1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

Có một “Sa pa” giữa lòng xứ Thanh

(Dân trí) - Người dân xứ Thanh vẫn gọi Son Bá Mười là “Sa pa” thứ hai ở Việt Nam bởi vẻ đẹp như thiên đường với quanh năm sương mù bao phủ nơi mảnh đất cao chọc trời này.

Thiên đường mù sương

Đã không ít lần công tác lên địa bàn huyện Bá Thước, nghe những lời giới thiệu hấp dẫn như mời gọi của cán bộ huyện về Cao Sơn, nơi mà người dân xứ Thanh vẫn gọi là “Sa pa” thứ hai của Việt Nam, tôi đã thật sự tò mò. Cuối cùng, vào một dịp cuối năm, khi cái rét của mùa đông bắt đầu “cắt da cắt thịt” tôi đã quyết định ngược ngàn lên mảnh đất này.

Son Bá Mười (hay gọi là Cao Sơn) thuộc xã Lũng Cao, huyện Bá Thước, (Thanh Hóa). Nằm trên đỉnh của dãy núi Pha Hé, Pha Chiến, chạy song song với mạch núi Pù Luông - Cúc Phương hùng vĩ. Ở độ cao gần 2000m so với mặt nước biển, Son Bá Mười gần như tách biệt với các bản, làng khác dưới chân núi, có khí hậu quanh năm ôn hòa, khung cảnh hữu tình và được ví như một sapa ở xứ Thanh.

Đường vào Cao Sơn phải leo qua một ngọn núi cao chọc trời
Đường vào Cao Sơn phải leo qua một ngọn núi cao chọc trời

Con đường dẫn từ trung tâm xã lên Cao Sơn chỉ khoảng 10km nhưng đánh vật với nó là cả một kỳ tích bởi độ dốc cao, lòng đường chỉ khoảng 30cm, có đoạn chỉ đặt vừa một bước chân người. Dốc đá lởm chởm, nhiều đoạn phải bò, bấm từng ngón tay vào những mỏm đá mới có thể đi được. Giữa cái lạnh se sắt của đông nhưng ai nấy mồ hôi nhễ nhại. Để lên được Cao Sơn cũng mất nửa ngày đi bộ. Bởi thế, hầu như người già, trẻ nhỏ ở đây chỉ biết Cao Sơn là cả một thế giới.

Sau hành trình đầy gian nan, chúng tôi đã có mặt tại Son Bá Mười khi trời đã chập choạng tối. Cao Sơn mở ra trước mắt chúng tôi với sương mù giăng giăng khắp những bản làng. Phía xa, ánh đèn dầu leo lét trong những ngôi nhà như những đốm nhỏ giữa đại ngàn. Một bức tranh Cao Sơn hùng vĩ đẹp đến ngỡ ngàng.

Trẻ em ở Cao Sơn chỉ biết nơi này là cả một thế giới
Trẻ em ở Cao Sơn chỉ biết nơi này là cả một thế giới

Cán bộ Lò Minh Chiến, Chủ tịch hội nông dân xã Lũng Cao dẫn chúng tôi đi cho biết với độ cao gần 2000m nên ở đây quanh năm sương mù bao phủ, nhiệt độ trung bình từ 20 - 22 độ C, mùa đông thì đến sớm hơn và lạnh hơn những nơi khác rất nhiều, có nhiều khi nhiệt độ xuống còn 5 độ C hoặc có cả tuyết rơi.
 
Không những có khung cảnh đẹp, Son Bá Mười còn có những làn điệu Khập Thái đắm say, mê mẩn lòng người giữa đại ngàn. Người dân sinh sống trên đỉnh Phà Hé, chủ yếu là đồng bào dân tộc Thái - nơi vẫn còn lưu giữ những bản sắc văn hóa độc đáo nguyên sơ mà không nơi nào có được.

“Sapa” còn “say ngủ”

Đón chúng tôi, Trưởng bản Ngân Văn Đức với cái bắt tay ấm áp và hồ hởi. Trong ánh lửa bập bùng, ông hớp chén trà nóng còn bốc khói rồi kể: “Theo truyền thuyết mà người dân Cao Sơn truyền miệng lại rằng cách đây khoảng 400 năm về trước Son Bá Mười nguyên sơ, hoang vu không một bóng người.
 
Thủy tổ đầu tiên, là những người Mường từ Hòa Bình sang định cư tại Suối Nậm Bá nhưng vì nơi đây u tịch, thú giữ luôn rình rập, nên người Mường đã phải rời vùng đất này trở về lại Hòa Bình. Mãi đến khoảng đầu TK XIX thì người Thái ở Hòa Bình mới bắt đầu di chuyển sang sinh sống và một bộ phận người ở Lũng Cao của huyện Bá Thước ngược lên”.

Cũng theo Trưởng bản Đức thì Son Bá Mười hiện có 172 hộ, riêng làng Son có số hộ đông nhất là 97. Trong lời kể của Trưởng bản Đức, ông ngậm ngùi khi cho biết do đường đất đi lại khó khăn nên Son Bá Mười còn lạc hậu về nhiều thứ. Nhiều em lớn lên không học hành mà chỉ theo cha mẹ làm nương rẫy.

