1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Có hạ “sao” khách sạn chứa mại dâm?

Sau khi bị công bố thuộc danh sách 10 khách sạn phục vụ đường dây bán dâm cho người nước ngoài, Bảo Sơn (4 sao), Heritage (3 sao)... vẫn không mất vị thế top-ten du lịch. Chánh Thanh tra Tổng cục Du lịch, ThS Phạm Huỳnh Công đã trả lời những thắc mắc về vấn đề này.

Thưa ông, có đến 10 khách sạn thuộc diện "cao sao" bị phát hiện liên quan một đường dây lớn chuyên bán dâm cho người nước ngoài. Ông có cho là ở Việt Nam đã xuất hiện những sex-tour?

 

Tôi nghĩ, dùng từ "sex-tour" chưa thật đúng. Thường thì không tour du lịch nào được mở với mục đích duy nhất là sex. Cũng hiếm công ty du lịch nào đưa khách sang nước ngoài chỉ để mua dâm (kể cả sang Thái Lan - đất nước coi mại dâm là một đặc sản du lịch). Sex chỉ là một dịch vụ "kèm" trong hàng trăm sản phẩm mà khách du lịch tìm cách hưởng thụ.

 

Hiện nay, dịch vụ "kèm" này đang tăng theo số lượng khách du lịch vào VN. Nhiều khách coi dịch vụ mại dâm (cả đồng giới và khác giới) là một trong những sản phẩm du lịch bản địa. Vì lợi nhuận, một số đường dây sẵn sàng "giúp" khách kiếm "hàng". Đây thường được coi như hoạt động "làm thêm"; có công ty du lịch chủ quản không biết, nhưng cũng có công ty biết mà không bắt được hoặc bỏ qua.

 

Ông có nghĩ hiện tượng khách sạn chứa chấp mại dâm, một phần trách nhiệm thuộc về ngành Du lịch?

 

Thực ra, hiện tượng chứa mại dâm rất ít xảy ra ở các khách sạn 3, 4 sao (theo tôi biết, chuyện này thường diễn ra ở các khách sạn nhỏ, nhà hàng, nhà nghỉ).

 

Tôi nghĩ trong vụ việc này, trách nhiệm thuộc về toàn xã hội, trong đó có các nhà quản lý du lịch. Tuy nhiên, tôi xin dư luận hiểu chính xác thế này: Tổng cục Du lịch hiện là cơ quan quản lý hoạt động chất lượng các khách sạn (như xếp hạng sao, đánh giá năng lực kinh doanh theo ba-rem, xét top-ten). Chúng tôi cũng là đơn vị cấp giấy phép đăng ký kinh doanh lữ hành quốc tế cho các công ty du lịch có chức năng. Còn thẩm quyền cấp phép hoạt động  cho khách sạn (theo nhiều hình thức đầu tư: khách sạn trong nước, khách sạn liên doanh, khách sạn 100% vốn nước ngoài) lại thuộc UBND tỉnh, các sở hoặc Bộ Kế hoạch - đầu tư.

 

Vậy các khách sạn chứa chấp mại dâm sẽ do cơ quan nào xử lý, xử lý thế nào?

 

Với cá nhân, cơ sở môi giới, chứa chấp mại dâm, cơ quan chức năng có thể phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự tuỳ mức độ vi phạm. Hành vi nguy hiểm thì quy định tội hình sự (như vụ vừa rồi), do các cơ quan hành pháp thực hiện. Hành vi không nghiêm trọng thì xử phạt hành chính theo điều 7, khoản 1 Nghị định 50 của Chính phủ (ngày 25/4/2002) về xử phạt hành chính trong lĩnh vực du lịch, mức phạt 200.000 đồng, do Tổng cục Du lịch thực hiện.

 

Là một thanh tra du lịch, tôi thấy mức xử phạt hành chính như vậy là quá nhẹ, chưa đủ tác dụng răn đe.

 

Các cơ sở vi phạm cũng có thể bị rút giấy phép hoạt động, như thông báo mới đây của Thủ tướng Chính phủ. Cơ quan thực hiện hình phạt này là những đơn vị đã cấp phép.

 

Còn về phía ngành Du lịch, có cách nào răn đe những khách sạn chứa chấp mại dâm? Tổng cục Du lịch có thể hạ sao những khách sạn vi phạm?

 

Tổng cục Du lịch đã có cuộc họp bàn về hướng xử lý các khách sạn chứa mại dâm cho người nước ngoài vừa bị phát hiện. Theo đó, ngành tiếp tục phối hợp các cơ quan chức năng để xác định rõ trách nhiệm của giám đốc các khách sạn, công ty du lịch để quy trách nhiệm và xử lý cá nhân cụ thể.

 

Về vấn đề thu hồi  quyết định phân hạng sao hay hạ sao các khách sạn chứa chấp mại dâm, dù dư luận rất quan tâm nhưng chúng tôi đang rất vướng: Hình thức xử lý này chưa được quy định trong bất cứ văn bản nào của nhà nước về quản lý du lịch.

 

Để hạ sao các khách sạn, Tổng cục Du lịch chỉ có thể căn cứ vào điều kiện phân hạng sao (gồm diện tích mặt bằng,  cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ nhân viên, chất lượng phục vụ...). Sau mỗi kỳ kiểm tra, nếu không đạt yêu cầu thì mới có thể... hạ sao.

 

Chẳng lẽ Tổng cục Du lịch đành bó tay trước nạn chứa chấp mại dâm trong khách sạn (có thể thành phong trào nếu xử lý không đủ mạnh)?

 

May mắn là Luật Du lịch (thay thế Pháp lệnh Du lịch 1999) vừa được Quốc hội thông qua ngày 11/6, có hiệu lực từ 1/1/2006. Đi kèm luật này là Nghị định Xử phạt hành chính trong du lịch. Nghị định này quy định cụ thể các hành vi vi phạm phát sinh trong quá trình kinh doanh du lịch (như chứa chấp, mua bán, tổ chức, môi giới mại dâm...); kèm theo là chế tài, hình phạt bổ sung đủ mạnh. Ví dụ: Phạt hành chính 20 - 30 triệu đồng với hành vi phá hoạt vệ sinh môi trường du lịch, rút giấy phép hoạt động hoặc hạ sao khách sạn vi phạm pháp luật...

 

Tuy nhiên, việc phòng chống tệ nạn và xử lý vi phạm trong các cơ sở kinh doanh du lịch sẽ vẫn do nhiều cơ quan đảm nhiệm. Tổng cục Du lịch chưa phải là một cơ quan cấp bộ nên chỉ được phép ra thông báo (văn bản không có nội dung bắt buộc), không được phép ra chỉ thị chỉ đạo toàn ngành để trực tiếp giải quyết một vụ việc nào đó liên quan hoạt động du lịch.

 

Nhằm rà soát hoạt động của các cơ sở kinh doanh du lịch, khách sạn, nhà hàng, từ 30/5 đến 30/7 chúng tôi mở một đợt thanh tra du lịch trên toàn quốc..., hy vọng phối hợp với các cơ quan chức năng từng bước bài trừ tệ nạn xã hội, giữ gìn môi trường kinh doanh du lịch lành mạnh.

 

Xin cảm ơn ông.

Theo Vietnamnet

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm