Có hay không việc ông Nguyễn Việt Tiến "chạy" chức?
Diễn biến vụ việc tiêu cực ở PMU18 ngày càng phức tạp và cho thấy một trong những nguyên nhân là có lỗ hổng về công tác tổ chức. Có hay không việc ông Nguyễn Việt Tiến "chạy" chức? Ông Mai Thúc Lân - nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội (đại biểu QH khoá VIII, IX và X), đã có cuộc trao đổi về vấn đề này.
Thưa ông, có thông tin cho biết, trước đây ông Nguyễn Việt Tiến đã được đề cử vào danh sách Ban Chấp hành Trung ương khoá IX?
Tại Hội nghị Trung ương 11, khoá VIII, trong danh sách những người được đề cử vào Ban Chấp hành khoá IX có ông Tiến. Tuy nhiên, tại thời điểm đó, rất nhiều ý kiến tại hội nghị này đưa ra những điều không tốt về phẩm chất đạo đức của ông Tiến (trong đó, có một số ý kiến đã đưa ra việc ông Tiến có thói quen ứng xử quá thô bạo khi vào quán karaoke, quán ăn...).
Tại Hội nghị 12, khi bỏ phiếu, ông Tiến chỉ có 18/156 nhất trí, do đó bị loại khỏi danh sách đề cử. Tuy nhiên, tại đại hội, vẫn có người đứng ra giới thiệu ông Tiến vào Trung ương và ông Tiến cũng không xin rút. Kết quả, ông Tiến chỉ có trên 100 phiếu trên tổng số 1.196 đại biểu dự đại hội, nên đã bị trượt (ông Mai Thúc Lân là Trưởng ban Kiểm phiếu - PV).
Nhưng vừa qua, ông Tiến lại có trong danh sách giới thiệu vào Trung ương?
Theo tôi biết, ông Tiến có trong danh sách được đề cử, nhưng tại Hội nghị Trung ương 13, một lần nữa khi bỏ phiếu, Trung ương rất sáng suốt đã loại ông Tiến khỏi danh sách giới thiệu vào Trung ương khoá tới.
Tuy nhiên, điều tôi băn khoăn là tại sao khoá trước ông Tiến đã bị loại vì phẩm chất đạo đức, nay tại sao vẫn được giới thiệu? Một người có danh sách đề cử vào Ban Chấp hành Trung ương phải qua rất nhiều bước, nhiều khâu, quy trình rất chặt chẽ, mà sao vẫn lọt như vậy.
Vậy qua vụ việc tiêu cực ở PMU18, ở Bộ GTVT, ông có nhận xét gì về việc "chạy" chức hiện nay?
Đảng uỷ PMU18, Đảng uỷ Bộ GTVT được công nhận là Đảng bộ trong sạch, vững mạnh, trong khi ở đây lại là trung tâm của tiêu cực là cả vấn đề nghiêm trọng. Có thể thấy, những sai phạm ở đây đã không được các cơ quan chức năng phát hiện và bị che đậy rất kín. Mặt khác, điều đó cho thấy, không chỉ Đảng bộ ở đây bị tê liệt, mà đằng sau việc bình bầu đó phải có "vấn đề".
Ngay cả việc ông Tiến vẫn tiếp tục được giới thiệu vào Trung ương, tôi thấy chắc phải có chuyện "chạy" chức. Trước đó, khi trao đổi với anh Thuận (Trần Quốc Thuận - Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội - PV) về thông tin để được lên thứ trưởng, ông Tiến phải mất tới cả... triệu USD thì tôi không tin. Tuy nhiên, đến nay cần phải nghĩ đến chuyện mua chức là có thật.
Theo ông, vì sao nạn tham nhũng của chúng ta vẫn không có chiều hướng giảm mà ngày càng phức tạp?
Để chống tham nhũng có hiệu quả đòi hỏi cả hai yếu tố: Luật và con người thực thi pháp luật. Về luật, tôi cho rằng, nếu thực thi đầy đủ và tốt những văn bản pháp luật đã có thì hiệu quả rất tốt. Cho nên tôi không nhất trí với việc một số người khi đề cập đến nguyên nhân tham nhũng thường đổ lỗi do thiếu luật, luật chưa đủ nghiêm, văn bản luật chồng chéo, không đồng bộ...
Ví dụ, khi chưa có Pháp lệnh Chống tham nhũng, để chống tham nhũng có hiệu quả, Quốc hội đã bổ sung vào Bộ luật Hình sự: Nhận hối lộ 500.000 đồng đã có thể xem xét xử lý hình sự. Như vậy là luật đã rất nghiêm, vấn đề ở đây chính là những người thực thi pháp luật. Về vấn đề này, tôi nhất trí với phát biểu của Thượng tướng Lê Thế Tiệm - Thứ trưởng Bộ Công an: Việc gì cần "phẫu thuật" thì phải "phẫu thuật" ngay, không thể để ung nhọt mãi trong người. Đây chính là việc cần phải làm ngay.
Xin cảm ơn ông.
Theo Duy Hưng
Lao Động