có người dân chịu thiệt.
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh |
Theo Khiết Hưng
Tuổi Trẻ