"Có lãnh đạo vẫn luôn cho rằng mình có quyền ban phát"
(Dân trí) - Đại biểu Quốc hội phân tích, vốn đầu tư công chính là tiền thuế là của dân, không thể coi là khoản tiền thuộc sở hữu của ai đó. Thực tế, có cá nhân lãnh đạo vẫn cho rằng mình có quyền ban phát.
Đây là vấn đề được nêu tại phiên thảo luận tại hội trường chiều 27/7 của Quốc hội về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.
Những dự án "vung vãi tiền của dân"
Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) nêu định hướng đổi mới quản lý ngân sách là tăng cường phân cấp cho địa phương. Tuy nhiên, điều đó cũng phần nào khiến vốn đầu tư dàn trải, thiếu tiêu chí quyết định thống nhất. Thực tế, có những dự án khi được trình ra thì lý do nêu rõ là cấp bách nhưng chỉ sau 6 tháng lại thấy không còn cấp bách nữa.
Đại biểu phân tích, như vậy là việc xây dựng danh mục dự án đầu tư không phải do khách quan mà có màu sắc chủ quan của lãnh đạo bộ, ngành, địa phương nhiều hơn.
"Chính phủ vừa qua đã thể hiện sự chú trọng với vấn đề này nhưng chúng tôi nghĩ vẫn cần lưu tâm hơn nữa vì vốn đầu tư công chính là tiền thuế là của nhân dân, kể cả tiền đi vay thì cũng là người dân trả nợ. Không thể coi đây là khoản tiền thuộc sở hữu, tùy quyết của ai đó. Thực tế, có cá nhân lãnh đạo vẫn cứ cho rằng mình có quyền ban phát" - đại biểu Mai nêu hiện tượng.
Tiếp nối ý này, đại biểu Thạch Phước Bình (Trà Vinh) khái quát, cử tri và nhân dân quan tâm hơn cả với mỗi báo cáo về hoạt động đầu tư công là về hiệu quả sử dụng từng đồng ngân sách. Ông Bình khẳng định, đại biểu Quốc hội nào cũng từng tiếp nhận và dễ dàng chỉ ra những lá đơn bức xúc, những phản ánh xót xa về các dự án kém hiệu quả, "vung vãi tiền của dân" như dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông hay những dự án dở dang mà khó thống kê nổi chi phí cơ hội phải trả.
Giải pháp cho vấn đề này, theo đại biểu, trước hết là việc tối đa hóa việc minh bạch dự án đầu tư công. Trong bối cảnh nguồn chi cho đầu tư phát triển còn hạn chế, những hình thức gây lãng phí ngân sách, gây bức xúc như rót tiền tổ chức lễ hội, tiếp tân, khởi công, khánh thành… cần triệt tiêu.
"Chuyện vốn đầu tư công đại biểu đã nói, Quốc hội đã bàn rất nhiều năm qua rồi nhưng những hạn chế cố hữu như đầu tư dàn trải, phân tán, kém hiệu quả vẫn còn nguyên đó. Thực tế chính là lời cảnh báo, cần nâng cao từ cơ chế đến tầm nhìn của cơ quan hoạch định chiến lược, trước hết ở việc giải ngân vốn" - ông Bình nhận định.
Dành vốn cho chống đại dịch trong cả nhiệm kỳ
Trong phiên thảo luận, nhiều đại biểu nêu ý kiến phân tích về chính sách, kế hoạch đầu tư công dựa trên sự kiện thời sự khiến cả nước quan tâm nhất hiện nay: cuộc chiến chống đại dịch Covid-19.
Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh (Long An) nêu vấn đề, tại kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa XV này, cử tri và nhân dân đều sốt ruột, đề nghị nhà nước nhanh chóng đốc thúc việc nghiên cứu, sản xuất vắc xin phòng Covid-19 "nội" để chủ động đuợc nguồn lực đối phó với dịch bệnh. Truyền tải nguyện vọng của cử tri, mỗi đại biểu Quốc hội ý thức sâu sắc tính cần thiết của việc đầu tư cho khoa học công nghệ, lĩnh vực rõ ràng đang có nhiều điểm nghẽn cần khơi thông, nhất là việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ cho hoạt động chống dịch.
Dẫn con số tổng chi đầu tư công cho khoa học công nghệ hàng năm không tới 2% ngân sách, ông Tuấn Anh nhận định, như vậy ngay cả tính chất làm "vốn mồi" cho lĩnh vực đầu tư này cũng không đủ. Hệ quả, theo đại biểu, dù Bộ KH&CN đã chủ trương việc đầu tư phát triển công nghệ, hệ thống sản xuất vắc xin từ năm 2011 với mục tiêu cho ra những sản phẩm y học tương đương thế giới nhưng thực tế đến nay vẫn chưa đạt được.
Từ đó, đại biểu kiến nghị, trong cơ cấu vốn đầu tư công trung hạn của 5 năm tới cần bố trí khoản vốn kịp thời cho nghiên cứu với các dịch bệnh nguy hiểm mới phát sinh. Ông Tuấn Anh mong muốn Quốc hội bổ sung nội dung này vào Điều 1 Nghị quyết về kế hoạch đầu tư công trung hạn. Và trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, theo đại biểu, cần ưu tiên xây dựng một trung tâm vắc xin quốc gia tầm cỡ đủ để phục vụ nhu cầu phòng chống dịch bệnh tại Việt Nam.
Tán thành hướng phân tích này, đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ (Hà Tĩnh) cho rằng, Quốc hội cần xem xét dành vốn đầu tư cho hoạt động chống dịch trong cả giai đoạn 5 năm. Đại biểu khuyến cáo, cần thiết xây dựng kịch bản dự phòng cần tiêu tiền cho cả giai đoạn chống dịch như hiện nay, đốc thúc mua sắm, sản xuất vắc xin cũng như cho giai đoạn khi vắc xin cũng không còn thực sự hiệu quả để tấn công Covid-19. Cần rút ngay kinh nghiệm từ thực tế tại nhiều nước, đã tiêm phủ cho dân đủ 2 mũi vắc xin rồi mà dịch vẫn quay trở lại, gây hậu quả khó lường, khó chống đỡ hơn.