Cảnh đẹp nên thơ yên bình ở thiên đường Cao Sơn
Cảnh đẹp nên thơ yên bình ở thiên đường Cao Sơn

Bà con ở đây làm ra sản phẩm mang đi bán để đổi lại gạo và các nhu yếu phẩm, đều phải oằn mình gùi hàng sang Tân Lạc, Hòa Bình hai ba ngày đường mới về được đến nhà. Nhiều gia đình quá nghèo thường nửa năm đi chợ một lần, có người không có điều kiện thường thì cả năm mới biết đến chợ. Nhiều người từ lúc sinh ra đến tuổi lấy vợ, gả chồng nhưng chưa một lần đặt chân về thị trấn.

Rồi trong đôi mắt sáng như đốm lửa, Trưởng bản Đức khẳng định chắc như đinh đóng cột rằng Son Bá Mười còn nghèo nhưng nay mai khi có con đường rồi sẽ không còn nghèo nữa, rằng ông tin vào Đảng, Nhà nước, vì có Đảng, có nhà nước nên bản Son mới có được như ngày hôm nay. Cuộc hành trình thoát cái đói của Cao Sơn hôm qua và hôm nay đã là cả một kỳ tích rồi.

Sau một đêm kể chuyện, ngay khi thức dậy, Trưởng bản Đức dẫn chúng tôi đến những gia đình làm du lịch. Ông cho biết hiện bản Son có 3 gia đình làm du lịch.  Để phân biệt các hộ làm du lịch với các gia đình khác là bằng tấm biển được gắn chữ trên chái nhà ghi rõ “Nhà nghỉ du lịch sinh thái bản Son”.
 
Nằm trong vùng lõi Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông nên bà con lại càng có cơ hội làm du lịch hơn. Khách  chủ yếu là người nước ngoài, đi du lịch từ bản Lác (Mai Châu, Hòa Bình) sang hay dưới bản Hiêu (Cổ Lũng, Bá Thước) đi bộ qua con đường mòn từ Lũng Cao để đến Cao Sơn. 

Thiên đường mù sương này có bạt ngàn hoa đào rực nở từ giữa mùa đông cho đến hết tháng 3
Thiên đường mù sương này có bạt ngàn hoa đào rực nở từ giữa mùa đông cho đến hết tháng 3

Buổi sáng ở Cao Sơn, cái lạnh ngọt lành ngấm vào da thịt. Hít thở không khí và ngắm nhìn cả bản chìm đắm trong cơn ngủ vùi trên những triền đồi, sâu dưới những chân núi, bên khe nước mới thấy hết được cái bình yên nơi miền biên viễn này.

Trên đường đi, Trưởng bản hào hứng “khoe” rằng khí hậu ở đây ôn hòa nên hàng năm Cao Sơn cũng đã đón khách về đây du ngoạn. Nói rồi ông lại ngậm ngùi: “Thế nhưng tiềm năng phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng của Cao Sơn vẫn chưa phát triển được xứng tầm. Mỗi năm tính ra chỉ vài đoàn khách. Nhiều đoàn đến rồi không dám trở lại do đường đất đi lại quá khó khăn, điện thì chưa có...”

Mặc dù lên với “thiên đường” Cao Sơn, du khách không chỉ được ngắm cảnh đẹp mà còn được khám phá những bản sắc văn hóa ở nguyên sơ như khập Thái (hay còn gọi hát tỏ tình, chia sẻ tình cảm với người mình yêu), thêu thùa, múa sạp, mặc váy truyền thống mời rượu khách. Hay được thưởng thức các món ăn lạ, độc đáo như cơm lam, gà đồi, rượu cần, được đắm mình với cánh đào rừng, quýt vàng trong nắng sớm… Năm nào đào cũng nở sớm từ tháng 10 và cho đến tháng 3 năm sau. Nhưng những nét đẹp của Cao Sơn có ngang tầm với Sa pa đi chăng nữa thì vẫn chưa đủ để “đánh thức” vùng đất này.

Cùng nỗi trăn trở với Trưởng bản Đức, Chủ tịch UBND xã Lũng Cao ông Lương Ngọc Đanh cũng ngậm ngùi cho biết: “Dù đã có rất nhiều dự án đưa điện lưới quốc gia về bản nhưng cuối cùng vẫn chưa thể triển khai vì chưa đủ kinh phí. Đã có một số hộ dân tự bỏ tiền ra mua điện mãi tận Hòa Bình. Sóng điện thoại cũng luôn nằm “ngoài vùng phủ sóng”.

“Dự án phát triển du lịch sinh thái vũng lõi Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông có từ năm 2003, gồm các xã Lũng Cao, Lũng Niêm do một Tổ chức phi Chính phủ tại Anh giúp đỡ về tập huấn cách làm du lịch. Nhưng đã 9 năm trôi qua du lịch vẫn dậm chân tại chỗ. Dự án đường giao thông Ban Công - Lũng Cao nối Cao Sơn với xã Nam Sơn (Tân Lạc, Hòa Bình) được khởi công từ năm 2009 vẫn chưa hoàn thành”, ông Đanh chia sẻ.

Rời Cao Sơn, ai nấy đều mong một ngày trở lại, Cao Sơn sẽ đổi thay, Son Bá Mười sẽ tỉnh giấc sau những màn sương giăng giăng...

Nguyễn Thùy

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm