Cô gái trả tiền để mua rác, biến lốp xe thành mặt hàng hút khách
(Dân trí) - Từ vật liệu tưởng như bỏ đi, có thể gây hại cho môi trường, cô gái trẻ ở Nigeria đã biến thành các món đồ đẹp, được khách hàng lựa chọn.
Cách đây vài năm, Olamide Ayeni-Babajide (sống ở Nigeria) đã có chuyến đi tới Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất.
Thời điểm đó, cô gái người Nigeria này bước vào một cửa hàng bán đồ nội thất và ngay lập tức bị thu hút với các món đồ trang trí đẹp mắt nên quyết định mua để mang về Lagos (Nigeria). Sau khi quan sát kỹ hơn, cô mới nhận ra, sản phẩm này được làm từ vỏ ngô.
Từ phát hiện này, cô đã thành lập doanh nghiệp Pearl Recycling chuyên kinh doanh đồ nội thất làm từ chất thải rắn. "Lúc đó, tôi tự hỏi liệu có thể tạo ra điều ý nghĩa từ rác thải ở Nigeria. Điều đó đã khơi gợi trí tò mò và khiến tôi tìm hiểu thêm về tái chế và tận dụng rác thải", Ayeni-Babajide nhớ lại.
Tại Nigeria, việc quản lý các loại rác thải là vấn đề lớn. Với dân số hơn 170 triệu người, hàng năm nước này thải ra 32 tấn chất thải rắn, trong đó chỉ 20-30% được thu gom. Theo Ayeni-Babajide, phần còn lại nằm trên đường phố, kênh rạch... Cô gái trẻ cũng nhận thấy rác trên đường phố trong khi đi làm và nó trở thành vấn đề thực sự trong xã hội.
Từ suy nghĩ của bản thân, Ayeni-Babajide lấy nguyên liệu lốp xe đã bỏ đi, chai lọ, báo, tạp chí, ông hút, đĩa CD không còn sử dụng... để biến thành các đồ vật có giá trị như bàn, ghế, đồ trang trí cho nhà cửa và văn phòng.
Một trong những sản phẩm mà cô tự hào nhất là chiếc bàn tròn được làm từ lốp xe tái chế. Đây cũng là mặt hàng bán chạy nhất và được nhiều người tìm mua.
Những sản phẩm được doanh nghiệp này làm ra phù hợp với túi tiền của người dân thu nhập trung bình và thu nhập thấp. "Bạn có thể mua đồ nội thất của chúng tôi với giá từ 3000 - 4000 Naira Nigeria (169.000 đồng - 225.000 đồng), những chiếc ghế rất đẹp có giá 15.000 Naira (850.000 đồng)", cô chia sẻ.
Không đơn thuần là kinh doanh, Ayeni-Babajide còn tham gia một chương trình tặng 400 ghế làm từ rác thải cho các trường học. Theo nữ doanh nhân này, từ 800 học sinh được đào tạo về bảo vệ môi trường, các em sẽ hướng dẫn lại cho gia đình, người thân... từ đó góp phần thay đổi nhận thức.
Bên cạnh các món đồ nội thất được tạo ra từ rác thải, công ty của Ayeni-Babajide còn thực hiện sứ mệnh kinh doanh để hỗ trợ xóa đói giảm nghèo, giúp phụ nữ và trẻ em gái thất học bằng cách trang bị kỹ năng để những người này có thể có thu nhập.
Ayeni-Babajide cho biết: "Chúng tôi tạo ra việc làm theo nhiều cách, khuyến khích mọi người mang rác đến xưởng và sẽ trả tiền cho họ. Về đào tào, chúng tôi chú trọng đến phụ nữ và trẻ em gái, đặc biệt là những người không được đi học".