1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Có một tấm lòng cao cả

“Ngày nào không có ai gọi điện tới là tui biết người thân của mình được bình yên. Đêm nào có người gọi, tui biết mình mới mất đi một người thân”. Trong căn nhà chật hẹp dán đầy trên tường hình ảnh… đám tang, ông nói một cách giản dị và chân thành.

Người có người thân ở khắp nhân gian này được bà con chòm xóm gọi bằng cái tên thân mật: chú Oanh.

 

Chú Oanh (tên thật là Bùi Văn Oanh) trạc chừng 70 tuổi, dáng cao gầy khắc khổ, mặc bộ đồ đã cũ, loang lổ vết sơn vàng dẫn chúng tôi đi lòng vòng trong con hẻm chật hẹp nằm trên đường Đoàn Văn Bơ, quận 4, TPHCM. Đi miết, tới một góc sân, tôi ngơ ngác khi thấy chú leo lên một cái lều dựng giữa sân của một dãy nhà chật hẹp. Lều cũng chật và hẹp, cầu thang chỉ đủ một người lên, dốc đứng. Tưởng đây là nhà chú, nhưng vào trong mới biết không phải. Vì trong lều chẳng có vật dụng nào khác, ngoài một chiếc… hòm đặt ngay chính giữa.

 

Đứng cạnh một cái cỗ quan tài, thông thường sẽ khiến khách có cảm giác lạnh lẽo, nhưng ở trong căn lều này, lại chỉ thấy dâng lên trong lòng sự cảm phục, ngưỡng mộ.

 

Thật tình đây là lần đầu tiên tôi nhìn thấy cỗ quan tài mà không có cảm giác chờn rợn. Và thốt nhiên tôi cảm nhận rõ nhất câu nói “cái chết chỉ là giấc ngủ dài mà thôi”. Có lẽ, cũng vì nhân sinh quan đó nên chú Oanh mới có đủ dũng cảm, nhiệt tâm, phước thiện để làm cái công việc mà chỉ nghe nói, người cứng rắn đến mấy cũng phải rùng mình. Đó là chôn cất cho những người chết có hoàn cảnh nghiệt ngã, xác vô thừa nhận, người thân bỏ mặc… Không nhiều người biết, còn có một lý do khác khá riêng tư đã dẫn lối cho chú Oanh đến với công việc thiện nguyện này.

 

Ông Bùi Văn Oanh

Ông Bùi Văn Oanh

 

Chú Oanh sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo, đạp xe ba gác truyền đời. Nhà nghèo đến nỗi không đủ tiền mua chiếc quan tài để lo hậu sự cho cha, chú đành phải xin mua nợ chiếc áo quan ở một trại hòm quen, với lời hứa sẽ thanh toán đủ sau khi mai táng xong. Thế nhưng, gom góp hết những gì có thể bán trong nhà cộng với tiền phúng điếu, chú vẫn không đủ trả hết nợ. Số tiền còn lại, chú Oanh phải dành dụm suốt 3 năm mới trả hết.

 

Cảnh nghèo cực đã đành, nghèo đến độ phải chật vật để hoàn thành đạo lý nghĩa tử là nghĩa tận cho thân sinh như chú Oanh, tuy rằng xót xa nhưng không phải là hiếm thấy. Cứ ám ảnh, day dứt, ân hận, chú Oanh lại nghĩ đến những người cùng hoàn cảnh. Giả sử họ cũng không lo nổi cỗ áo quan cho thân nhân? Giả sử họ cũng không lo nổi mâm cơm cúng cho đỡ tủi phận người đã khuất? Giả sử họ cũng không lo nổi đám ma? Giả sử…

 

Thế là vợ chú, bà Nguyễn Thị Y bắt đầu những ngày chịu đựng. Đầu tiên ông ôm về nhà một đống đồ của người âm. “Thu nhập bấp bênh, cơm bữa no bữa đói, thân mình lo còn chưa xong, lo sao nổi việc thiên hạ”. Bà phản đối ý tưởng “gàn dở” của chồng. Nhưng, bằng sự kiên trì nhẫn nại, bằng thiện tâm vô bờ bến, dần dần, chú Oanh cũng thuyết phục được vợ, cho phép chồng làm cái việc mà nói thật, một người bình thường khó có thể nghĩ ra, huống chi đeo đuổi 10 năm, 20 năm rồi 30 năm đằng đẵng.

 

Đội mai táng Phước Thiện do chú Oanh thành lập đến nay đã được 34 năm. 34 năm, quãng thời gian đủ để một người đàn ông sức dài vai rộng vun vén cửa nhà, xây đắp sự nghiệp. 34 năm, chú Oanh cùng 21 “đồng nghiệp” cũng là những người lao động bình thường có chung hoàn cảnh nghèo khó âm thầm khâm liệm, an táng cho những người xa lạ. Có người chết trôi xác đã trương phình hôi thối. Có người bệnh giai đoạn cuối, da thịt bong ra từng mảng. Lại có những hài nhi.

 

“Bất kể là ai, hễ phải nằm xuống cũng trở thành người thân của chú Oanh”. Coi họ như người thân, nên chú Oanh không chút ngại ngần khi tắm gội khâm liệm sạch sẽ, tất tả lo đủ hành trang để họ đi nốt chặng đường sau cuối của cuộc đời. Đám tang có hòm sơn son đàng hoàng, có nhang đèn, có bánh trái, có nhà sư tụng kinh cầu siêu, có đội đạo tỳ hành lễ, có cờ tang bay trong gió, có đội nhạc hòa tấu khúc tiễn đưa… 34 năm, hàng trăm phận người nghèo khổ, hẩm hiu, nhờ có chú Oanh và Đội Phước Thiện mà đã được mỉm cười an nghỉ nơi chín suối. Chú Oanh nói, dù là mai táng từ thiện, cũng phải đủ lễ nghĩa, để gia chủ vốn đã sống buồn thì chết sẽ không phải tủi phận.

 

Đại diện Công đoàn và Phòng Điều hành Sản xuất Công ty Cửu Long JOC đến thăm hỏi chú Oanh
Đại diện Công đoàn và Phòng Điều hành Sản xuất Công ty Cửu Long JOC đến thăm hỏi chú Oanh

 

Ai đến nhà, chú Oanh cũng đem tài sản ra khoe và khẳng định chú là người giàu nhất Đông Dương. Đó là tập hồ sơ ghi lại tỉ mỉ thông tin về những người đã khuất kèm theo ảnh lúc lâm chung. Tập hồ sơ mỗi ngày một dày lên. Chú lần dở từng hồ sơ, thầm niệm câu kinh an bình cho người đã khuất. Người nằm xuống đã lâu, người mới chiều nay… hết thảy đều được trọng tang bằng tất cả nghĩa tận của người thân còn sống. Một người thân xa lạ, mà có lẽ, kể cả khi đã nhắm mắt xuôi tay họ cũng chưa từng gặp mặt, biết tên chú Oanh.

 

Câu chuyện của tôi cứ ngắt quãng, vì điện thoại của chú Oanh lại reo lên. Chú nghe rồi vội vã xin phép đi chuẩn bị hậu sự cho người mới mất. 34 năm trôi qua, đã lo hàng trăm đám tang, nhưng mỗi lần điện thoại reo lên, chú Oanh lại thẫn thờ đớn đau như thể vừa mất đi một người thân thực sự.

 

Ít ai hay, để có một cỗ quan tài đơn sơ hiện có giá chừng 700 ngàn đồng, chú Oanh đã phải chạy ngược chạy xuôi kêu gọi các nhà hảo tâm và các chủ trại hòm hỗ trợ kinh phí. Ít ai hay, để có được 10 ký gạo chia sẻ với mỗi gia chủ, 21 anh em trong đội mai táng Phước Thiện phải tự trích từ hũ gạo bữa đầy bữa vơi của gia đình mình gom góp. Ít ai hay, để “nuôi sống” đội, chú Oanh mỗi ngày chỉ ăn một bữa cơm.

 

Được các con biếu mỗi tháng 2,5 triệu đồng chi tiêu, vợ chồng chú dành 2 triệu đồng cho Quỹ Phước Thiện, chỉ giữ lại 500 ngàn cho mình. 500 ngàn để chi tiêu trong sinh hoạt hằng ngày trong suốt 30 ngày... Vì đeo “nghiệp” ma chay miễn phí cho người nghèo mà chú Oanh đã cắt dần miếng đất 100m2 bán lấy tiền trả nợ, trang trải cuộc sống. Nay cả gia đình 7 người phải co cụm trong căn nhà nhỏ chưa đầy 20m2. 34 năm làm công việc khâm liệm mai táng tử thi, chú Oanh và các đồng nghiệp trong đội vẫn chưa mua nổi cho mình những “đồ nghề” cần thiết phục vụ cho công việc. Một đôi găng tay bảo hộ cũng không có.

 

Giấc mơ lớn nhất bây giờ của chú Oanh là có ai đó hảo tâm đồng cảm với chú, với đồng loại, mà hỗ trợ đội Phước Thiện một chiếc xe tang và một mảnh đất nho nhỏ để dựng nhà tang lễ, đặt hòm.

 

Cầu được ước thấy, khi bài báo này chuẩn bị lên khuôn, chúng tôi nhận được tin rất vui dành cho chú Oanh: Phòng Điều hành Sản xuất Công ty Cửu Long JOC vừa trích quỹ từ thiện của phòng để ủng hộ chú Oanh số tiền 50 triệu đồng. Hiện tại, Công đoàn Công ty Cửu Long JOC và Phòng Điều hành Sản xuất vẫn đang tiếp tục gây quỹ giúp chú Oanh mua chiếc xe tang khoảng 200 triệu đồng để tiếp tục công việc đưa đò bến biệt ly có một không hai đó của mình.

 

Theo Thành Lê
 Năng lượng mới