1. Dòng sự kiện:
  2. Người hùng cứu tài xế gặp nạn ở cầu Phú Mỹ
  3. Hóa đơn nước hơn 57 triệu đồng/tháng

“Cố gắng để không phải chạy theo sửa đổi luật”

(Dân trí) - Tân Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường từng là “người cũ” của Bộ Tư pháp nên ông có rất nhiều thuận lợi. Trở về với mái nhà xưa, ông cho rằng mình đã có những kinh nghiệm để có thể tham gia vào việc hạn chế bớt khoảng cách giữa luật ban hành và thực tiễn...

Ông đã từng làm Thứ trưởng Bộ Tư pháp, rồi làm Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Bình, nay quay lại làm Bộ trưởng Tư pháp. Ông có nhiều thuận lợi khi trở lại ngôi nhà của mình?

Ai về chỗ cũ cũng thấy thuận lợi vì quen công việc, quen người. Quá trình luân chuyển như vậy cũng giúp mình dãn ra khỏi đơn vị cũ để nhìn với con mắt của người dân, của người ngoài để tích tụ được một số vấn đề.

Đó là những gì, thưa ông?

Nhiều lắm! Trước mắt, tôi thấy thách thức lớn nhất của ta, mặc dù đã có nhiều cố gắng trong xây dựng pháp luật rồi nhưng tính khả thi, tính dự báo của pháp luật, thậm chí là sự phản ánh tâm tư thực tế tình hình vẫn còn một khoảng cách. Văn bản pháp luật rất nhiều rồi, nhưng đi vào cuộc sống còn ở mức độ.

Vấn đề quan trọng nhất hiện nay là cho chúng ta xây dựng một hệ thống pháp luật mang tính khả thi cao và cố gắng làm sao tránh tình trạng hôm nay ban hành luật, vài tháng hoặc vài năm sau lại phải sửa, làm cho chúng ta suốt ngày phải chạy theo sửa đổi pháp luật.

Thời gian xuống địa phương giúp tôi gần dân hơn, sát thực tế của địa phương hơn, nhất là vùng khó khăn như Quảng Bình cần có điều kiện nhìn lại nhiều cái chúng ta cần phải cố gắng.

Kinh nghiệm ngần ấy năm ở Quảng Bình giúp gì cho ông khi trở lại cương vị Bộ trưởng tư pháp?

Đương nhiên là kinh nghiệm về mặt quản lý, điều hành, lãnh đạo, tìm được ngôn ngữ chung. Đây là điều rất quan trọng.

Thực tế là các Bộ ngành ra văn bản còn sai rất nhiều, thời gian tới sẽ giải quyết vấn đề này như thế nào?

Chúng ta cần tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra văn bản pháp luật để làm sao cố gắng giảm thiểu và không để xảy ra tình trạng văn bản địa phương trái với TƯ hoặc văn bản ngành trái quy định của Chính phủ, thậm chí văn bản của Chính phủ cũng còn ý kiến này ý kiến khác về việc có phù hợp hay không với luật của Quốc hội.

Đó là trật tự đã quy định trong hiến pháp, trong Luật Ban hành các Văn bản pháp luật rồi. Thời gian tới cần tăng cường hơn nữa để hệ thống pháp luật bảo đảm tính pháp chế, tính thống nhất, đảm bảo tính tối thượng của hiến pháp và các đạo luật.

Trước khi Bộ Tư pháp phát hiện rất nhiều văn bản pháp luật sai trái do địa phương ban hành, đã có ý kiến cho rằng nên phân quyền xuống địa phương nhiều hơn?

Đúng là phân cấp hay phân quyền, tạm quyền ở trong trường hợp này cần cố gắng hơn nữa. Đương nhiên nhà nước ta là nhà nước đơn nhất, không phải là nhà nước liên bang như nhiều nước khác cho nên phải đảm bảo tính tập trung của một nhà nước đơn nhất nhưng không phải tất cả mọi cái gì TƯ đều nắm, tất cả các địa phương phải giống nhau.

Ngay trong lĩnh vực Bộ Tư pháp quản lý tới đây cũng phải tiếp tục nghiên cứu để trình QH, Chính phủ phân quyền, phân cấp hơn nữa cho các địa phương.

Đã từng làm lãnh đạo địa phương, kiểm tra văn bản pháp luật ở địa phương, ông có thấy những văn bản nào tuy trái với luật nhưng có lý, phù hợp với thực tế cuộc sống?

Chúng ta không thể chấp nhận được cái gọi là văn bản có lý nếu nó trái pháp luật TƯ. Lý đó là lý sai rồi. Nhưng cũng phải nói rằng ở địa phương đa dạng hơn nhiều, trong tình huống như vậy mỗi địa phương có cái khác nhau ta phải nghiên cứu để tham mưu để sửa luật, nghị định trên này có gì đó vận dụng vào địa phương không khả thi, hoặc ở địa phương này thì khả thi nhưng ở địa phương khác lại không để tăng tính tự chủ, tính tự quản của địa phương hơn nữa.

Vừa rồi Bộ Tư pháp có một số văn bản pháp luật trình Chính phủ bị "đổ”, ví dụ Bộ luật Thi hành án hay luật Đăng ký bất động sản... Liệu Bộ trưởng có kế hoạch gì cho những dự án luật này hay không?

Tôi chưa trực tiếp về lại Bộ nên chưa thể nói điều gì, nhưng nói "đổ" thì hơi quá. Có nhiều việc chúng ta trước hết phải có nhận thức chung đã. Có những việc tôi thấy hiện cũng rõ rồi nhưng nhận thức chung chưa đạt được nên ta phải kiên trì, tìm sự đồng thuận. Trước hết là trong nhận thức đã, không chỉ có Quốc hội, Chính phủ mà của cả xã hội.

Còn 15 phiếu không tán thành bầu ông vào cương vị đứng đầu ngành tư pháp, ông lý giải sao về điều này và ông sẽ làm gì để đạt được sự đồng thuận từ những lá phiếu đó?

Cái đó tôi nghĩ là chuyện bình thường thôi nhưng đó là thông điệp mà tôi phải suy nghĩ rằng mình nên cố gắng nhiều hơn nữa để có sự đồng tình cao hơn.

Cấn Cường - Hồng Hạnh (ghi)